Nếu ngủ không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, bạn rất có thể đang "thâm hụt" trong nghỉ ngơi. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Nhiều người chọn ngủ như một cách để sạc năng lượng. Tuy nhiên, dù chất lượng giấc ngủ tốt đến đâu, một số vẫn cảm thấy uể oải và mệt mỏi khi thức dậy.
Theo Saundra Dalton Smith, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu, giấc ngủ quan trọng nhưng không phải là cách duy nhất để dưỡng sức. Dựa vào nghiên cứu của mình, cô chỉ ra rằng thực tế có 7 khía cạnh cần được nghỉ ngơi. Theo đó, nếu không đảm bảo được nhu cầu trên, bạn sẽ dễ dàng rơi vào choáng ngợp và kiệt sức.
Điều này cũng giải thích cho việc có người vẫn kiệt quệ sau một đêm ngon giấc. Họ có thể đáp ứng mặt thể chất (physical rest), song lại không phục hồi đủ 6 kiểu năng lượng khác.
Dưới đây, Stylish tổng hợp những chỉ dẫn hữu ích của Saundra Dalton Smith giúp bạn nhận diện được 7 phương thức nghỉ ngơi để có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Thiền là một phương thức phục hồi tinh thần hiệu quả. Ảnh minh họa: Elina Fairytale/Pexels. |
Tinh thần
Nếu cảm thấy đầu óc luôn trong trạng thái rối ren vì tập trung quá nhiều việc cùng một lúc, khả năng cao bạn cần được nghỉ ngơi về tinh thần (mental rest).
Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy tìm đến bất cứ hoạt động nào ngăn bản thân khỏi suy nghĩ quá nhiều. Chẳng hạn, bạn có thể tập thiền, đi dạo hay chỉ đơn giản là dọn dẹp lại không gian sống.
Bạn nên để giác quan nghỉ ngơi bằng cách tìm đến không gian yên tĩnh. Ảnh minh họa: Josh Hild/Unsplash. |
Giác quan
Thực tế, các giác quan của bạn liên tục bị choáng ngợp bởi quang cảnh, mùi hương cùng âm thanh mới mẻ. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại hay tiếng ồn từ TV xung quanh là một vài minh chứng tiêu biểu.
Để các giác quan được phục hồi đầy đủ (sensor rest), bạn hãy dành thời gian tránh xác khỏi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Nói cách khác, bạn có thể tìm đến nơi yên tĩnh và tránh xa điện thoại, máy tính cùng những địa điểm quá mức ồn ào, náo nhiệt.
Năng lượng sáng tạo sẽ được phục hồi nhờ vào những hoạt động truyền cảm hứng. Ảnh minh họa: Anete Lusina/Pexels. |
Sáng tạo
Nếu đặc thù công việc xoay quanh việc tìm giải pháp hay đưa ra ý tưởng mới, rất có thể bạn sẽ phải tiêu hao khá nhiều năng lượng sáng tạo.
Theo đó, bạn sẽ cần nghỉ ngơi sáng tạo (creative rest) để cân bằng lại sức khỏe. Theo Tiến sĩ Dalton Smith, creative rest liên quan đến việc đánh thức những điều kỳ diệu nội tâm.
Nói cách khác, bạn nên theo đuổi những việc làm có thể truyền cảm hứng như nghe nhạc, du lịch hay đăng ký học một kỹ năng mới để tránh hao hụt năng lượng.
Giải tỏa cảm xúc là cần thiết để cơ thể và tinh thần bạn được khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Jessica Da Rosa/Unsplash. |
Cảm xúc
Dù mục đích là để chiều lòng người khác hay không biết cách thể hiện, kìm nén cảm xúc thực chất đòi hỏi khá nhiều năng lượng.
Theo đó, emotional rest (nghỉ ngơi về cảm xúc) là thiết yếu. Phương thức phục hồi này cần bạn phải rõ ràng về cảm xúc của mình.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chia sẻ chúng với những người đáng tin cậy hay chỉ đơn giản là trung thực với những gì bản thân cảm nhận được.
Tâm sự cùng bạn bè thân thiết có thể là cách bù đắp năng lượng hữu ích. Ảnh minh họa: Priscilla Du Preez/Unsplash. |
Xã hội
Social rest (nghỉ ngơi xã hội) không yêu cầu bạn phải dành đa số thời gian ở một mình.
Thay vào đó, phương thức dưỡng sức này khuyến khích việc ở bên những người sẵn sàng hỗ trợ và dành những điều tốt nhất cho bạn.
Tuy nhiên, nếu thuộc tuýp người hướng nội, ở một mình vẫn có thể là kiểu nghỉ ngơi hiệu quả cho bạn.
Những công việc thiện nguyện có thể giúp bạn hồi phục năng lượng. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels. |
Tâm linh
Kiểu nghỉ ngơi cuối cùng Tiến sĩ Dalton Smith chỉ ra là spiritual rest (nghỉ ngơi tâm linh) - khả năng kết nối với những khía cạnh sâu xa hơn, vượt ngoài thể chất và tinh thần.
Nếu bạn sùng đạo, spiritual rest thường liên quan đến việc thực hành bất cứ hoạt động tôn giáo nào như đi chùa hay thắp hương.
Bên cạnh đó, người vô thần cũng có thể áp dụng nghỉ ngơi về mặt tâm linh bằng cách theo đuổi những việc làm có ý nghĩa như thiện nguyện hay giúp đỡ người khác.
Mỗi người có nhu cầu nghỉ ngơi khác nhau. Ảnh minh họa: George Milton/Pexels. |
Xác định kiểu nghỉ ngơi
Có thể bạn cần cần đáp ứng đủ 7 kiểu nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ cần tập trung vào một vài dạng phục hồi nhất định. Tóm lại, xác định thể loại cũng như mức độ nghỉ ngơi còn phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng cá nhân.
Thực tế, dù nhiều hay ít, bạn đều chạm đến bảy khía cạnh (thể chất, tinh thần, tâm linh, xã hội, cảm xúc, sáng tạo và giác quan) xuyên suốt trong ngày. Vì vậy, bạn sẽ cần cẩn thận chú ý và suy xét lại bản thân để định vị chính xác kiểu nghỉ ngơi mình cần.
Chẳng hạn, bạn hãy tự hỏi bản thân những câu như “Một ngày của bạn diễn ra như thế nào? Bạn có phải thường xuyên đề xuất ý tưởng mới không?”.
Trong thời đại con người phải đối mặt với mức độ kiệt sức và căng thẳng ngày càng gia tăng, Tiến sĩ Dalton Smith cho rằng chúng ta phải xem nghỉ ngơi là một phần thiết yếu trong ngày thay vì quy kết chúng như một kiểu phần thưởng.
“Tôi mong muốn mọi người tránh xa suy nghĩ bản thân cần du lịch hay tăng ngày nghỉ để được nghỉ ngơi thực sự. Cuộc sống như vậy thực sự rất buồn bã vì bạn sẽ hoàn toàn kiệt sức khi kỳ nghỉ đến”, Tiến sĩ Dalton Smith bày tỏ.
Tiệm cà phê mang sách tới để uống miễn phí ở TP.HCM
Quán cà phê “ Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TPHCM được trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Điều khác biệt ở đây là chiếc kệ dùng để "sách đổi sách", tức là khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc.