"Gia đình trị" gây hại đến bộ mặt công ty, cản trở quá trình tìm kiếm, thu hút nhân tài. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Theo Valamis, thiên vị là điều có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Đặc biệt, tình trạng “gia đình trị” (nepotism) đã quá phổ biến và dễ khiến các nhân viên khác bức xúc vì cảm thấy bị đối xử bất công.
Đây là thuật ngữ dùng để nói về việc lãnh đạo trong một tổ chức sử dụng ảnh hưởng của họ nhằm nâng đỡ người nhà và bạn bè thân thiết. Dù không phạm pháp, “gia đình trị” vẫn là một trong những hành vi bị chỉ trích khi gây hại đến năng suất lao động và tinh thần đoàn kết của doanh nghiệp.
Dưới đây là những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này và cách để quản lý ngăn chặn từ sớm, theo Business.
Những hành vi thiên vị gây hại đến năng suất làm việc và tinh thần của nhân viên. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Ví dụ
Thực tế, các hành động liên quan đến “gia đình trị” khá đa dạng và tinh vi. Chúng xuất hiện thường xuyên, song chưa chắc chúng ta đã nhận ra dễ dàng.
Phân bổ khối lượng công việc: Nhóm nhân sự là người thân, bạn bè của quản lý thường được chia ít việc, hoặc chỉ cần nhận các nhiệm vụ đơn giản.
Các thành viên còn lại của tập thể phải gánh việc nặng nề, phức tạp hơn thay cho họ.
Chia sẻ thông tin: Những nội dung quan trọng liên quan đến công việc chỉ được thông báo đến một số thành viên thân cận, thay vì công bố rộng rãi cho cả nhóm.
Được đề bạt thăng tiến nhanh chóng: Đôi khi, các nhân sự “ô dù” được nâng đỡ để lên các vị trí cao hơn trong thời gian ngắn. Trong khi đó, năng suất và thái độ làm việc của họ chưa chắc đã bằng hoặc hơn những nhân viên triển vọng khác.
Những thói quen xấu bị bỏ qua: Một nhân viên nào đó đi làm muộn mỗi ngày hoặc liên tục mắc lỗi nhưng ít bị khiển trách, không có ý thức sửa đổi.
Ngược lại, nếu mắc cùng lỗi, những người còn lại thường xuyên bị nêu tên trong cuộc họp hoặc bị áp dụng hình thức xử phạt.
Lựa chọn dự án: Nhân sự thân thiết với quản lý thường được chọn hoặc chia về các dự án đúng sở thích. Điều này cũng thường xuất hiện khi phân chia ca hoặc giờ làm việc theo ý muốn.
Khi áp dụng "gia đình trị", quản lý chủ yếu muốn được đền đáp, hoặc củng cố vị thế tại công ty. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Tác động
Chế độ “gia đình trị” trở thành một yếu tố tại văn phòng đồng nghĩa với việc ai đó ở vị trí quyền lực sẵn sàng hành động vì lợi ích riêng.
Chẳng hạn, họ tìm cách nâng đỡ cá nhân khác để được đáp lại, hoặc cố gắng xây dựng liên minh, củng cố vị thế của mình.
Dù là mục đích gì, thiên vị cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và tinh thần của các nhân sự khác.
Không tuyển chọn được nhân tài: Khi tập trung vào người nhà hay bạn bè thân thiết, quản lý dễ bỏ qua nhóm ứng viên có tài.
Kế hoạch phát triển của tập thể dễ bị trì trệ vì không có đủ nhân sự cáng đáng các đầu việc. Bên cạnh đó, danh tiếng công ty cũng bị gắn với những lời đàm tiếu trong thời gian dài.
Khó giữ chân nhân sự triển vọng: Theo số liệu được Zety công bố cuối năm 2022, 87% nhân sự chủ lực của thế hệ Millennials vẫn đang tìm kiếm cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp.
Nếu trở thành nạn nhân của “gia đình trị”, họ sẵn sàng rời đi để tìm kiếm môi trường công bằng, thuận lợi để tiến xa hơn bằng thực lực.
Ăn mòn văn hóa công ty: Hiển nhiên, những công ty sa đà vào chế độ “gia đình trị” hay thiên vị nói chung khó xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, năng động. Niềm tin nhân viên dành cho quản lý trực tiếp và ban lãnh đạo cũng xói mòn theo thời gian.
Thiếu sự công bằng, bạn khó đòi hỏi sự tôn trọng, tinh thần cống hiến từ cấp dưới. Quan trọng hơn cả, năng suất, sức sáng tạo và chất lượng công việc cũng vì vậy mà sụt giảm nghiêm trọng.
Để phòng chống tình trạng thiên vị, doanh nghiệp cần lưu ý đào tạo lãnh đạo và minh bạch các khâu tuyển dụng, thăng chức. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Cách phòng tránh
“Gia đình trị” có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho doanh nghiệp, song vẫn có cách để ngăn chặn tình trạng này từ sớm.
Ở vị trí quản lý, bạn có thể cân nhắc một số lời khuyên như sau:
Xây dựng chính sách phòng chống
Dù dẫn dắt phòng ban hay chịu trách nhiệm cả công ty, bạn đều áp dụng được các chính sách chống thiên vị, chẳng hạn:
- Không cho thành viên trong gia đình làm cùng bộ phận.
- Ngăn chặn hành vi một nhân viên báo cáo, chia sẻ thông tin cho cấp trên có quan hệ họ hàng, bạn bè thân thiết với họ.
- Trong trường hợp phải tuyển nhân sự là người nhà quản lý khác, bạn cần đảm bảo người này không có tiếng nói trực tiếp về khối lượng công việc hoặc cơ hội thăng tiến của họ hàng.
Chú trọng đào tạo lãnh đạo
Chính sách chống “gia đình trị” nên trở thành một phần trong đào tạo nhóm quản lý, thay vì chỉ kỳ vọng họ đưa ra quyết định khách quan. Trước những đợt thăng chức, công ty nên sàng lọc và đào tạo kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề cho nhân sự tiềm năng.
Bên cạnh đó, họ cần được cung cấp một định nghĩa rõ ràng và các ví dụ thực tế về sự thiên vị để phòng tránh, hoặc báo cáo với cấp trên khi phát hiện tình huống tương tự.
Xây dựng văn hóa tuyển dụng và thăng tiến minh bạch
Việc thuê nhân viên mới và thăng chức cho nhân viên hiện tại phải được công khai với tất cả nhân viên trong bộ phận. Bên cạnh đó, nhà quản lý cần giải thích cụ thể lý do tuyển dụng và thăng chức cho quản lý cấp cao để phê duyệt.
Minh bạch là yêu cầu bắt buộc cho mọi quy trình chọn lựa nhân sự hoặc nâng cấp vị trí. Nếu không, bạn sẽ làm dấy lên những câu hỏi và sự lo lắng xung quanh sự thiên vị trong tập thể nhân viên hiện tại.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.