Tăng Gia Hải Lam được bổ nhiệm trở thành giám đốc điều hành Buzzmetrics - một trong những công ty chuyên về nghiên cứu thị trường thông qua mạng xã hội - từ khi còn rất trẻ.
Trước đó, anh bắt đầu công việc marketing ở các công ty quảng cáo hàng đầu. Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy ở Học viện AIM và các hoạt động hướng nghiệp sinh viên Đại học RMIT và Đại học Kinh Tế TP.HCM.
Hải Lam được các chuyên gia tuyển dụng của Primus đánh giá nằm trong top 1 các ứng viên cho các vị trí quản lý cấp cao hiện nay.
Trò chuyện với Lam, chàng giám đốc của Buzzmetrics cho biết chỉ muốn nói về thất bại và những bài học mình đã có được trong nhiều năm sự nghiệp.
Anh chia sẻ: "Top 1 là người ta tin mình thì nói về mình vậy thôi, cũng không có mức tối đa nào cho sự phát triển để trở thành top 1 cả".
Tăng Gia Hải Lam - giám đốc điều hành Buzzmetrics, một trong những công ty chuyên về nghiên cứu thị trường thông qua mạng xã hội. |
Thất bại nhiều hơn thành công
- Anh có nghĩ nhiều về tương lai của mình trong những năm đại học?
- Sự thật là ngày đó mình cúp học nhiều lắm. Ngây thơ, ngờ nghệch và chưa hiểu chuyện mà.
Từng ấy năm đi học là từng ấy năm làm phục vụ bàn. Nghĩ mình tang bồng chí trai, không cần xin tiền gia đình, tự làm tự sống. Rồi đi làm riết bị ghiền, thậm chí còn định nghỉ học để đi làm vì thấy nhiều tiền quá trời, đi học không ra tiền mà còn cực nữa.
Chính vì thế, ngày đó không có định hướng cuộc đời gì hết. Đến tận năm 4 vẫn không biết mình học Marketing ra trường sẽ làm gì. Ngành này công việc gồm những gì, mức lương ra sao, con đường thăng tiến sẽ thế nào.
Nói chung là hoàn toàn không có khái niệm gì. Cũng may cuộc đời đối đãi với mình tốt quá.
- Bây giờ khi đang đứng ở vị trí cao, vậy nhìn lại thời đó của mình, anh có tiếc không?
- Tiếc thì không, nhưng thấy may mắn. May là vì không có định hướng trước nhưng cuộc đời kéo mình theo hướng có thể phát triển được. Có nhiều người bạn xung quanh giỏi vẫn loay hoay vô định, không biết đi theo hướng nào, phát triển ra sao, thế nên cái việc không có tầm nhìn trước nguy hiểm lắm.
Do đó, từ khi tốt nghiệp, đi làm, có hoạt động hướng nghiệp nào của sinh viên mình cũng tham gia. Có lẽ muốn nhân cơ hội ấy để giúp các bạn trẻ không lặp lại sai lầm của mình ngày xưa.
- Anh bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào?
- Nói ra thì không ai tin, nhưng tất cả là hên. Việc làm đầu tiên ngoài phục vụ nhà hàng là nhập liệu từ những danh sách rất dài viết tay vào hệ thống của một công ty. Làm một tháng, tự nhận thấy đây là vị trí không tương lai, khó phát triển.
Đúng lúc ấy thì có người chị đang làm tại một tập đoàn quảng cáo lớn giới thiệu công việc khác. Từ đó, mình mới biết cái gì là quảng cáo, như thế nào là agency. Đó là cả thế giới mới, rộng lớn và nhiều thứ cần khám phá.
Tiếng Anh của mọi người ở đó quá xuất sắc, kiến thức chuyên môn cũng rất giỏi. Nhờ vậy, mình mới biết lúc này mà không bắt đầu chạy thì sẽ bị bỏ lại rất xa.
Thế là bắt đầu từ ấy, người ta làm 8 tiếng thì mình phải làm 10 tiếng, là người đến sớm nhất, về trễ nhất. Hoàn thành việc của mình thì xin thêm phần của người khác để làm. Mình phải chạy nhanh để bằng được với người ta.
- Có những cái cố gắng được, nhưng có những thứ phải học, anh phải học thêm những gì?
- Thú thật là tới giờ mình vẫn chưa có bằng A tiếng Anh. TOEFL, TOEIC, IELTS là cái gì cũng chưa từng đụng vào. Ngoại ngữ mình có khi bước ra khỏi trường cấp 3 là một vốn từ vựng hạn chế, cơ sở ngữ pháp rất cơ bản.
Nhưng cơ hội học lại có ở khắp nơi. Thời điểm đầu đi làm phục vụ bàn, khách nước ngoài rất nhiều. Ngày đó mình cứ "Hello, how are you. You eat what?", nghĩa là ráp từng chữ lại. May mắn là khách Tây rất nhiệt tình nói chuyện với dân địa phương, dù mình dốt tiếng Anh.
Thế là mình cứ hỏi đọc từ này thế nào, câu kia ra sao. Từ từ như thế 4 năm, cái học được tốt nhất là phản xạ nghe - nói ngoại ngữ. Đó chính là kiểu trường lớp mà không cần có tiền, không cần thầy cô đứng bên cạnh kèm cặp. Cuộc đời là cuốn sách mở và chuyện của mình là phải đọc cho đúng.
Marketing cũng vậy. Nơi làm đầu tiên là một tập đoàn lớn. Mọi người chuyên nghiệp lắm. Có khi nói một câu 10 chữ thì 8 là tiếng Anh, mà còn là tiếng Anh chuyên ngành. Lúc đó làm gì có đường lùi. Mình nghỉ việc thì đói ăn ngay lập tức vì làm gì có ai hỗ trợ phía sau.
Thế là không dám giấu cái ngu của mình. Gặp ai cũng hỏi cái này cái nọ, quy trình làm ra sao, phải làm thế nào. Lúc đó, đi làm không phải để lấy lương hay viết báo cáo thực tập, mà là để học. Công ty cũng là cuốn sách mở. Lại chịu khó miệt mài đọc thôi!
"Sự nghiệp của tôi có nhiều thất bại hơn thành công", chàng trai được đánh giá nằm trong top 1 các ứng viên cho các vị trí nhân sự cấp cao cho biết. |
Nhưng ngày mới đi làm, nghĩ đơn giản đây là quảng cáo, ngành có thể kiếm tiền được. Sinh viên thấy lương 6-7 triệu là mơ màng rồi. Thậm chí, nghĩ đơn giản lắm: Làm để sinh tồn, không làm thì chết đói.
Mình rời công ty đầu tiên, sang nơi thứ 2, gặp được một người sếp rất có tâm. Chị ấy là người dạy mình hiểu cái đẹp của nghề quảng cáo. Giúp thấy được Marketing có thể khiến xã hội đẹp ra làm sao.
Nghĩa là không phải lúc nào cũng hô lên: "Này, chúng tôi đang giảm giá 50%, tới và mua đi". Mà phải hiểu xã hội đang thiếu gì, có vấn đề gì, đang bức bối ra sao. Thông qua truyền thông, mình xoa dịu mọi người như thế nào.
Mình dùng tiền của khách hàng để giải quyết vấn đề xã hội, từ đó người ta sẽ ưu tiên mua sản phẩm của mình. Đây là trường phái quảng cáo "Humankind" - dịch thô là sự tử tế với con người.
Đó là cái đẹp đầu tiên trong công việc mà mình thấy. Thế rồi từ đó mới yêu, đam mê, biết đây là con đường mình sẽ theo, và nghiêm túc làm nghề.
