Kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố nhân khẩu học với hôn nhân và gia đình, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số tháng 3/2022, chỉ ra trong vòng 30 năm qua, mức sinh ở Việt Nam giảm gần một nửa (tổng tỷ suất sinh giảm từ 3,80 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019). Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ.
Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh 2 con là phổ biến.
Trong khi thu nhập của người dân Việt Nam nói chung không ngừng tăng lên, tỷ lệ sinh thấp hơn cho phép các bậc cha mẹ phân bổ lượng tài chính và các nguồn Iực khác nhiều hơn cho mỗi đứa trẻ.
Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho việc sinh nở chưa được thống kê cụ thể. Chia sẻ với Zing, 10 cặp vợ chồng ở Hà Nội, TP.HCM đã hoặc sắp có con trong vòng 2 năm trở lại đây cho biết tổng số tiền chi cho việc sinh em bé (bao gồm thăm khám, đăng ký gói sinh, thuốc bổ cho bà bầu, mua sắm đồ cho mẹ và bé, vật dụng chăm sóc trẻ nhỏ,...) là từ vài chục triệu đồng cho tới hơn 100 triệu đồng.
Mức chênh lệch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sinh thường hay mổ, lựa chọn bệnh viện công/tư/quốc tế, sinh lần thứ mấy, mua sắm đồ nhiều hay ít,...
Dưới đây, 4 gia đình nói về cách tính toán, lên kế hoạch cho việc sinh con.
Hồ My
(31 tuổi, quận 2, TP.HCM)
Tuổi con: 2 tháng tuổi
Tổng chi phí: khoảng 150 triệu đồng
Các khoản chi:
- Khám thai, xét nghiệm, siêu âm: 20-30 triệu đồng
- Đi sinh (sinh đôi, mổ lần 2 ở bệnh viện quốc tế, một bé nằm ở khoa Săn sóc tích cực sơ sinh - NICU 2 ngày): 100 triệu đồng
- Thuốc bổ: 10 triệu đồng
Khi tôi sinh lần 2, hai bé lớn (cũng là cặp song sinh) tròn 18 tháng tuổi. Vợ chồng tôi mong muốn có thêm con trong giai đoạn đang sẵn sàng về mặt tinh thần cũng như vật chất.
Sẵn tiện trang thiết bị đầu tư cho con đầu vẫn còn (máy tiệt trùng, xe đẩy, thau tắm,...), tôi tận dụng luôn cho 2 bé sau để đỡ khoản đầu tư lại từ đầu. Trước đó, những món này tôi mua khoảng 40 triệu đồng.
Vợ chồng tôi xác định nuôi dạy con theo hướng tự lập từ nhỏ. Tất cả 4 bé chúng tôi đều sẽ cho học trường công lập thay vì tư thục, giúp tiết kiệm một khoản đáng kể.
Bù lại, gia đình tôi phải chi khá nhiều cho việc thuê người phụ giữ con nhỏ vì không đủ sức chăm sóc chu toàn cả 4 bé. Chi phí thuê 3 người chuyên giữ bé là 30 triệu đồng/tháng, thêm 3 người giúp việc cho gia đình khoảng 26 triệu đồng.
Khi có người hỗ trợ, vợ chồng tôi có thể bao quát được cả 4 con từ sức khỏe, phát triển, tư duy, học hành, vui chơi,...
So sánh giữa 2 lần sinh, 2 bé đầu đỡ tốn kém hơn vì giá sinh mổ lần đầu ít hơn lần 2. Các con cũng không phải nằm NICU như em nên cũng giảm được hơn 10 triệu đồng.
Sau khi sinh 2 bé sau, chi phí hàng tháng của gia đình tôi tăng thêm khoảng 50%, nhưng thu nhập của 2 vợ chồng hiện vẫn vừa đủ để chăm các con.
