Hiện nay, điện thoại thông minh được nhiều người dân sử dụng quay phim, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ. Vậy người dân phải lưu ý gì khi quay phim, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ mà không phạm luật?
Luật sư Phan Văn Mạnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết công dân có quyền quay video, chụp ảnh CSGT làm việc, song cần tuân thủ pháp luật, không được làm ảnh hưởng công việc của cảnh sát.
Cụ thể, theo Thông tư 67/2019 của Bộ Công an, việc người dân giám sát công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
Việc giám sát công an nhân dân thực hiện các quy định phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Bên cạnh đó, hình thức giám sát có thể thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, ATGT); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT, nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ.
Cụ thể, người dân phải đứng ngoài khu vực chăng dây, cọc tiêu mà lực lượng CSGT dựng lên khi làm nhiệm vụ.
Người quay phim, chụp ảnh cũng phải đảm bảo nguyên tắc giữ gìn an ninh trật tự, không lợi dụng quyền tự do công dân để lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự.