Nhiều Gen Y ở Nhật Bản hạnh phúc hơn sau khi từ chối cơ hội thăng chức. Ảnh: Pexels. |
Từ lâu, Nhật Bản đã nổi tiếng với nền văn hóa làm việc không ngừng nghỉ. Trước đại dịch, nhiều nhân viên chấp nhận tăng ca liên tục, nhậu nhẹt giao lưu sau giờ tan sở hay nán lại văn phòng đến khi sếp ra về. Những điều đó dường như là luật bất thành văn để sự nghiệp tiến xa hơn.
Thế nhưng gần đây, thăng chức và chức danh hào nhoáng đã mất dần sức hút với người lao động.
Theo một khảo sát vào năm nay, 77% trong số 1.116 nhân viên văn phòng tại Nhật Bản cho biết họ không muốn làm quản lý.
Một cuộc thăm dò khác với 100 người trong độ tuổi 20 cho thấy phúc lợi và chất lượng cuộc sống là những điều quan trọng nhất họ tìm kiếm trong công việc - hơn cả danh tiếng công ty hay thăng tiến.
Thạc sĩ Yuko Tamura - nhà văn, dịch giả văn hóa, tổng biên tập của tờ Japonica ở Tokyo - cũng nằm trong xu hướng đó. Chia sẻ với CNBC, cô chỉ ra lý do Gen Y ở Nhật Bản hạnh phúc hơn sau khi từ chối cơ hội thăng chức.
Thăng tiến không chỉ dựa trên thành tích
Khác với nhiều doanh nghiệp Mỹ, ở Nhật Bản, khi nói đến tăng lương và thăng chức, các công ty thường chú trọng đến thâm niên.
Thông thường, người lao động Nhật Bản chỉ làm quản lý khi bước qua độ tuổi 40, bất kể trước đó họ cống hiến hay có tài năng như thế nào.
Thành tích cũng thường được xem là kết quả của cả nhóm thay vì đóng góp cá nhân. Nhưng ngược lại, gánh nặng trách nhiệm lại đè nặng lên vai người quản lý. Họ buộc phải gánh chịu mọi sai lầm của tập thể, phải là người lãnh đạo vị tha. Đôi khi, họ phải hy sinh cả cuộc sống cá nhân.
Thạc sĩ Yuko Tamura cho biết một người bạn của cô (ở độ tuổi 40) cũng có trải nghiệm tương tự. Khi làm việc tại một tập đoàn sản xuất xe hơi, anh bất ngờ nhận được lời mời thăng chức - một bước tiến đáng mơ ước trong mắt nhiều người. Thế nhưng, vượt qua sức ép từ ban lãnh đạo, anh đã từ chối cơ hội này.
"Bạn tôi đã ưu tiên sức khỏe tinh thần hơn là con đường thăng tiến truyền thống", Thạc sĩ Yuko Tamura nói.
Thông thường, người lao động Nhật Bản chỉ làm quản lý khi bước qua độ tuổi 40. Ảnh: Japan Times. |
Nghĩ khác về thành công
Ở Nhật Bản, lòng trung thành được đề cao, nghỉ phép dài là khái niệm xa xỉ. Với văn hóa "tham công tiếc việc", người lao động ngại nghỉ ngơi hay tìm hướng đi mới.
Thế nhưng giờ đây, ngày càng nhiều người lựa chọn rời bỏ văn phòng để ưu tiên cuộc sống cá nhân và gia đình. Thạc sĩ Yuko Tamura cũng nằm trong số đó. Cô cho hay định nghĩa thành công của mình đã đa chiều hơn.
"Tôi làm việc tự do với vai trò là nhà văn và biên tập viên. Sức khỏe gia đình và sự bình yên chính là những điều quan trọng với tôi", Thạc sĩ Yuko Tamura cho hay.
Theo nữ nhà văn, con người không dễ dàng quay lưng với những thứ nhiều người tôn sùng. Nhưng chính sự dũng cảm đó đã mở ra tương lai hạnh phúc, trọn vẹn hơn.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.