Các chủ cho thuê của gần 100.000 căn hộ chia nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc) sẽ phải tuân theo chỉ số cho thuê mới theo dự luật kiểm soát thuê nhà, được thiết kế nhằm bảo vệ những cư dân nghèo nhất của thành phố. Tuy nhiên, giá thuê vẫn có thể được phép tăng tới 15%, theo các nguồn tin của South China Morning Post.
Chỉ số này cũng không được kỳ vọng tính đến lạm phát hoặc khả năng chi trả của người thuê như đề xuất trước đó. Con số chính xác sẽ được đưa ra hôm 31/3, khi dự luật chính thức được công bố.
Người sống ở căn hộ chia nhỏ trong cuộc tham vấn cộng đồng về cung cấp đất ở khu dân cư Kwun Tong, Hong Kong. Ảnh: Felix Wong. |
Rủi ro tăng giá thuê
Các nhà phê bình cho rằng mức trần 15% là quá cao, so với mức 10% đối với những đơn vị nhà ở công cộng. Họ lưu ý rằng các chủ nhà có thể chạy đua để tăng tiền thuê trước khi luật có hiệu lực, thay vì bảo trì và cải thiện điều kiện sống ở căn hộ cho thuê của mình.
Trước đó, chủ tịch lực lượng chuyên trách do chính quyền Hong Kong bổ nhiệm, người đứng đầu cuộc nghiên cứu kiểm soát tình trạng thuê nhà, cho biết nhiều yếu tố, chẳng hạn chỉ số giá tiêu dùng (tính đến lạm phát) có thể được xem xét khi thiết lập cơ chế.
“Tuy nhiên hiện tại, lạm phát và khả năng chi trả của người thuê sẽ không phải là yếu tố trong dự luật. Không có nhiều cuộc thảo luận về điều đó trong lực lượng chuyên trách”, một nguồn tin nói với South China Morning Post.
Người này lý giải thêm: “Khả năng chi trả không được xem xét vì chính quyền không có thông tin về thu nhập của những người thuê nhà. Điều này không giống như cơ chế cho thuê đối với nhà ở công cộng, nơi dữ liệu của cư dân được thu thập”.
Dự luật cũng sẽ cho phép người thuê đảm bảo hợp đồng thuê theo các điều khoản cố định trong 2 năm, với tùy chọn gia hạn thêm 2 năm.
Theo một báo cáo của chính quyền Hong Kong vào tháng 12/2020, khoảng 99.000 gia đình được cho là đang sống trong những căn hộ có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này. Các căn hộ này chủ yếu nằm trong những tòa nhà cũ thuộc sở hữu tư nhân của cá nhân hoặc công ty. Chúng thường chứa các rủi ro về sức khỏe, hỏa hoạn và cấu trúc.
Khu phố Sham Shui Po của Hong Kong, nơi có nhiều căn hộ chia nhỏ, có thể nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự luật kiểm soát thuê nhà mới. Ảnh: Sam Tsang. |
Kế hoạch áp đặt quyền kiểm soát thuê nhà lần đầu tiên được bà Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, Đặc khu trưởng Hong Kong, công bố vào tháng 1/2020 nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng nhà ở, vốn từ lâu đã được Bắc Kinh coi là một trong những vấn đề “thâm căn cố đế” của thành phố.
Bà Lam thừa nhận nhiều gia đình có thu nhập thấp buộc phải sống trong các căn hộ chia nhỏ hay “nhà quan tài” do phải chờ đợi quá lâu để có thể chuyển đến khu nhà ở công cộng. Họ cũng cần được bảo vệ để tránh bị tính phí quá cao.
Cần cải thiện điều kiện sống
Giá thuê các căn hộ chia nhỏ rất khác nhau trên toàn thành phố. Với căn hộ khoảng 9 m2 có phòng tắm, giá thuê rơi vào khoảng 4.000 HKD hoặc 5.000 HKD (516 USD-645 USD). Căn phòng nhỏ chỉ 3-4 m2 thì có giá dao động 2.000-3.000 HKD.
Ban đầu, lực lượng chuyên trách được giao hạn chót đưa ra các đề xuất kiểm soát thuê nhà là tháng 10/2021, tức sau khoảng 18 tháng chuẩn bị. Tuy nhiên, chính quyền sau đó đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu họ phải nộp báo cáo vào tháng 3.
Theo đề xuất, chủ của các căn hộ chia nhỏ sẽ phải ký hợp đồng thuê nhà tiêu chuẩn 2 năm với người thuê theo các điều khoản cố định, bao gồm giá thuê. Khi hợp đồng kết thúc, người thuê có quyền gia hạn các điều khoản thêm 2 năm, mặc dù tiền thuê nhà có thể tăng tại thời điểm đó.
Chỉ số cho thuê hàng năm mới đối với các căn nhà chia nhỏ sẽ quy định tỷ lệ % mà chủ nhà có thể tăng tiền thuê, được giới hạn ở mức 15%.
Người Hong Kong chật vật trang trải tiền thuê nhà do giá ngày càng leo thang, trong khi điều kiện sống không được cải thiện. Ảnh: Reuters, Getty. |
Trước đó, ông William Leung Wing-cheung, Chủ tịch lực lượng chuyên trách, nói với South China Morning Post rằng chính quyền sẽ không quy định giá thuê tối đa trên mỗi m2 đối với các căn hộ chia nhỏ. Bởi điều này có thể được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tư nhân và gây ra các thách thức pháp lý.
Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng nếu không có mức trần tiền thuê nhà, chủ nhà có thể vội vàng tăng giá thuê trước khi các biện pháp kiểm soát mới bắt đầu, đi ngược lại mục đích của luật và làm tổn hại đến lợi ích của người thuê nhà.
Bà Karen Wu Cheuk-yan, phát ngôn viên của nền tảng liên quan đến các căn hộ chia nhỏ, cho biết mức giới hạn 15% được đề xuất là quá cao.
“Các trường hợp chúng tôi gặp thường phải đối mặt với mức tăng tiền thuê nhà dưới 10%. Tuy nhiên, họ vẫn không thể chi trả vì mức cũ vốn đã quá cao”, bà cho biết.
Nhiều chuyên gia khác chỉ ra rằng hạn chế của dự luật là chỉ tập trung vào tiền thuê và quyền sử dụng, mà thiếu các cơ chế nhằm cải thiện điều kiện sống cho người thuê.
Theo ông Simon Yau Yung, PGS bộ phận chính sách công của Đại học City (Hong Kong), chỉ trích phổ biến nhất về dự luật kiểm soát thuê nhà là người chủ sẽ có ít động lực hơn để cải tạo tòa nhà của họ nếu buộc phải giảm giá cho thuê.
“Chính quyền nên xây dựng một số điều khoản khuyến khích trong hệ thống kiểm soát tiền thuê nhà để người chủ có động lực cung cấp các căn hộ chất lượng tốt hơn hoặc đầu tư vào việc sửa chữa, bảo trì”.
Ông Simon Yau Yung từng tham khảo hệ thống xếp hạng sức khỏe và an toàn nhà ở của Anh, xác định hàng loạt mối nguy bao gồm chất ô nhiễm, vệ sinh, rủi ro hỏa hoạn và sụp đổ cấu trúc. Các chủ sở hữu ở quốc gia này phải nhanh chóng giải quyết các mối nguy nghiêm trọng. Những người không làm như vậy không thể cho thuê tài sản.
“Ở Hong Kong, chúng tôi cần nhà ở giá cả phải chăng, nhưng cũng cần nó phải tươm tất”, vị PGS nhận định.