Theo quy định của Sở Y tế TP.HCM, người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động quản lý danh sách. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp F0 nằm ngoài vòng quản lý của địa phương do nhiều nguyên nhân.
"Ngành y tế sẽ có giải pháp hợp tình, hợp lý, đúng luật"
Chia sẻ với Zing, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ông hiểu được sự lo lắng và băn khoăn của người dân, song trong bối cảnh hiện nay, việc cấp giấy xác nhận cần có cơ sở hợp lý.
Ông phân tích: "Thẻ xanh được cấp với F0 khỏi bệnh. Do đó, nếu không thận trọng, việc cấp thẻ sai đối tượng, tức người chưa nhiễm bệnh, sẽ gây ra hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng".
Nhân viên y tế đến nhà phát thuốc điều trị cho F0. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thẻ xanh không đơn thuần chỉ là giấy tờ để được ra đường mà mục đích cấp nhằm bảo vệ cho người mắc Covid-19 và thật sự khỏi bệnh. "Do đó, ngành y tế phải đặc biệt thận trọng và sẽ đưa ra giải pháp hợp lý, hợp tình và đúng luật", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, cho biết Bộ Y tế chưa có phương án xét nghiệm kháng thể để chứng minh và cấp giấy tờ cho những F0 nằm ngoài danh sách quản lý.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thành phố đang lên các phương án phù hợp cho từng nhóm đối tượng, người dân không nên quá hoang mang, TP.HCM sẽ có giải pháp hợp lý cho những trường hợp này.
"TP.HCM có thể cân nhắc xét nghiệm kháng thể"
Đó là khuyến cáo của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ông cho biết những trường hợp F0 tự điều trị, không được địa phương quản lý danh sách lúc này cần bình tĩnh, chắc chắn thành phố sẽ có giải pháp phù hợp.
Một trong những giải pháp này theo bác sĩ Trương Hữu Khanh là xét nghiệm kháng thể. Song việc thực hiện xét nghiệm này cần thận trọng, không vội vàng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: BSCC. |
"Việc chứng minh một người từng là F0 không quá phức tạp nhưng ngành y tế TP.HCM cần thận trọng. Người dân cũng không nên nóng lòng. TP.HCM có thể cân nhắc xét nghiệm kháng thể để chứng minh một người từng nhiễm SARS-CoV-2 hay không, nhưng phương án này không cần vội vàng, phải có hướng dẫn cụ thể", bác sĩ Khanh nói.
Theo chuyên gia này, người dân có thể tự bỏ tiền để xét nghiệm tương tự test nhanh. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có quy định về xét nghiệm kháng thể đối với F0 tình nguyện tham gia phòng, chống dịch.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết xét nghiệm kháng thể gồm 2 loại, thứ nhất là xét nghiệm định tính (test nhanh), phương pháp còn lại là xét nghiệm định lượng.
Mục tiêu của xét nghiệm định tính là xác định một người có kháng thể hay không, qua đó có thể nhận biết được người này từng nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa.
Xét nghiệm định lượng được thực hiện theo phương pháp đặc biệt, phức tạp, nhiều kỹ thuật, mục đích là để xác định nồng độ kháng thể, một người có nguy cơ bị tái nhiễm hay không. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện phục vụ mục đích nghiên cứu.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Phương Lâm. |
"Kết quả xét nghiệm kháng thể không xác định được người này đang nhiễm nCoV hoặc mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Với F0 trong cộng đồng, xét nghiệm nhanh kháng thể thì có thể xác định họ từng nhiễm", TS Hùng nói.
Ông giải thích sau khi mắc Covid-19, cơ thể người nhiễm sẽ sinh ra kháng thể. Kháng thể có thể giảm dần theo thời gian, nhưng phải đo định lượng mới có thể xác định. Trung bình, kháng thể giảm dần sau 3 tháng. Đó là lý do mà các nhà sản xuất khuyến cáo người mắc Covid-19 chỉ nên tiêm vaccine Covid-19 sau 6 tháng.
Việc F0 khỏi bệnh tiêm thêm mũi vaccine mặc dù không gây hại sức khỏe nhưng gây hao tốn vaccine không cần thiết. Bởi người khỏi Covid-19 vốn đã có sẵn lượng kháng thể để chống lại nCoV.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc xét nghiệm kháng thể có thể được thực hiện và quản lý tương tự xét nghiệm kháng nguyên và rRT-PCR như giai đoạn đầu chống dịch. Giải pháp tốt nhất là giao trách nhiệm thực hiện, kiểm soát và báo cáo kết quả cho những cơ sở đủ khả năng làm.
"Tôi cho rằng ngành y tế cần có giải pháp cho người dân dựa trên góc độ khoa học. Người dân cần bình tĩnh, không tự ý bỏ tiền xét nghiệm kháng thể trước khi ngành y tế có hướng dẫn", bác sĩ Khanh nói thêm.
Test kháng thể đã được thực hiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm
Là chuyên gia có kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng xét nghiệm kháng thể là phương pháp được thực hiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay.
Ông đưa ra dẫn chứng người mắc các bệnh viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, thương hàn..., khi cần thiết, bác sĩ vẫn làm xét nghiệm kháng thể để xác định từng mắc bệnh hay chưa. Phương pháp này cũng hỗ trợ phục vụ trong việc chẩn đoán.
Đường phố TP.HCM trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chuyên gia này phân tích về nguyên tắc, khi xác định một bệnh truyền nhiễm mới, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm công nghệ nuôi cấy, sau đó là xét nghiệm rRT-PCR. Sau một thời gian, test nhanh kháng nguyên ra đời, kế đến là sản xuất test nhanh kháng thể. Đây là quy luật chung cho hầu hết bệnh truyền nhiễm.
"Xét nghiệm kháng thể không phải chúng ta chưa từng làm, nhưng với Covid-19, việc thực hiện cần có tiêu chuẩn chung. TP.HCM nên cân nhắc đưa ra tiêu chuẩn sớm, tránh để người dân hoang mang và tìm đến nơi xét nghiệm không uy tín", bác sĩ Khanh khyến cáo.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp để cấp giấy chứng nhận cho F0 nằm ngoài vòng quản lý chỉ để giải quyết cho "những sơ suất trong giai đoạn quá tải vừa qua". Do đó, những người tự xét nghiệm dương tính với nCoV, điều trước tiên là thông báo với y tế địa phương để được cấp thuốc, quản lý và hỗ trợ.
Theo công văn số 6296/SYT-NVY V/v chăm sóc và quản lý người F0 trên địa bàn của Sở Y tế TP.HCM, người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trạm Y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động quản lý danh sách.
Khi người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại, qua phần mềm “Hệ thống khai báo y tế điện tử”, Tổ Covid cộng đồng hoặc Tổ dân phố, nhân viên y tế sẽ đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh lại.
Các bước quản lý F0 bao gồm:
- Bước 1: Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.
- Bước 2: Phát ngay túi thuốc điều trị Covid-19 (gói thuốc A, gói thuốc B), phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19, phát gói thuốc C.
- Bước 3: Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Hướng dẫn người F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày (tự ghi vào sổ tay hay khai báo y tế điện tử).
- Bước 4: Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.