Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đưa hội nghị thượng đỉnh G7 tới quê hương ông ở Hiroshima để thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, thay vào đó, các đồng minh của Mỹ dự kiến thảo luận về việc triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn tới khu vực để đối phó với thách thức chung.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7, giấc mơ bấy lâu của ông Kishida về “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” sẽ phải đối mặt với thực tế có liên quan tới những thách thức an ninh từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Họ đều là những nước láng giềng của Nhật Bản và sở hữu khoảng một nửa số đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Sự tương phản thậm chí còn đậm nét hơn khi các nhà lãnh đạo từ những quốc gia giàu nhất thế giới ngày 19/5 tới thăm công viên hòa bình, nơi từng là “vùng đất số không” của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên cách đây 78 năm.
Phía sau những cánh cửa đóng kín
Họ cũng có thể gặp những người như bà Yoshiko Kajimoto, hiện 92 tuổi. Bà từng sống ở Hiroshima khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào năm 1945. Bà những tưởng bản thân sẽ chết trong một tia chớp trắng.
“Trong hội nghị thượng đỉnh này, tôi muốn mọi người nghiêm túc tìm cách xóa bỏ hạt nhân. Tôi không muốn điều đó được giải quyết chỉ với việc nói sẽ cân nhắc hoặc những lời mơ hồ”, bà khẳng định.
Tuy nhiên, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về biện pháp mở rộng “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ dành cho các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc - những quốc gia không có vũ khí nguyên tử của riêng mình.
Ba nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima. Giới chức Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ tham dự hội nghị G7 năm nay với tư cách khách mời, Yonhap đưa tin.
Ankit Panda, thành viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định những người ra quyết định ở các quốc gia Đông Bắc Á ngày càng lo ngại về khả năng dùng vũ khí hạt nhân để cưỡng ép trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
“Do đó, họ đã tăng gấp đôi khả năng phòng thủ độc lập của chính mình, bên cạnh các liên minh với Mỹ”, ông chia sẻ.
Thủ tướng Kishida và phu nhân đến Hiroshima ngày 18/5. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh những thách thức từ Nga, kho dự trữ đầu đạn và tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các ngoại trưởng G7, khi họ nhóm họp vào tháng trước.
Trong báo cáo vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nguồn cung đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh đã vượt 400 và dự kiến đạt khoảng 1.500 đầu đạn vào năm 2035.
Triều Tiên cũng đang thử nghiệm các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế để vươn tới lục địa Mỹ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có đông quân nhân Mỹ đồn trú trong khu vực.
Ông Kim Jong Un đã yêu cầu Triều Tiên củng cố năng lực răn đe của mình một cách "thực tế và chủ động" để chống lại những động thái từ Mỹ và Hàn Quốc.
Trong khi đó, các tuyên bố của G7 cũng thường nêu bật những lo ngại khác liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tham vọng nguyên tử của Iran. Các nhà lãnh đạo của nhóm này đã cố gắng thuyết phục Điện Kremlin thực thi hiệp ước New START về hạn chế kho vũ khí hạt nhân.
Tín hiệu với người dân Hiroshima
Ông Nobumasa Akiyama, Trưởng khoa Chính sách công và Quốc tế tại Đại học Hitotsubashi, nhận định các nhà lãnh đạo G7 có thể sẽ cố gắng làm hài hòa lời kêu gọi giải trừ hạt nhân của ông Kishida và nhu cầu chống lại các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng trên toàn cầu.
Theo ông, họ có thể sẽ đưa ra thông điệp hướng tới các quốc gia như Nga và Trung Quốc rằng “không nên sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào”.
Trong năm qua, Mỹ đã đưa nhiều khí tài có khả năng tấn công hạt nhân đến gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Chẳng hạn, một nhóm tàu sân bay Mỹ có chuyến thăm đầu tiên tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên sau 5 năm, theo sau đó là ba chuyến thăm nữa. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tổ chức huấn luyện chung về đánh chặn tên lửa và săn tàu ngầm.
Nhiều động thái phô trương sức mạnh cũng sắp chuẩn bị diễn ra. Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4, Tổng thống Yoon và ông Biden đã nhất trí tăng cường các biện pháp răn đe mở rộng, bao gồm cả việc triển khai thường các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân thường xuyên hơn tới khu vực.
Máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ bay qua một đám mây trên căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam hồi năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Theo giới chức Lầu Năm Góc, trong vài tháng tới, một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.
Tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tới 20 tên lửa đạn đạo D-5 Trident, được thiết kế để di chuyển mà không bị phát hiện. Những chỉ huy hiếm khi tiết lộ các cuộc cập cảng của chúng vì lo ngại về an ninh.
Mặc dù Washington đã hủy bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ nhiều thập kỷ trước, họ vẫn duy trì “kho vũ khí lớn nhất” của Mỹ trên thế giới ở đảo Guam.
Hòn đảo này là nơi đặt căn cứ Không quân Mỹ, với các máy bay ném bom có khả năng thực hiện những cuộc tấn công hạt nhân ở Triều Tiên và xa hơn nữa.
Khi Trung Quốc và Triều Tiên tung ra các tên lửa mới có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, chính quyền ông Biden đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 1,5 tỷ USD trên đảo Guam, John Plumb, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng về chính sách không gian, nói với một ủy ban Thượng viện Mỹ trong tháng này.
Tất cả điều đó đã không mang đến tín hiệu tốt cho cư dân của Hiroshima, những người muốn các nhà lãnh đạo G7 cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân một lần và mãi mãi.
“Chúng ta không thể tạo ra một thế giới mà không dựa vào vũ khí hạt nhân ư? Bây giờ là lúc để xem xét làm thế nào chúng ta có thể thực sự đạt được điều đó”, Kazumi Matsui, Thị trưởng thành phố Hiroshima, cho hay.
Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.