Giáo viên Mỹ chú trọng việc hướng dẫn học sinh cách làm bài tập. Ảnh: The Guardian |
Sau kết quả không mấy khả quan trong các kỳ thi quốc tế, người Mỹ bắt đầu truy tìm nguyên nhân học sinh trong nước học Toán kém.
Hai nhà giáo dục James Hiebert và James Stigler tiến hành nghiên cứu các tiết học toán ở Mỹ, Nhật và Đức nhằm tìm ra điểm khác biệt giữa 3 nước, theo region10ct.org.
Cấu trúc một tiết học Toán ở Mỹ và Đức giống nhau. Chương trình học nhấn mạnh vào việc vận dụng kiến thức theo mô hình: Giáo viên giải thích các khái niệm và cách làm bài rồi thực hiện vài bài tập mẫu. Sau đó, học sinh làm bài tập dưới sự hỗ trợ của giáo viên.
Ngược lại, giáo dục Nhật Bản chú trọng việc hiểu các khái niệm. Một tiết học điển hình diễn ra theo trật tự: Giáo viên đặt ra vấn đề phức tạp, nhằm kích thích học sinh tư duy; học sinh cố gắng tìm hiểu vấn đề; các em trình bày ý tưởng hoặc cách giải trước lớp; lớp thảo luận về những phương pháp khác nhau; giáo viên tóm tắt các kết luận mà học sinh đưa ra; người học làm thêm những bài tập tương tự.
Mục tiêu các bài giảng của giáo viên Mỹ cũng khác giáo viên Đức và Nhật.
Người Mỹ tập trung khả năng vận dụng kiến thức nên bài tập chiếm 95%, trong khi nó chỉ chiếm 42% ở Nhật Bản. Tuy nhiên, học sinh Nhật thường phải làm bài tập về nhà dưới sự hướng dẫn của người khác.
44% nội dung bài học ở Nhật Bản yêu cầu học sinh phải tìm ra cách giải mới, đòi hỏi họ phải suy nghĩ và lý giải.
Giáo viên Mỹ thiên về dạy kỹ năng thông qua việc vận dụng kiến thức. Sau đó, học sinh dùng phép tính tương tự để làm bài tập. Nếu chúng có thể nắm vững cách dùng mỗi công thức riêng, giáo viên sẽ ra tiếp bài tập dưới dạng một câu chuyện.
Khi học về chu vi, trước tiên, giáo viên sẽ giới thiệu khái niệm rồi dùng hình làm ví dụ, thường là hình chữ nhật. Sau đó, họ mới hướng dẫn công thức tính và để học sinh tính chu vi các hình chữ nhật khác nhau. Học sinh không cần thảo luận. Cuối cùng, khi các em đã tính thành thạo, giáo viên sẽ đưa ra bài tập dưới dạng sau:
"Chúng tôi cần phải làm đường viền cho tấm bảng thông báo có chiều dài 3 m, chiều rộng 2 m. Vậy, chúng tôi nên mua bao nhiêu đường viền?"
Giáo viên Nhật Bản khuyến khích học sinh tư duy và tự tìm cách giải quyết cho các vấn đề liên quan đến bài học. Ảnh: Youtube |
Ngược lại, khi dạy về cùng vấn đề, giáo viên ở Nhật có phương pháp khác, bắt đầu bằng việc nêu vấn đề.
"Để đính ruy băng xung quanh tấm biển này, chúng ta cần mua bao nhiêu ruy băng?"
Học sinh thảo luận để tìm ra cách giải quyết. Chúng làm việc theo các nhóm nhỏ với dụng cụ cần thiết như bảng, ruy băng, thước kẻ, thước cuộn, sách tham khảo. Trong quá trình đó, giáo viên sẽ giới thiệu khái niệm liên quan bài học. Sau đó, các nhóm trình bày phương pháp trước lớp.
Học sinh trong một lớp có cơ hội nghe cách làm của nhau chứ không chỉ do giáo viên hướng dẫn như ở Mỹ. Giáo viên sẽ sửa sai giúp học sinh để chúng tự tìm phương pháp khác hoặc giải quyết vấn đề tương tự.
Thiết kế bài giảng của giáo viên Mỹ đi từ một phần đến tổng thể, trong khi giáo viên Nhật làm theo cách ngược lại. Họ tạo hứng thú cho học sinh ngay từ đầu buổi học.
Phương pháp dạy Toán ở Mỹ hạn chế tự do tư duy và sáng tạo của học sinh. Thay vì phải động não tìm cách giải quyết, chúng chỉ cần làm theo hướng dẫn của giáo viên.
Trên thực tế, cách làm của người Nhật cho học sinh cơ hội học cách tự giải quyết vấn đề chúng gặp phải, biết lý giải, chứng minh, được giao tiếp, kết nối với học sinh khác.Ở Mỹ, giáo viên thường nghĩ, "trẻ em chỉ cần hiểu, không cần phải nói ra chúng nghĩ gì", và "tôi dạy chúng hiểu bằng cách nào?".
Họ mắc sai lầm khi hạn chế tính chủ động của học sinh trong quá trình học. Đây cũng là lý do trẻ em Mỹ ngày càng ghét học Toán.