Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Gen Z biến AI thành ‘con sen' của mình

Mới tìm hiểu và ứng dụng AI vào công việc cách đây hơn một tháng, Thùy Trang đánh giá hiệu suất công việc của cô đã tăng gấp 3 lần.

Nhiều nhân sự học, tìm hiểu thêm về AI để áp dụng vào công việc chính. Ảnh: Adobe Stock.

Một tháng nay, Thùy Trang (23 tuổi) đã không còn “đau đầu" mỗi lần làm báo cáo. Cô chỉ cần nhờ Chat GPT và Google Bard gợi ý cách thức tìm kiếm số liệu, tổng hợp các nguồn tin liên quan trong và ngoài nước rồi tự mình đối chiếu dữ liệu để lọc ra thông tin chuẩn nhất.

“Từ ngày biết dùng AI vào công việc, cuộc đời mình như bước sang trang mới. Thay vì ngồi cả ngày tìm số liệu, mình chỉ cần đưa ra các câu lệnh với AI là có đầy đủ thông tin chỉ trong khoảng 2 giờ", Trang chia sẻ.

Không học thì tụt hậu, dễ bị đào thải

Trang là nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại một công ty công nghệ ở Hà Nội. Vài tháng trước, bộ phận của cô dự định tuyển thêm thực tập sinh và cộng tác viên cho các vị trí Marketing.

Thế nhưng, sau khi cân nhắc, công ty của Trang quyết định dừng tuyển dụng bởi AI có thể làm thay các nhân sự này, hiệu suất gấp 3 lần so với mô hình team 3 người.

Ở vị trí việc làm của Trang - liên quan đến công nghệ lõi và ý tưởng - nhân sự khó bị AI đào thải, thay thế hơn. Tuy nhiên, Trang lại áp lực về việc nếu không biết sử dụng AI vào công việc, cô sẽ đi chậm hơn so với người khác.

“Để không bị AI hay người khác thay thế, mình chỉ còn cách phải học để hiểu và áp dụng nó vào công việc. Nhờ AI giải phóng công việc thông thường, mình có thời gian tập trung hơn vào công việc chuyên môn”, Trang chia sẻ.

Không muốn bị tụt hậu cũng là lý do Thúy Ngân (22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực Marketing) quyết định tìm hiểu về AI.

“Xung quanh mình, rất nhiều đồng nghiệp ứng dụng AI trong công việc, thậm chí hàng ngày. Các vị trí cấp thấp, xử lý công việc ở mức đơn giản cũng dễ bị AI đào thải. Nếu không hiểu về nó, mình sẽ lỗi thời mất bởi không thể biết được AI còn phát triển đến mức nào trong tương lai", Ngân cho hay.

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Vũ Phạm (22 tuổi, lập trình viên) cho biết thị trường lao động bây giờ cũng đã khác so với trước đây. Các lập trình viên thông thường có thể mất việc bất cứ lúc nào bởi vì giờ đây, AI đều có thể làm những việc như dán nhãn dữ liệu, thiết lập lệnh đơn giản…

“Mình nghĩ trong tương lai, xã hội sẽ cần những người có ý tưởng và định hình sản phẩm, dịch vụ tốt. Còn người viết code sẽ dần ít đi do bị AI thay thế", Vũ nhận định.

Gen Z hoc anh 1

Các CEO ước tính 40% nhân sự cần được đào tạo lại để thích nghi với việc triển khai AI. Ảnh: Pexels.

Ông Nguyễn Tuấn Khang - Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam - nhận định khi AI tạo sinh phát triển, sẽ có ngày càng nhiều vị trí bị ảnh hưởng, bao gồm cả quản lý cấp cao.

Theo nghiên cứu của IBM, 77% nhân viên mới sẽ nhận thấy sự thay đổi trong nội dung công việc của họ vào năm 2025. Các CEO ước tính 40% nhân sự cần được đào tạo lại để thích nghi với việc triển khai AI, tự động hóa trong 3 năm tới. Tuy nhiên, những nhân lực có khả năng học hỏi và hợp tác với AI có thể hưởng lợi.

