Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo: Theo phong tục cổ truyền của người Việt, để lấy lòng các vị Táo quân, người dân sẽ chuẩn bị các lễ vật và mâm cỗ cúng tiễn họ về trời. Lễ vật không thể thiếu để tiễn ông Công ông Táo là ba chiếc mũ gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những món đồ này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. |
Hoa quả và vàng mã: Ngoài bộ áo mũ dành cho Táo quân, cần mua thêm tiền vàng hoặc loại vàng nén để hóa cho ông Công ông Táo làm lệ phí đi đường. |
Cá chép: Theo quan niệm dân gian, cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng. Theo truyền thống, người Việt Nam hay chuẩn bị ba chú cá chép đỏ sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Công ông Táo. Việc cúng cá chép không chỉ thể hiện sự trang trọng đối với người coi sóc cho gia đình trong suốt một năm qua hay hy vọng thành công may mắn với tích "cá chép hóa rồng" mà còn mang ý nghĩa nhân đạo cầu mong sự sống nảy mầm sinh sôi. |
Cỗ mặn: Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, hoa tươi. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ không nhất thiết phải quá cầu kỳ. |
Cỗ chay: Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống. Ngoài vàng mã tùy theo từng gia đình nhiều người chọn lễ chay với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc để tiễn Táo quân về trời. |
Đĩa muối: Muối là thứ tượng trưng cho sự may mắn, được đặt trên mâm cỗ cúng. |
Thịt lợn luộc: Đây là món quan trọng nhất dùng để dâng cúng Táo quân. Thịt lợn luộc dùng để sắp mâm cỗ cúng ông Táo nên là thịt vai hoặc gáy. Khi thắp hương miếng thịt cần để nguyên, tuyệt đối không được thái miếng. |