Trong những lần tôi vượt cạn, chồng đều là người túc trực, chăm lo cho vợ trong bệnh viện. Việc ông xã theo sát hỗ trợ tinh thần tôi rất nhiều. Trong tháng đầu tiên con chào đời, anh cũng là người trực tiếp chăm em bé, sau đó mới yên tâm giao cho người giúp việc.
Thu Trang
(36 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Thai kỳ: 35 tuần
Tổng chi phí: khoảng 50 triệu đồng
Các khoản chi:
- Thăm khám, xét nghiệm, tiêm vaccine: 3,5-4 triệu đồng
- Thuốc bổ, thực phẩm: hơn 20 triệu đồng
- Đi sinh (sinh mổ ở bệnh viện tư): 40 triệu đồng (trước khi được bảo hiểm chi trả 1/2)
Khi có 2 con trai 8 tuổi và 4 tuổi, bé thứ 3 đến với vợ chồng tôi khá bất ngờ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để đón con chào đời, đặc biệt về tài chính.
Trong 40 tuần của thai kỳ, tôi đi khám các mốc thời gian là khi phát hiện mang bầu, ở tuần thứ 12, 18, 22, 26, 32, 36 với chi phí trung bình khoảng 500.000 đồng/lần, cộng thêm làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, tiêm vaccine uốn ván. Ngoài ra, tôi cũng bổ sung vitamin, canxi, sắt, thực phẩm bổ dưỡng cho bà bầu.
Sau khi sinh, nếu thuận lợi, tôi dự định nuôi con bằng sữa mẹ. Quần áo, bỉm và đồ dùng khác cho em bé cũng sẽ được sắm tiết kiệm và hợp lý nhất có thể. Một số vật dụng như máy hút sữa, xe đẩy, nôi cũi,… tôi mua dùng đến khi con không cần nữa sẽ thanh lý.
So với 2 lần trước, số tiền chi cho việc sinh con chắc chắn có sự chênh lệch do giá cả sinh hoạt hiện tại cao hơn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của gia đình cũng khác. Như lần đầu sinh không sử dụng dịch vụ, tôi chỉ tốn khoảng 6-7 triệu đồng tiền viện phí. Khi có bé thứ 2, tôi chọn đẻ ở bệnh viện tư với chi phí hơn 20 triệu đồng.
Lần thứ 3 này, tôi dự kiến đăng ký sinh mổ ở bệnh viện tư gần nhà, chi phí khoảng 40 triệu đồng. Nhờ có bảo hiểm mua từ trước, tôi sẽ được chi trả khoảng một nửa chi phí.
Thực tế, chi phí khi con đến tuổi đi học sẽ khiến tôi cần phải lên kế hoạch chuẩn bị nhiều hơn. Cũng như 2 bé lớn, tôi dự định cho con út đi học từ 13-14 tháng tuổi, ưu tiên chọn trường tư có sự chăm sóc tốt, học phí trung bình 7-8 triệu đồng/tháng.
Hàng tháng, tôi luôn chia thu nhập theo tỷ lệ 20% tiết kiệm và chi tiêu trong khoảng 80% còn lại.
Với thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng là 50 triệu đồng/tháng, riêng tiền học cho 3 bé đã chiếm khoảng 50%. Chính vì vậy, tôi không có ý định giữ nguyên nguồn thu nhập và phải co kéo trong đó, mà sẽ cố gắng đa dạng hóa nguồn thu nhập hơn nữa để gia đình có cuộc sống thoải mái hơn.
Võ Hồng Ngân
(26 tuổi, quận 1, TP.HCM)
Thai kỳ: 23 tuần
Tổng chi phí: khoảng 50 triệu đồng
Các khoản chi:
- Khám thai, xét nghiệm sàng lọc dự tính: 24 triệu đồng
- Đi sinh dự tính (chưa chọn gói cụ thể): 15 triệu đồng
- Mua sắm: 8-12 triệu đồng
Ngoài tiền khám thai định kỳ, chi phí sinh, tiêm chủng cho bé, nghỉ thai sản nhất định phải có, các khoản chi tiêu khác có thể linh hoạt tùy vào tình hình kinh tế gia đình, sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Theo tôi, các khoản mẹ bỉm thường chi quá tay trong quá trình chuẩn bị thường là:
- Quần áo cho mẹ: 3 tháng đầu bụng chưa lớn nhưng một số mẹ đã bắt đầu mua sắm quần áo. Ở những tháng sau, khi bụng lớn thì lại mặc không vừa và phải mua thêm quần áo mới.
