Người lớn tuổi khi té ngã có thể dẫn đến gãy cổ xương đùi. Gặp chấn thương này, một số bệnh nhân từ chối phẫu thuật vì sợ biến chứng, nhưng nhiều trường hợp vẫn can đảm lên bàn mổ bởi tin tưởng bác sĩ. Quyết định này giúp họ không chịu cảnh nằm một chỗ trên giường bệnh đến cuối đời. Câu chuyện của ông Hoàng Phát là điển hình.
Sau khi thăm khám, BS Trương Hoàng Vĩnh Khiêm - Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện FV - nhận thấy ông Phát gặp tình trạng gãy cổ xương đùi, phải thay khớp háng mới có cơ hội khôi phục vận động.
“Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh nhân phải nằm một chỗ, nguy cơ gặp nhiều biến chứng như loét do nằm lâu, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm đường hô hấp… thậm chí có thể tử vong”, bác sĩ Khiêm cho biết.
Bên cạnh vết thương do té ngã, bệnh nhân mắc khá nhiều bệnh nền. Điều này có thể làm cuộc mổ trở nên nguy hiểm, dễ dẫn đến suy tim, đột quỵ trong và sau phẫu thuật.
Các bác sĩ lập tức tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa nhằm đưa ra kế hoạch thực hiện ca mổ thật kỹ lưỡng, an toàn. Theo đó, ông Phát được bác sĩ tim mạch kiểm soát tốt về tim mạch trước phẫu thuật. Trong suốt ca mổ, các bác sĩ gây mê hồi sức đồng hành cùng phẫu thuật viên để xử lý khi có thay đổi trong dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, ê kíp đã tự tin thực hiện cuộc đại phẫu cho bệnh nhân 102 tuổi.
Bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm thực hiện mổ thay khớp háng cho bệnh nhân. |
Với sự hỗ trợ của bác sĩ khoa gây mê hồi sức và tim mạch, bác sĩ Khiêm thực hiện ca phẫu thuật trong hơn 1 giờ. Nhờ thực hiện kỹ các bước kiểm soát tim mạch và gây mê, ca mổ diễn ra suôn sẻ. Sau mổ, bệnh nhân được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để hồi phục chức năng và xuất viện một tuần sau đó.
Chứng kiến người cha 102 tuổi bước từng bước sau ca phẫu thuật với sự hỗ trợ của khung tập đi, ông Hoàng Minh (61 tuổi, con trai bệnh nhân) không khỏi mừng rỡ. Ông Minh cho biết cha mình tuổi cao nhưng minh mẫn, vẫn làm việc nhà và đọc báo mỗi sáng.
Nhận thấy ông Phát có nhiều bệnh nền, hơn 20 năm qua, gia đình tin tưởng gửi gắm sức khỏe của ông cho các bác sĩ tại Bệnh viện FV. Do đó, khi được bác sĩ Khiêm phân tích nguy cơ có thể xảy ra trong ca mổ và đưa ra phương án dự phòng cho mọi tình huống, gia đình phần nào an tâm, đồng ý theo chỉ định của bác sĩ.
“Được bác sĩ dự liệu các tình huống khi mổ, tôi thêm tin tưởng vào giải pháp của bệnh viện. May mắn mọi việc đều suôn sẻ. Tôi rất cảm kích khi bác sĩ Khiêm đã phối hợp ê kíp khoa Tim mạch, khoa Gây mê hồi sức, khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng thực hiện ca phẫu thuật thành công. Ban đầu chúng tôi chỉ hy vọng cha ngồi được, nhưng không ngờ sau phẫu thuật ông vẫn có thể đi đứng được”, ông Minh hồ hởi.
Sau 4 tuần, khi quay lại tái khám tại bệnh viện, ông Phát cho biết đã có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường như trước đây.
Ông Phát tập đi sau phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi. |
Theo bác sĩ Khiêm, gãy cổ xương đùi khi té ngã là chấn thương thường gặp, ngày càng phổ biến ở người lớn tuổi. Trước một số lo ngại về nguy cơ khi phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi cho người lớn tuổi, bác sĩ Khiêm khẳng định đây không phải nguyên nhân gây tử vong. Thực tế, nguy cơ tử vong đến từ biến chứng của việc nằm lâu, chẳng hạn viêm phổi hoặc viêm đường tiểu.
Để ngăn ngừa tai nạn té ngã ở người lớn tuổi dẫn đến gãy cổ xương đùi, bác sĩ Khiêm lưu ý nhà ở cần được dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc gọn gàng, sàn không có yếu tố gây trơn trượt và không gian phải đủ ánh sáng. Đặc biệt, những gia đình nuôi chó, mèo cũng cần cẩn thận. Bởi đặc tính thú cưng hay quấn chân chủ nên có thể khiến người cao tuổi vấp ngã.
Bệnh nhân Hoàng Phát và ông Minh chụp hình cùng bác sĩ Khiêm trước ngày xuất viện. |
Để biết thêm về điều trị gãy cổ xương đùi, bạn đọc có thể liên hệ khoa Chấn thương Chỉnh hình hoặc số điện thoại 02854113333.