Không rao giảng, áp đặt, cũng không triết lý nặng nề mà bằng những câu chuyện có thật, thấm đẫm tình cảm, Chương trình truyền thông giáo dục lối sống, ngăn ngừa học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật, phòng chống ma tuý, tội phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Công an Đà Nẵng tổ chức đã chạm vào trái tim của mỗi HS, giúp các em biết nhìn nhận, hướng tới những giá trị sống tốt đẹp.
Bài học về cảm ơn, xin lỗi
Trên nền nhạc nhẹ dịu, câu chuyện giữa thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng với HS Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bắt đầu. Không khí lúc đầu ồn ào, náo nhiệt bởi những tiếng trò chuyện râm ran của học trò trong sân trường, dần dà thay bằng sự yên lặng. Tất cả học trò lẳng lặng lắng nghe, bị cuốn hút vào từng câu chuyện.
Bài học về lời cảm ơn, xin lỗi không phải ai cũng hiểu rõ. |
Với những câu chuyện có thật về những đứa trẻ mê game về cướp của cha mẹ, những đứa trẻ ham chơi làm tổn thương ba mẹ, hay những đứa trẻ chạy theo những giá trị ảo khiến cha mẹ và thầy cô buồn lòng…, thầy Vương còn dẫn dắt các em về những vất vả của một người mẹ cưu mang con trong bụng 9 tháng 10 ngày vất vả như thế nào, khi sinh con phải vượt cửa sinh tử ra sao, và nuôi dưỡng con bất chấp mọi khó khăn, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình cho con...
“Nhưng ở đây, có bao nhiêu em đã từng nói với cha mẹ của mình “Con cảm ơn ba mẹ!”, hoặc “Con yêu ba mẹ!” chưa? Hay là chỉ là “Con muốn cái này!”, “Con muốn thế kia!”....
Rất nhẹ nhàng, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương còn hướng dẫn cho HS lối sống tích cực, lành mạnh. Từ chỗ “bắt bệnh” các “bệnh” phổ biến của tuổi teen như nghiện điện thoại, đến bệnh “bắt chước” thần tượng và nghiện nguy hiểm nhất hiện nay là nghiện Facebook, thầy Vương hướng HS hình thành thói quen đọc sách, biết kiềm chế những cơn nóng giận, biết quý trọng bản thân mình và bạn bè; trong những tình huống không thể tự xử lý được thì nên nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn của thầy cô, cha mẹ hoặc bạn bè.
“Chúng ta có 8 tiếng để ngủ, 4 tiếng để sinh hoạt cá nhân, 12 tiếng để lao động, học tập. Thế mà các em dùng quá nhiều thời gian vào điện thoại, chát chít thì còn bao nhiêu thời gian cho học tập?”.
Cân bằng giữa dạy chữ và dạy người
Trường THCS Lý Tự Trọng là điểm dừng chân thứ 28 của chương trình truyền thông giáo dục lối sống, ngăn ngừa học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật, phòng chống ma tuý, tội phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Công an Đà Nẵng tổ chức.
Đây là một trong những hoạt động để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cho HS - SV.
Theo như cô giáo Trương Thị Minh Thảo, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THCS Lê Độ, Đà Nẵng thì “rất cần những buổi nói chuyện đầy tính thực tế này dành cho HS ở độ tuổi THCS, THPT, bởi chính những buổi nói chuyện này sẽ giúp các bạn ít nhiều nhìn nhận được trách nhiệm của mình với cuộc sống, và không quên bộc lộ những xúc cảm, yêu thương; không chỉ biết chạy theo thế giới ảo mà quên đi thực tế cuộc sống. Và không chỉ học trò, mà nhiều giáo viên cũng rơi nước mắt vì xúc động”.
Thầy Trương Hồng Ngọc - Hiệu trưởng Trường Lý Tự Trọng thì cho rằng, từ buổi nói chuyện này, “HS hiểu sâu hơn về chữ lễ trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, hiểu hơn về đạo lý làm con, làm trò…; thấy trân trọng công sức của cha mẹ, thầy cô, yêu hơn cuộc sống này”.
Từ những câu chuyện thực tế, thầy Vương nhấn mạnh: “Mạng thì “ảo” mà hậu quả và nỗi đau để lại thì thật. Trước khi nhấn nút like, comment hay share thì các em cần nên cân nhắc; muốn an toàn, trên Facebook, các em phải kết bạn với ba mẹ, thầy cô giáo. Nếu các em không có được một lựa chọn an toàn trong thế giới ảo thì rồi một ngày không xa, các em sẽ bị thụ động hoàn toàn trước cuộc đời này”.