“Không phải AI thay thế con người, mà là những người dùng AI sẽ thay thế người không dùng AI. Khi chúng tôi tiếp xúc với các trường đại học và cả trường phổ thông, vấn đề rất được quan tâm là xây dựng các chương trình học về AI và hướng nghiệp khi công việc tương lai sẽ có AI”, ông Nguyễn Tuấn Khang cho biết.

Hiệu suất công việc tăng đáng ngạc nhiên

Dù chỉ dừng ở mức tự tìm hiểu, tự học theo bản năng, Trang đã có thể dùng các ứng dụng AI như ChatGPT, Google Bard cho 3 công việc chính, bao gồm tìm kiếm và tổng hợp thông tin, số liệu; giải đáp thắc mắc chuyên môn; lên kế hoạch và hỗ trợ xây dựng sáng tạo nội dung.

Nữ nhân viên văn phòng cho biết khi sử dụng AI thành thạo hơn, 60% khối lượng công việc thông thường đã được giải phóng. Cô có nhiều thời gian tập trung vào các công việc quan trọng, chuyên môn hóa. Từ đó, hiệu suất công việc cũng tăng gấp 3.

“Với tần suất 3 báo cáo/tuần, mình không thể dành nguyên 3 ngày chỉ để tìm số liệu. Thay vào đó, mình nhờ AI thu thập thông tin. Việc duy nhất mình cần làm là đối chiếu dữ liệu, lọc thông tin chuẩn, đánh giá và đưa ra định hướng. Gần một tháng nay, mình đã không phải căng thẳng về deadline báo cáo nữa", Trang chia sẻ.

Gen Z hoc anh 2

60% khối lượng công việc thông thường của Trang đã được giải phóng khi ứng dụng AI. Ảnh: NVCC.

Ngoài công việc hiện tại, Trang còn xây dựng diễn đàn và làm sáng tạo nội dung.

Nhờ AI, cô thậm chí có thể tạo 60 content/tháng bằng cách đưa gợi ý để ChatGPT thực hiện một bản nháp. Sau đó, cô sẽ tùy ý điều chỉnh để hoàn thiện.

“Chất lượng bản nháp mà ChatGPT đưa ra có thể đạt tới 70-80% so với yêu cầu", Trang đánh giá.

Tuy nhiên, dù hiệu quả, nữ nhân viên văn phòng cũng nói thêm rằng cần phân tách người sử dụng AI và người ỷ lại vào AI.

Nếu thực hiện công việc 100% bằng trí tuệ nhân tạo, chất lượng công việc cũng đáng lo ngại. Do vậy, người dùng cần sử dụng công nghệ có trách nhiệm.

Chung quan điểm, Thúy Ngân cho rằng nhân sự biết dùng AI để phục vụ công việc là điều tốt, nhưng đừng để bản thân phụ thuộc vào nó bởi khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện của con người có thể giảm đi.

“Mình làm trong lĩnh vực sáng tạo là Marketing, hoàn toàn có thể dùng AI để viết nội dung, lên ý tưởng. Thế nhưng, nếu để phụ thuộc vào nó, khả năng cao sẽ suy giảm sáng tạo và đổi mới”, Ngân nhận định.

Hiện tại, Ngân chủ yếu dùng ChatGPT, Bing AI vào việc dịch văn bản tiếng Anh và kiểm tra ngữ pháp khi làm báo cáo, viết email cho khách hàng. Thi thoảng, nếu bí ý tưởng, cô có thể nhờ AI gợi ý những hướng đi mới hoặc lên đề cương sơ bộ.

Trong khi đó, Vũ Phạm tiết kiệm được khoảng 40% công sức khi sử dụng đa dạng ứng dụng AI như ChatGPT, Bing AI, Google Bard… Mỗi ứng dụng sẽ có thế mạnh riêng, phục vụ các công việc khác nhau như hỗ trợ phân tích, làm sạch dữ liệu, viết code, viết báo cáo, học tiếng Anh…

“Mình coi AI là công cụ mới nhưng quan trọng là phải hiểu và biết sử dụng nó. Bản thân cũng phải có kiến thức nền thì khi sử dụng mới có hiệu quả. Dữ liệu đầu vào, cách đặt câu hỏi có đúng thì kết quả trả về mới chất lượng”, Vũ nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Chọn trường nào để học ngành Trí tuệ nhân tạo?

Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là ngành học "hot", điểm đầu vào thường ở mức cao.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm