Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải pháp bảo vệ mẹ bầu và trẻ sơ sinh trước bệnh ho gà

Đối với phụ nữ mang thai, chủng ngừa ho gà trong thai kỳ ngày càng trở nên quan trọng để bảo vệ cả mẹ và con trước nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội. Bệnh gây ra nhiều biến chứng. Một số biến chứng thường gặp và dễ dẫn đến tử vong: Viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài.

Các đối tượng ở mọi lứa tuổi và giới tính đều có khả năng mắc bệnh ho gà. Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng, hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ tuổi, bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

ho ga anh 1

Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh ho gà cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

Tại chuỗi hội thảo khoa học "Sẻ chia kháng thể - Phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh ngay từ trong thai kỳ”, phó giáo sư Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nhấn mạnh: “Có hơn 50% trẻ mắc bệnh nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời”.

Trên thực tế, 0-3 tháng tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch" của trẻ sơ sinh. Điều này có nghĩa, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ chỉ phụ thuộc vào kháng thể của người mẹ được truyền trong giai đoạn thai kỳ. Điều này khiến trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh ho gà, với các biến chứng nguy hiểm.

“Các báo cáo y khoa trên thế giới cho thấy, có đến 93% trường hợp phải nhập viện và theo dõi biến chứng như viêm phổi, co giật hay tổn thương não và hơn 73% ca tử vong có liên quan đến ho gà xảy ra ở nhóm tuổi trẻ dưới 3 tháng tuổi”, phó giáo sư Phạm Quang Thái dẫn chứng. Vì vậy, công tác tiêm phòng để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ là việc cần cấp thiết phải đẩy mạnh.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh, nhưng trẻ sơ sinh chỉ có thể bắt đầu tiêm chủng bệnh ho gà vào lúc 2 tháng tuổi. Thế nên, trong khoảng thời gian 2 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh ho gà nếu không có bất kỳ lá chắn phòng vệ nào. Để tăng cường kháng thể phòng bệnh ho gà cho nhóm trẻ sơ sinh chưa đủ tuổi tiêm vaccine, phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ cả mẹ lẫn con trước căn bệnh này. Cụ thể, các mẹ bầu được khuyên nên tiêm vaccine phòng ho gà trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ theo CDC.

Chia sẻ về tín hiệu khả quan của chủng ngừa ho gà trong thai kỳ, TS.BS Lê Quang Thanh - Chủ tịch Hội Y học Bà mẹ và Thai nhi TP.HCM, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ - cho rằng: “Trước khi Covid-19 xảy ra, chúng ta dành rất nhiều thời gian để thuyết phục cả nhân viên y tế và cộng đồng về việc phòng bệnh từ sớm bằng vaccine.Tuy nhiên, do một vài rào cản, độ bao phủ về chủng ngừa ở người lớn và phụ nữ mang thai còn thấp. Tuy vậy, chúng ta ghi nhận những tín hiệu đáng mừng và chuyển biến tích cực khi ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến việc phòng bệnh kể từ sau đại dịch”.

ho ga anh 2

Chủ động tiêm ngừa chính là giải pháp bảo vệ mẹ bầu và trẻ sơ sinh trước bệnh ho gà ngay từ thai kỳ.

Như vậy, việc chủng ngừa trong giai đoạn mang thai là cần thiết. Giờ đây, với các giải pháp y khoa tiên tiến và sự hiểu biết về lợi ích của chủng ngừa ngày càng tăng, việc chủng ngừa trong giai đoạn mang thai sẽ mang lại sự bảo vệ hiệu quả cho cả mẹ và con trong những tháng đầu đời. Mẹ có thể tìm tư vấn từ bác sĩ về việc chủng ngừa để hiểu rõ hơn.

Chương trình giáo dục bệnh học dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam.

Giang Tiểu San

Bạn có thể quan tâm