Phỏng vấn trực tuyến “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” do Zing News phối hợp Bộ Y tế và Nutifood tổ chức có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng gồm: TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt - Viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng TP.HCM.
“Đọc vị” tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ
Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn nạn thách thức sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Làm rõ vấn đề này, PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung dẫn số liệu từ khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện ở 6 tỉnh/thành là Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, An Giang, Sóc Trăng. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở trẻ lứa tuổi tiểu học là 41,9%, THCS là 31,2%.
“Trước đây khi nhìn một em bé bụ bẫm, mọi người rất thích vì nghĩ bé khỏe mạnh. Tuy nhiên ngày nay, thừa cân mang đến nhiều hệ quả không tốt cho sức khỏe”, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục bổ sung.
Nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ chủ yếu là ăn uống vượt quá nhu cầu năng lượng và chất đạm, trong khi ít hoạt động thể chất. “Khảo sát phụ huynh trẻ tiểu học ở một số tỉnh thành cho thấy đa số mẹ có con sở hữu chỉ số bình thường lại nhận định bé thiếu cân, trẻ thừa cân thì lại xem là bình thường”, PGS.TS.BS Nhung dẫn chứng.
Giúp các bậc phụ huynh dễ phân biệt giữa thừa cân và béo phì, TS.BS Thục giải đáp thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá so với chiều cao, là tiền đề dẫn đến béo phì. Khi cơ thể tích lũy mỡ toàn thân hay cục bộ nhiều, trẻ sẽ bị bệnh béo phì.
Lý giải việc các bậc phụ huynh thường ngộ nhận khi “đọc vị” thể chất trẻ, các chuyên gia cho biết không phải trẻ thừa cân, béo phì nào cũng xuất hiện ngay những dấu hiệu trên. Để xác định sớm việc trẻ có thừa cân, béo phì hay không, BS Trần Thị Minh Nguyệt gợi ý cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ, so sánh với biểu đồ tăng trưởng BMI.
Các chuyên gia chia sẻ về tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ tại buổi phỏng vấn trực tuyến. |
Từ các nghiên cứu ở trẻ lứa tuổi mầm non dưới 5 tuổi, trẻ tiểu học 6-10 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thừa cân, béo phì cao (12%). Nếu độ tuổi 5-19 chia làm 3 giai đoạn, thì trẻ tiểu học có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao nhất.
“Thừa cân, béo phì gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng rõ nhất là rối loạn chuyển hóa lipid máu. Ca đái tháo đường trẻ nhất Việt Nam là em bé 8,5 tuổi với cân nặng 58,5 kg và chiều cao 1m51. Bé mắc đái tháo đường do béo phì”, PGS.TS.BS Nhung thông tin thêm.
Trẻ béo phì mắc Covid-19 đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong đợt dịch vừa qua, không chỉ tại Việt Nam, thống kê ở nhiều nước cho thấy các trường hợp béo phì, đặc biệt béo phì nặng ở cả trẻ em và người lớn khi mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến trầm trọng hơn. Đây cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ thừa cân, béo phì.
Khác với trẻ có thể trạng bình thường, thuốc điều trị Covid-19 cho trẻ béo phì phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Đơn cử, thuốc cho trẻ bình thường có thể tính theo cân nặng nhưng với trẻ béo phì, bác sĩ sẽ tính toán nên sử dụng liều theo cân nặng hay cần điều chỉnh cân nặng về mức bình thường rồi mới tính liều thuốc.
Về việc chăm sóc cho trẻ béo phì mắc Covid-19, theo phác đồ hướng dẫn chữa trị tại nhà của Bộ Y tế, gia đình chỉ điều trị cho những người mắc bệnh nhẹ và không có bệnh nền. Béo phì là một trong những bệnh nền, tức cần điều trị tại các cơ sở y tế.
Thuốc điều trị Covid-19 cho trẻ béo phì phải tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. |
Các chuyên gia cho biết hiện nay, do các số liệu chưa rõ ràng nên khó kết luận trẻ béo phì có nguy cơ gặp triệu chứng hậu Covid-19 cao hơn so với trẻ bình thường hay không. Tuy nhiên, trong những đối tượng nguy cơ, trẻ suy dinh dưỡng và béo phì có thể bị ảnh hưởng sức khỏe dài hơn khi mắc Covid-19. Dù không lo lắng triệu chứng hậu Covid-19, cha mẹ vẫn nên theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi khỏi bệnh.
Với trẻ bị thừa cân, béo phì và nhiễm Covid-19, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu được tình trạng của con, tìm hiểu cách tăng cường đề kháng từ thực phẩm thay vì bồi bổ hết mức.
Phòng chống thừa cân, béo phì sớm ở trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời không chỉ liên quan đến tăng trưởng chiều cao, trí tuệ mà còn giảm nguy cơ béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm. Đây là cơ sở để ngừa béo phì sớm ở trẻ.
“Hội nghị về dinh dưỡng lâm sàng ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) năm 2012 khẳng định chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời liên quan đến sự đóng mở gene của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì”, PGS.TS.BS Nhung cho biết.
Theo các chuyên gia, cha mẹ tuyệt đối không áp dụng chế độ low carb (chế độ ăn uống ít carbohydrate) cho trẻ. |
Trái với suy nghĩ của nhiều phụ huynh, trẻ thừa cân, béo phì cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp thay vì ăn kiêng hoặc nhịn ăn. Để phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên tuân thủ nguyên tắc ăn đủ các nhóm chất gồm bột đường, đạm, béo và vi khoáng; không ăn muộn sau 20h vì dễ thừa năng lượng; đảm bảo thời gian vận động.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho con ăn ít nhất ba bữa chính và 1-2 bữa phụ để trẻ không đói. BS Nguyệt gợi ý bữa phụ có thể chọn sữa hoặc sản phẩm từ sữa. Sữa dành cho trẻ béo phì cần đảm bảo năng lượng thấp, ít chất béo, giàu chất xơ. Cha mẹ nên chọn sản phẩm được nghiên cứu phù hợp thể trạng trẻ thừa cân, hoặc sữa không đường, sữa tách béo.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.
Bình luận