- Thuốc men cho mẹ: Hiện tại, có rất nhiều thuốc bổ, mỹ dược phẩm cho mẹ bầu. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều sản phẩm không thực sự cần thiết. Thuốc bổ cũng không bằng dinh dưỡng được cung cấp hợp lý từ ăn uống. Tốt nhất chỉ nên mua theo chỉ định của bác sĩ.
- Quần áo, vật dụng cho bé: Em bé phát triển rất nhanh nên nhiều khi quần áo chuẩn bị chưa kịp mặc đã chật. Nhiều vật dụng mua trước cũng có thể không dùng đến như máy đo độ ẩm không khí, nôi rung,…
- Sữa, thuốc cho con: Khi mua sữa, thuốc cho con cần tìm hiểu kỹ, nghe theo tư vấn của bác sĩ để tránh tình trạng mua về không dùng được.
Để lên kế hoạch tài chính hiệu quả, hợp lý khi chuẩn bị có con, vợ chồng tôi xác định chi phí trước, trong và sau khi mang thai nhất định phải có, thu nhập gia đình trong các giai đoạn này. Chúng tôi tính toán chi tiết các khoản thu và chi, sau đó lên kế hoạch tiết kiệm.
Tuy nhiên, dù lên kế hoạch chi tiết đến mức nào, vẫn có sự chênh lệch giữa tính toán và thực tế. Lúc này, gia đình cần xem xét điều chỉnh lại các khoản chi, giảm bớt những chi phí không cần thiết.
Hà Phương
(31 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Tuổi con: 1,5 tuổi
Tổng chi phí: khoảng 40 triệu đồng
Các khoản chi:
- Thăm khám xét nghiệm định kỳ: 5-7 triệu đồng
- Thuốc bổ, vitamin trong suốt thai kỳ: 5 triệu đồng
- Đi sinh (sinh thường ở bệnh viện tư quốc tế): 28 triệu đồng
- Ăn uống, mua sắm cho mẹ và bé: có thể linh hoạt, tùy điều kiện
Trong các khoản chi kể trên, vợ chồng tôi đắn đo nhiều nhất với gói sinh ở bệnh viện quốc tế (sinh thường khoảng 28 triệu đồng, còn sinh mổ sẽ tốn kém hơn, khoảng 45-50 triệu đồng). Tôi cũng cân nhắc sinh ở các bệnh viện khác có chi phí thấp hơn, nhưng lại không cảm thấy an tâm và thoải mái bằng.
Giống nhiều mẹ khác, tôi thường mua sắm quá nhiều thứ khi xem review trên mạng, nhưng không thực sự cần thiết và ít khi dùng đến. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy chỉ nên mua trước một số món cơ bản, còn nhiều thứ khác để sinh xong rồi mới sắm. Ví dụ, chỉ mua quần áo sơ sinh đến trước 3 tháng, đồ dưỡng da cho con cũng mua trước 1-2 loại vì còn phải xem bé dùng có hợp hay không.
Do chi phí sinh và nuôi con không hề thấp, tôi nghĩ rằng các cặp vợ chồng trẻ nên có em bé khi cả hai đã thực sự sẵn sàng về tài mặt chính, nếu không sẽ gặp rất nhiều lo âu, vất vả. Sinh muộn một chút còn hơn là sớm mà lo toan, phải nhờ ông bà hỗ trợ, khiến chính mình căng thẳng và cả gia đình lo lắng theo.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.