Và đáng nhớ, đáng nói hơn khi trong cuộc sống hàng ngày, có những thứ rất bình dị, khiêm nhường nhưng lại gắn bó mật thiết đối với cuộc sống của rất nhiều người.
Một trong số đó là những lọ dầu cao, dầu gió vang bóng một thời do chính người Việt Nam sản xuất từ cây thuốc quý hiếm, ngay từ thời đất nước còn bị kìm nén dưới ách thực dân, đế quốc.
Cao Sao Vàng từng gắn bó với từng nhà, từng người Việt. |
Theo nhà khảo cứu Phạm Xuân Cần với bài viết đăng trên trang dbndnghean.vn, cha đẻ của “Cao Sao Vàng” từng gắn bó với từng nhà, từng người Việt lâu nay chính là lương y Phó Đức Thành, một gương mặt đặc sắc của đô thị Vinh hồi đầu thế kỷ XX.
Ông sinh năm 1880 tại Ninh Bình, quê gốc ở Hưng Yên. Năm 1926, khi đang là công chức lục lộ và chủ một cơ sở kinh doanh ở Huế, ông ra Vinh lập hiệu thuốc Vĩnh Hưng Tường, đứng số 1 về đông nam dược với hệ thống đại lý khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Ông từng đi nhiều nơi để sưu tầm, học hỏi nhiều cây thuốc quý, bài thuốc quý, rồi từ đó nghiên cứu, bào chế ra nhiều loại thuốc tốt từ thảo dược Việt Nam, trong đó có “dầu cù là” Vĩnh Hưng Tường, mang tên “Vạn Ứng”. Được biết, lúc đầu Vạn Ứng chỉ là một loại dầu xoa dạng nước, sau chế thêm loại cao đặc và đa dạng hóa sản phẩm theo mùa.
Đặc biệt, sau này, khi ra công tác ở Bộ Y tế, ông Thành chuyển giao công thức chế biến cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2. Dần dà đến năm 1969, sản phẩm này có tên là “Cao Sao Vàng” rất thông dụng trong cuộc sống như nhiều người đã biết.
Còn theo nhà báo Trần Chánh Nghĩa trong sách “Đất & người phương Nam- tập 1-Một thuở Sài Gòn” (Nhà xuất bản Thanh Niên-2023), ở Sài Gòn và các tỉnh phía nam trước đây rất thông dụng nhiều loại dầu gió “vang bóng một thời” do chính người Việt sản xuất. Đó là “dầu khuynh diệp bác sĩ Tín”. Cha đẻ của chai dầu này là ông Bùi Kiến Tín sinh năm 1912 tại Quảng Nam. Trải qua học tập trong nước và ở Pháp, ông trở thành một bác sĩ y khoa.
Từ học tập ở Pháp, ông Tín tự tìm hiểu phương pháp bào chế thuốc của các nền y học tiên tiến để đến năm 1941 hồi hương, dồn tâm huyết cho ra đời sản phẩm mà ông hằng mong đợi, tìm tòi. Cũng trong năm 1941, sản phẩm của bác sĩ Tín đến với người tiêu dùng, được quảng cáo rộng rãi bằng tiếng Việt.
Ước tính từ năm 1941 cho đến khoảng năm 1975, đã có khoảng 25 triệu chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín “không phân biệt sang hèn", luôn có trong túi các bà nội trợ, những người buôn bán, các em học sinh để phòng lúc trái gió, trở trời.
Bác sĩ Tín và dầu khuynh diệp. Ảnh tư liệu. |
Tinh dầu khuynh diệp là nguyên liệu chính để bào chế sản phẩm, bên cạnh các loại tinh dầu tràm, tinh dầu bạc hà, dầu hương nhu. Do nguyên liệu khuynh diệp không có ở trong nước nên ông Tín phải rất khó khăn khi phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Rồi ông tìm cách mua cây và giống khuynh diệp về trồng ở trong nước, chủ yếu trồng ở vùng Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tất nhiên, cuộc sống dần đổi thay, xu thế hội nhập và phát triển của đất nước sẽ góp sức đưa những sản phẩm như Cao Sao Vàng của Việt Nam ra nước ngoài, nhất là các nước có khí hậu lạnh giá và nhiều sản phẩm tốt của nước ngoài cũng được nhập về trong nước, phục vụ mọi nhu cầu của người dân.
Điều cần nói là trong vô vàn khó khăn của cuộc sống, cha ông ta đã biết cách tìm tòi, học hỏi, tận dụng lợi thế từ nhiều cây thuốc, bài thuốc trong dân gian để bào chế, sản xuất nhiều loại thuốc thông dụng, hiệu quả, đồng thời không quên học tập kinh nghiệm quý từ các nền y học phát triển để bổ sung kho thuốc, sản phẩm thuốc của dân tộc.
Để từ đó, những cây thuốc, bài thuốc quý, sản phẩm tốt gắn liền với tên tuổi của những lương y, bác sĩ giàu tâm huyết luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.