Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ trên những phần bánh mì

Trong những con hẻm tối nồng mùi nước tiểu ở thành phố Nairobi của Kenya, thầy giáo bậc tiểu học Clifford Oluoch vẫn hàng ngày chăm sóc những đứa trẻ vô gia cư.

Một công việc không lương nhưng Oluoch cho biết ông "nhận lại được rất nhiều".

Khi thấy bóng Oluoch từ xa trên con đường ngập nước, những đứa trẻ rách rưới đã reo lên: “Odijo, odijo”, nghĩa là thầy trong tiếng Kenya. Có khoảng 20 đứa đang chờ Oluoch mang sữa và bánh mì tới. Một số đã không ăn gì cả ngày hôm đó.

Oluoch rẽ sang những con hẻm khác để phát thức ăn. Số bánh mì mà cả gia đình ông giúp chuẩn bị cả buổi tối được phát hết trong 10 phút.

Những đứa trẻ với khẩu phần bánh mì nhận từ thầy Oluoch.
Những đứa trẻ với khẩu phần bánh mì nhận từ thầy Oluoch.

Theo Tổ chức UNICEF, khoảng 300.000 trẻ em vô gia cư như thế này ở Kenya và phần lớn sống trong những thành phố lớn. “Cuộc sống rất cực, luôn có những chuyện xấu xảy ra - một đứa trẻ nói - Những đứa lớn đánh những đứa nhỏ hơn, và tụi em đánh nhau vì thức ăn”.

Oluoch là giáo viên tiểu học ở Nairobi. Mỗi ngày sau khi đi dạy về, ông cùng vợ và con gái mất hơn một giờ để cắt bánh mì và chia thành các phần ăn.

Tất cả tốn của Oluoch khoảng 22 USD mỗi ngày, một con số không nhỏ so với mức lương mọn của một nhà giáo dù ông đã bắt đầu nhận được một số quyên góp từ cộng đồng.

Nhưng ông nói rằng: “Tôi và vợ có cùng suy nghĩ về việc giúp đỡ người khác. Chúng tôi hiểu rằng lớn lên với bàn tay trắng là như thế nào. Chúng tôi hiểu cuộc sống không có ai bên cạnh khó khăn ra sao. Điều tôi làm giúp tạo ra sự thay đổi và nó khiến mọi thứ đều xứng đáng”.

Một số người lớn vô gia cư cũng được Oluoch mua thuốc men, quần áo, giúp đưa họ đến bệnh viện hay giúp một số phụ nữ mở sạp bán trái cây. “Họ biết rằng, tôi không cho họ tiền và tôi cũng không khuyến khích người khác làm vậy. Nhưng nếu giúp được gì cho họ, tôi sẵn lòng làm” - ông nói.

Sau mỗi lần phát thức ăn, Oluoch luôn dành thời gian để tâm sự với những đứa trẻ, một điều khó khăn hơn nhiều. “Nhiều đứa trẻ ở đây bị thất vọng quá nhiều lần khiến chúng trở nên khó gần. Tôi hiểu ra rằng điều chúng thật sự thiếu là sự yêu thương, một ai đó quan tâm đến chúng” - ông nói.

Những giấc mơ đã bắt đầu nảy mầm nhờ các phần bánh mì của Oluoch. “Em bỏ học do cha mất và mẹ em không trả nổi tiền cho em đến trường. Em đã nghĩ sẽ dễ hơn nếu em bỏ nhà và tự lo cho mình - Neville (13 tuổi) mở đầu khi nói về ước muốn trở thành một phóng viên - Em muốn trở lại trường một ngày nào đó và hi vọng thầy Oluoch sẽ giúp em. Em không muốn sống hết cuộc đời ở đây”.

Sự tin tưởng của những đứa trẻ khiến ông càng quyết tâm hơn và chuẩn bị những kế hoạch lớn hơn để đưa chúng thoát khỏi đường phố. “Nếu tôi chỉ có thể giúp được một người, chỉ một đứa trẻ, với tôi vậy cũng là đủ rồi” - Oluoch nói trên BBC.

Hàng nghìn tội phạm Anh chọn nghề giáo làm lại cuộc đời

Hàng nghìn người có tiền án hình sự nộp đơn ứng tuyển vị trí giáo viên hoặc trợ giảng tại các trường học của Anh với mong muốn làm lại cuộc đời.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150517/giac-mo-tren-nhung-phan-banh-mi/748158.html

Theo Trùn Phương/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm