Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải quyết dứt điểm tình trạng đau họng do dùng điều hòa

Một số người liên tục có biểu hiện khô mũi, họng sau đó dẫn đến đau rát cổ sau một khoảng thời gian sử dụng điều hòa khiến họ gặp khó khăn khi tới nơi công cộng.

Tìm được công việc tại một công ty thời trang danh tiếng từ cuối năm ngoái, từ đó đến nay, mỗi ngày đi làm với Phạm Việt Hà (25 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) đều rất tràn ngập hy vọng với tương lai mở rộng, đồng nghiệp thân thiện.

Tuy nhiên, bước vào mùa hè đầu tiên cùng công ty mới, Hà không ngờ vấn đề lại xuất phát từ… chiếc điều hòa.

“Trước nay, tôi đã thường xuyên gặp vấn đề với mũi, họng khi thời tiết thay đổi. Nhưng mùa hè năm nay, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi điều hòa ở công ty tôi thường bật rất lạnh. Việc tôi đòi hỏi tăng nhiệt độ lại khiến nhiều người không hài lòng”, Hà chia sẻ.

Nhiều lần như vậy, mối quan hệ của Hà với một số đồng nghiệp bỗng có dấu hiệu căng thẳng. Vì tập thể, Hà cũng không thể cố đưa ra yêu cầu cá nhân. Dẫu vậy, sức khỏe bị ảnh hưởng khiến cô gái trẻ dần ngại ngần mỗi ngày chuẩn bị đi làm.

Tìm nguyên nhân

Trên thực tế, những trường hợp như Hà không hiếm. Nhiều người cũng đã phải tìm tới bác sĩ để xử lý các vấn đề liên quan đường hô hấp trong mùa hè khi tiếp xúc với điều hòa không hợp lý.

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc sử dụng điều hòa thiếu khoa học sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, thậm chí trở thành yếu tố thuận lợi gây đau họng.

dau hong do dung dieu hoa anh 1

Việc dùng điều hòa sai cách không giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, ngược lại khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Ảnh minh họa: michu_dang_quang.

Vị chuyên gia cho biết biểu hiện của đau họng do dùng điều hòa là trước khi tiếp xúc với thiết bị này, tình trạng sức khỏe của người dùng vẫn bình thường. Tuy nhiên, ngay khi sử dụng điều hòa, nhất là để luồng gió điều hòa phả thẳng vào mặt, cổ, gáy, cơ thể sẽ xuất hiện cảm giác lâng lâng.

Sau 15 phút, chúng ta tiếp tục nhận thấy triệu chứng khô mũi, khô họng, đau rát dọc theo sống mũi, lan xuống họng, có thể kèm hắt hơi.

Bà lưu ý: “Bệnh nhân cần phân biệt đau họng do điều hòa để tránh đổ lỗi cho thiết bị này mỗi lần đau họng. Việc này có thể khiến chúng ta bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm khác”.

Về căn nguyên, PGS Đào cho hay không khí từ môi trường khi đi qua bộ phận lọc của điều hòa sẽ được làm mát hoặc ấm, sau đó thổi vào phòng. Trong quá trình này, nếu bộ phận lọc không đảm bảo chức năng, điều hòa sẽ đưa không khí ô nhiễm vào phòng và gây bệnh.

Cụ thể, bộ phận lọc không được rửa và bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến bám bụi, nấm mốc, từ đó gây bệnh cho hệ thống hô hấp của người dùng. Đây cũng là lý do các kỹ sư thường khuyên người dùng tự làm sạch bộ phận lọc 3 tháng/lần.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến đau họng là sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài phòng điều hòa.

“Nếu chúng ta để nhiệt độ điều hòa quá thấp, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa không khí trong nhà và ngoài trời, cơ thể sẽ rất dễ bị sốc nhiệt và dẫn đến đau họng”, PGS Đào nói.

Sự chênh lệch nhiệt độ khiến da không kịp thoát mồ hôi, bịt kín các lỗ chân lông và gây mất cân bằng trong và ngoài tế bào dạng mất bù cũng như trong niêm mạc họng. Tình trạng này gây đau và viêm họng.

Tránh đau họng do điều hòa như thế nào?

Để sử dụng điều hòa khoa học hơn, tránh tình trạng đau họng và ảnh hưởng tới các hoạt động, mối quan hệ xã hội, PGS Đào gợi ý một số phương pháp gồm:

  • Kiểm soát nhiệt độ phòng, không để mức nhiệt dưới mức 26-28 độ C.
  • Trong 30 phút đầu, chúng ta có thể để chế độ làm lạnh nhanh nhằm giảm cảm giác khó chịu do nắng nóng. Tuy nhiên, sau 30 phút, khi căn phòng đã đủ mát, mọi người nên nâng nhiệt độ lên tối thiểu khoảng 27-28 độ C.

“Ngưỡng nhiệt độ này được xem là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp (nhiệt độ lớp bề mặt của hệ thống này là 30-31 độ C). Nhờ đó, bạn có thể giảm tần suất đau họng do điều hòa. Những gia đình có trẻ nhỏ dưới một tuổi cũng cần lưu ý đảm bảo duy trì nhiệt độ 28 độ C”, vị chuyên gia giải thích.

  • Thời gian nằm điều hòa: PGS Đào khuyến cáo người dân tuyệt đối không nằm liên tục hoặc ngồi làm việc dưới điều hòa quá 6 giờ/ngày. Khi nằm ngủ, miệng của chúng ta có thể vô thức mở ra, mũi phải hoạt động hết công suất. Tình trạng này khiến việc nằm dưới điều hòa quá lâu dễ gây đau họng.

Vị chuyên gia gợi ý: “Trên các loại điều khiển điều hòa đều có chức năng hẹn giờ. Bạn có thể hẹn giờ điều hòa chạy từ 23h đến khoảng 3-4h sáng hôm sau là đủ”.

dau hong do dung dieu hoa anh 2

Vệ sinh điều hòa đều đặn cũng là một giải pháp giúp tránh đau họng khi sử dụng thiết bị này. Ảnh minh họa: jeremy_bezanger.

Sau khi điều hòa ngắt, chúng ta có thể chuyển sang dùng quạt điện, loại có nhiều chế độ (5 chế độ trở lên), bật mức nhỏ. Điều này không ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình nhưng vẫn an toàn cho đường thở.

  • Vệ sinh điều hòa: Mỗi năm, các gia đình, tổ chức nên vệ sinh điều hòa khoảng 2-2 lần, tùy mức công suất, thời gian sử dụng.

Nếu chỉ sử dụng mỗi mùa nóng, trung bình, chúng ta sẽ sử dụng điều hòa trong 3-4 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 mỗi năm. Do đó, chúng ta chỉ cần vệ sinh mỗi năm 2 lần, đầu và cuối giai đoạn này.

Còn trong trường hợp sử dụng điều hòa liên tục như ở các cơ quan, xí nghiệp, cần thiết vệ sinh thêm một lần vào giữa chu kỳ sử dụng, ví dụ cách 3 tháng vệ sinh một lần.

Nằm điều hòa quá lạnh, hốt hoảng khi thấy miệng méo xệch

Hàng năm, vào thời điểm khoảng tháng 5 đến tháng 7, các bác sĩ gặp nhiều ca bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm