Nhân sự trẻ được cho là phù hợp với môi trường đổi mới, sáng tạo của ngành công nghệ. Đồ hoạ: Business Insider. |
Dữ liệu liên bang mới cho thấy nhân sự công nghệ tại Mỹ ngày càng trẻ hoá. Số lượng người lao động dưới 25 tuổi tăng lên, trong khi tỷ lệ nhân sự trên 40 tuổi giảm dần. "Lời nguyền tuổi 35" cũng được lan truyền giữa những nhân sự ngành công nghệ ở Trung Quốc.
Nhìn chung, thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) ngày càng mất vị thế trong lĩnh vực công nghệ, phải nhường chỗ cho Gen Z (sinh năm 1997-2012). Họ cần tập quên quá khứ từng được trọng dụng ở môi trường này, theo Business Insider.
Lĩnh vực công nghệ ưu tiên tuyển nhân sự trẻ. Ảnh: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Định kiến về tuổi tác ở ngành công nghệ
Ngành công nghệ quan niệm rằng nhân sự thuộc lĩnh vực này phải trẻ trung để sáng tạo, cải tiến, sẵn sàng cống hiến và chấp nhận thử thách. Sự phân biệt tuổi tác dần trở nên nghiêm trọng ở ngành nghề trên.
Báo cáo được Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng công bố trong tháng này cho biết 41% nhân sự công nghệ ở độ tuổi từ 25-39 tính đến năm 2022. Trong khi đó, nhóm tuổi này chỉ chiếm 33% tổng lực lượng lao động Mỹ.
Số lượng người lao động dưới 25 tuổi tăng 9% mỗi năm từ 2014-2022, chiếm 7% tổng nhân sự công nghệ vào năm 2022. Mức tăng trưởng này cao gấp 20 lần so với các ngành nghề khác.
Vấn đề phân biệt tuổi tác tại môi trường công sở lần đầu tiên được đem ra thảo luận. Tình trạng trẻ hoá ở nhân sự công nghệ giới hạn cơ hội việc làm cho người lao động lớn tuổi.
Dù Mỹ nghiêm câm hành vi phân biệt đối xử với người lao động trên 40 tuổi, những lời phàn nàn, bàn tán về nhân sự lớn tuổi vẫn tồn tại trong xã hội. Người 40 tuổi bắt đầu được xem là già ở Thung lũng Silicon.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc. Người lao động ở đất nước tỷ dân truyền tai nhau “lời nguyền tuổi 35”, đặc biệt lo sợ về vấn đề tuổi tác khi làm việc ở môi trường công nghệ.
Joanna Lahey, giáo sư chính sách công tại Đại học Texas A&M (Mỹ), cho biết báo cáo mới chỉ ra mối quan hệ giữa độ tuổi và việc làm trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bà cho rằng quyết định nghỉ hưu sớm ở một bộ phận người lao động có thể góp phần vào thực trạng này.
Vấn đề phân biệt tuổi tác trở nên nghiêm trọng ở ngành công nghệ. Ảnh: Pexels/Ketut Subiyanto. |
Nhân sự lớn tuổi bức xúc
Mặc dù nhiều ý kiến được đưa ra, tình trạng sa thải trong ngành công nghệ hiện nay tiếp tục dấy lên nghi ngờ về vấn đề phân biệt tuổi tác.
John Zeman (65 tuổi), một cựu nhân viên của X, sau đó là Twitter, kiện doanh nghiệp cũ vì quyết định đuổi việc trong năm 2022. Theo nhân sự này, 60% nhân sự bị cắt giảm trong đợt sa thải đó trên 50 tuổi.
Nhiều ý kiến xuất hiện xung quanh vụ việc. Một số cho rằng mức lương của người lao động lớn tuổi thường cao hơn. Vì vậy, quyết định sa thải giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, không đơn thuần liên quan đến tuổi tác.
Tương tự, một số nhân sự cũ của IBM cũng cáo buộc công ty này sa thải nhiều người lao động trên 40 tuổi hơn. IBM sau đó khẳng định không phân biệt tuổi tác, đồng thời nỗ lực ngăn chặn khiếu nại.
Ở một trường hợp khác, nhân sự công nghệ John Rizzo (60 tuổi) dành 2 năm để nộp đơn ứng tuyển vào vị trí quản lý sản phẩm, song đều bị từ chối, dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Sau khi nộp đơn xin việc 4.000 lần, John nhận ra các nhà tuyển dụng đều thay đổi thái độ khi biết tuổi tác của ông.
“Thế hệ X (sinh năm 1965-1980) đã xây dựng nên ngành công nghệ hiện nay. Những người lao động như tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực”, John bức xúc chia sẻ.
Một nghiên cứu gần đây của tổ chức Sáng kiến Hòa nhập thuộc trường Kinh tế Lodon (Anh) khảo sát 1.500 người lao động Anh và Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và dịch vụ. Nghiên cứu này cho thấy nhân sự ở những công ty đa dạng hoá độ tuổi cảm thấy hài lòng gấp đôi với công việc.
Daniel Jolles, nhà nghiên cứu khoa học hành vi góp phần thực hiện khảo sát này, cho biết những người lao động ở nhiều thế hệ mang đến kiến thức, quan điểm và mạng lưới xã hội khác nhau. Nếu biết cách phát huy, các lãnh đạo có thể tạo ra một bộ máy hoàn hảo.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.