Kiên trì đi tìm công lý, suốt 18 năm đi kiện khắp nơi, oan sai đã được giải nhưng cuộc đời cùng cực mấy chục năm của ông thì không gì có thể bù đắp nổi.
Tai ương ập đến, vợ con lâm cảnh bần cùng
Từ năm 1994, ông Nguyễn Hồng Cầu (trú xã Đông Hưng) được UBND huyện Tiên Lãng giao quyền sử dụng 3.040 m2 đất để sản xuất nông nghiệp với thời hạn 20 năm. Đang cấy lúa bình thường, UBND xã Đông Hưng lại giao khu vực chiêm trũng nằm giữa những mảnh ruộng cho một chủ nuôi cá là ông Nảy. Khi lúa đang vào thì trổ bông, những đàn cá của ông Nảy theo con nước tràn lên những mảnh ruộng, phá sạch lúa. Sau đó, ông Cầu khiếu nại lên UBND xã Đông Hưng. Trước sự chứng kiến của chính quyền xã, ông Nảy đã đồng ý bồi thường nhưng sau đó nuốt lời.
Ông Cầu cho rằng, UBND xã Đông Hưng chưa giải quyết xong vụ việc của gia đình ông (tương đương 240 kg thóc) nên năm 1996 ông phản ứng lại bằng cách nợ đọng sản phẩm 97 kg thóc (gồm thóc thủy lợi phí, thóc quỹ dịch vụ nông nghiệp). Viện vào lý do này, ngày 15/1/1997, UBND xã Đông Hưng ra quyết định tạm rút hơn 1.000m2 đất tại thửa 109 của gia đình ông Cầu để giao cho anh Phạm Minh Tuân cấy đấu thầu và nộp sản lượng cho xã.
Không “bắt đền” được chính quyền xã, ông Cầu tìm gặp anh Tuân, yêu cầu trả tiền công cày bừa, bón phân trên thửa ruộng bị thu hồi nhưng anh Tuân không đồng ý nên gia đình ông Cầu tự ý gặt ba sào lúa, thu hơn 260 kg thóc. Ngay sau đó, UBND xã Đông Hưng cho người đến gia đình ông Cầu tịch thu 9 bao thóc đưa về xã trả lại cho anh Tuân và ông Cầu bị công an bắt. Ngày 30/6/1997, TAND huyện Tiên Lãng phạt ông Cầu ba tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản công dân”. Không chấp nhận bản án, ông Cầu đã kháng cáo.
Ông Cầu cho biết, vì việc bồi thường 17, 3 triệu là không thỏa đáng nên trong suốt những năm qua ông liên tục bỏ công bỏ việc để gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị đòi bồi thường thỏa đáng do án oan gây nên. Đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận số tiền bồi thường.
Tại phiên phúc thẩm mở tại TAND Hải Phòng, chủ tọa cho rằng bị cáo phạm tội do UBND xã Đông Hưng ra quyết định thu hồi đất ruộng sai quy định, việc giải quyết khiếu kiện không kịp thời, bị cáo nhận thức hạn chế nên tuyên mức án bằng thời hạn tạm giam (tính đến ngày mở phiên xử). Ông Cầu bị phạt 2 tháng 10 ngày, được trả tự do tại tòa.
“Bị ngồi tù oan 70 ngày nhưng tai họa với gia đình tôi chưa dừng lại. Ngày 6/7/1997, trong khi tôi đang ngồi tù, xưởng gỗ của gia đình bị kẻ gian phóng hỏa, đốt cháy ngùn ngụt. Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều đồ đạc, công cụ sản xuất của gia đình. Chồng bị bắt, thóc lúa bị tịch thu, xưởng mộc bị cháy rụi, vợ tôi và ba đứa con lâm vào cảnh bần cùng. Bốn mẹ con phải vác rá đi khắp làng trên, xóm dưới vay từng bát gạo nuôi nhau”, ông Cầu nghẹn ngào nhớ lại.
Ông Cầu và nỗi túng quẫn vì án oan. |
Ông làm đơn cầu cứu, đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi tới nhiều cơ quan chức năng. Ngày 8/10/1998, Tòa hình sự, TAND Tối cao đưa ra xử giám đốc thẩm và tuyên ông Cầu không phạm tội, đình chỉ vụ án. Việc ông Cầu bị oan đã rõ nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 28/3/2014 (sau 17 năm), TAND TP Hải Phòng mới công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu tại trụ sở UBND xã Đông Hưng.
Khánh kiệt vì bị kết án oan
Về nhà sau những ngày bị tù oan, ông Cầu phải đối mặt với bao khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Gia sản lớn nhất của gia đình là xưởng mộc thì bị cháy rụi. Bao nhiêu gỗ ông mua để đóng đồ cho khách đã cháy theo ngọn lửa tàn ác. Tiền mua gỗ chưa trả được cũng đành phải nợ chủ gỗ. “Vậy là cái cần câu cơm duy nhất của gia đình 5 miệng ăn đã không còn, tôi chỉ còn biết làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm tiền nuôi vợ con sống qua ngày. Nay bám biển, mai làm thợ xây, rồi đến ngày kia có khi chẳng biết làm gì, cái đói, cái nghèo, nợ nần tự dưng đeo bám chỉ vì bị oan”, ông Cầu tâm sự.
Nói đến đây, giọng ông như nghẹn lại, ông ngồi trầm ngâm, châm một điếu thuốc và tiếp tục kể: “Năm đó tôi và vợ phải nuôi ba đứa con ăn học, thằng lớn mới 12 tuổi, đứa thứ hai lên 8 và con bé út được 4 tuổi. Vừa phải lo cho các con ăn học vừa lo trả nợ người ta nên làm lụng thế nào cũng chẳng thấm vào đâu. Tội nhất là bọn trẻ, chúng luôn phải mang trong mình mặc cảm bố đi tù vì tội ăn cắp. Cũng vì lý do ấy mà thằng lớn nghỉ học mất một năm mới quay lại trường.
Cố gắng học đến lớp 12 thì đành phải dừng lại để đi làm phụ bố mẹ nuôi các em. Hai vợ chồng và thằng con lớn cật lực lao động mà cũng vẫn chỉ đủ ăn và trả nợ người ta. Nợ từ năm 1997 mà mãi đến năm 2013, gia đình tôi mới trả hết. Con gái thứ hai cũng học hết lớp 9 thì nghỉ để đi làm giúp bố mẹ trả nợ”.
Sau 10 năm kể từ khi ông Cầu được minh oan, vẫn còn đang nợ nần chồng chất, gia cảnh cùng quẫn, ông vẫn kiên trì mang đơn gõ cửa khắp nơi. Cuối cùng, TAND huyện Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng mới mở hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Cầu và bên bị đơn là TAND TP Hải Phòng.
Tổng số tiền ông Cầu đòi bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần trực tiếp và gián tiếp gồm 8 khoản là trên 648 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai phiên tòa xét xử đều tuyên ông Cầu chỉ được TAND TP Hải Phòng bồi thường số tiền là 17,3 triệu đồng.