Nhân viên đang chuyển các trang thiết bị y tế vào Bệnh viện dã chiến số 16 phục vụ chống dịch ở TP.HCM, tháng 8/2021. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế là một trong các vấn đề được Chính phủ tập trung thảo luận.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở một số cơ sở y tế.
Nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện phải "cầu cứu" Bộ Y tế
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc có dấu hiệu khan hiếm, giá cả biến động cao.
Ngoài ra, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong thời gian qua cũng có chiều hướng tăng. Trong khi đó, một số hợp đồng cung ứng liên quan hóa chất, vật tư tại các cơ sở y tế trong giai đoạn trước hiện nay đã bắt đầu hết hạn nhưng nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận có tâm lý e ngại trong đấu thầu mua sắm. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến cơ sở y tế rơi vào thiếu thốn nhiều vật tư.
Vị lãnh đạo này cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực cùng các bộ, ngành tham mưu Chính Phủ để có giải pháp tháo gỡ, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin, giải đáp các vấn đề liên quan đến ngành y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Vừa qua, Bộ Y tế tham mưu báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết 50, cho phép tiếp tục sử dụng giấy phép đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Đến ngày 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép này. Như vậy, tất cả thuốc trên thị trường hiện tại đã đăng ký sẽ được tiếp tục lưu hành.
Cũng trong ngày 2/3, Bộ Y tế tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98, đồng thời tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 144 về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Các bất cập liên quan việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc lúc này sẽ được giải quyết.
Không cần nhất thiết có đủ 3 báo giá
Đối với vấn đề vướng mắc về giá, đại diện Bộ Y tế cho hay trước đây, yêu cầu khi đấu thầu là phải có 3 báo giá. Tuy nhiên, thời gian qua có những mặt hàng không có đủ 3 báo giá, nhất là mặt hàng độc quyền. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị có thể chấp nhận chỉ một hoặc 2 báo giá vẫn có thể tiến hành mua sắm.
Về vấn đề lựa chọn mua sắm thiết bị có giá rẻ nhất, lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận điều này chưa thật sự hợp lý. Theo ông Luận, trang thiết bị y tế dù cùng một cấu hình, nhưng nhà cung cấp, xuất xứ sẽ có giá cả khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp cứ lấy giá thấp nhất có thể không đảm bảo chất lượng.
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã đề xuất theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ quyết định lựa chọn thiết bị phù hợp với cơ sở, không nhất quyết lúc nào cũng chọn giá thấp nhất.
Trả lời về thời gian khi nào các vướng mắc này sẽ được khắc phục, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định ngay sau khi các văn bản mới được ban hành, các đơn vị có thể tiến hành đấu thầu mua sắm, vật tư, hóa chất, thuốc... đảm bảo nhu cầu sử dụng.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy mới đây chia sẻ cơ sở này phải chuyển nhiều bệnh nhân gửi bệnh viện khác vì máy móc, thiết bị không đủ đáp ứng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thực tế, sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, ngành y tế không chỉ đối mặt tình trạng "chảy máu" chất xám khi nguồn nhân lực y tế nghỉ việc hàng loạt, việc thiếu thuốc, vật tư y tế cũng là bài toán nan giải hiện nay.
Trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội sáng 3/3, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, các đơn vị tích cực trong việc phòng chống dịch trên địa bàn lại ghi nhận nhiều sai sót, thiếu sót trong quá trình mua sắm, đấu thầu.
"Một số đơn vị được báo chí ca ngợi là thiên thần và tiên phong chống dịch đang làm kiểm điểm theo quy định, đặc biệt các đồng chí trong ban giám đốc bệnh viện", tiến sĩ Châu nói.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh viện tuyến Trung ương lớn nhất phía nam, cũng lâm vào tình cảnh khó khăn khi không thể đấu thầu mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo trì hàng loạt máy móc.
Trong văn bản báo cáo "cầu cứu" Bộ Y tế và Bộ Tài chính, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, đã nêu lên hàng loạt bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế, không có đủ 3 báo giá để thực hiện đấu thầu, thanh toán bảo hiểm cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn máy đặt...
Tương tự, ở Hà Nội, hai bệnh viện lớn là Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai cũng lên tiếng "cầu cứu" vì thiếu thốn vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, thu không đủ chi. Riêng Bệnh viện Việt Đức từ 1/3 đã hạn chế mổ phiên, chỉ tiếp nhận mổ cấp cứu.
Ngăn "chảy máu chất xám" ngành y
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng "chảy máu chất xám" ngành y tế, Thứ trưởng Luận cho biết vừa qua, cơ quan này có tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Trong luật mới này, bộ có nhiều quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khám, chữa bệnh nói chung, bao gồm vấn đề nhân lực ngành y tế.
Hiện nay, các cơ sở y tế công lập, đặc biệt những cơ sở thuộc vùng sâu vùng xa đã được áp dụng phụ cấp 20-70% tùy địa bàn. Một số nhóm nhân viên y tế cũng được hưởng phụ cấp hàng tháng 0,3-0,5% so với mức lương tối thiểu.
Bộ Y tế cũng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56/2011- Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, theo hướng tăng phụ cấp đặc thù cho y tế cơ sở, đặc biệt vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Một thông tư khác đang được xây dựng là giá dịch vụ khám, chữa bệnh yêu cầu, khác với mức giá khám bảo hiểm y tế. Ngoài ra, khi thông tư về cơ chế xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập được thông qua, các bệnh viện sẽ có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân viên.
Ngoài ra, Bộ Y tế sắp tới sẽ kiện toàn, sắp xếp đơn vị khám, chữa bệnh do bộ này quản lý, để nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, qua đó góp phần cải thiện của cán bộ ngành y tế.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.