Nói thì đơn giản vậy thôi nhưng đó là quãng đường trưởng thành tâm sinh lý rõ rệt lắm.
Giới hạn bản thân sẽ không thể làm những thứ không tưởng
- Rất nhiều bạn trẻ ở Việt Nam học xong, tìm được việc làm, rồi gắn bó rất lâu với chỗ ban đầu ấy, vậy tại sao anh dám rời công ty đầu tiên dù học được rất nhiều?
- Thật ra là công ty đầu tiên không nhận mình, vì không có vị trí trống và mình cũng chưa đủ giỏi.
Còn công ty thứ hai mình rời đi vì thấy được cơ hội phát triển ở nơi khác, mà mình lại ủng hộ sự trải nghiệm. Tất nhiên là trải nghiệm hiểu biết, không phải trải nghiệm liều mạng nhé.
Ví dụ như thấy cơ hội, khả năng phát triển, mình cần dấn thân để học hỏi và nâng cao giới hạn của bản thân. Nhưng chỉ vì mình đang chán, muốn thử cái khác dù mù mờ, không biết đó là gì thì gọi là liều mạng. Không bao giờ được đánh đổi thứ mình đang có với những thứ không biết từ đâu ra.
Mình rời nơi làm thứ hai tới nơi làm thứ ba, được làm về digital marketing. Ngày đó, đấy là thứ những nơi khác không có. Nghĩa là công việc mới mẻ, hay ho mà quảng cáo truyền thống chưa làm được. Vậy là làm việc hết mình, xây dựng đội ngũ, giúp công ty phát triển.
Rồi mình cũng rời nơi đó để tới công ty hiện giờ. Đơn giản là bản thân biết đã phát triển đến mức bão hòa, tự cảm nhận được phải có định hướng mới, và vị trí mình đang làm sẽ cần người giỏi hơn để thúc đẩy đội ngũ tiếp tục đi lên.
- Trước khi chấp nhận sự thay đổi, anh có sợ sẽ thất bại không và làm thế nào để bỏ qua nỗi sợ đó mà tiếp tục dấn thân?
- Sợ chứ! Nhưng phải chuẩn bị để sẵn sàng hơn thôi. Tìm hiểu về ngành đó, xem có làm được không. Tìm hiểu về người cùng làm, người sẽ hướng dẫn, người trực tiếp quản lý xem có cùng tiếng nói không.
Có một cách mình thường làm để biết có nên dấn thân hay không, đó là không được nhìn công việc ở góc nhìn mình là người đi làm thuê. Như thế thì không thể hết lòng được đâu. Dù không ai có thể hứa sẽ ở với doanh nghiệp cả đời và cũng không nên hứa vì chính mình cũng không biết được ngày mai sẽ suy nghĩ ra sao.
Nhưng khi còn làm việc ở vị trí nào đó thì phải làm việc hết mình, phát triển cho tổ chức và bản thân tới lúc mình thấy rằng công việc đó đã cũ, mình đã làm tốt và mãi mà mình vẫn chưa có sự đột phá tiếp theo.
"Tôi khuyến khích nhảy việc nếu công việc đó đang tới ngưỡng không thể phát triển hơn nữa, cơ hội dành cho mình không còn. Hãy chấp nhận thay đổi, thậm chí ngay cả khi lương của mình đang ở top rồi".
- Anh đi làm 9 năm, thay đổi 3 công ty, trung bình 3 năm một công ty. Anh có nghĩ nên nhảy việc nhiều như thế không, kể cả khi đang ở vị trí dẫn đầu? Khi biết mình được Primus đánh giá nằm trong top nhân sự cấp cao, anh có giới hạn hay đặt yêu cầu sự lựa chọn của mình?
- Mình khuyến khích nhảy việc nếu công việc đó đang tới ngưỡng không thể phát triển hơn nữa, cơ hội dành cho mình không còn. Hãy chấp nhận thay đổi, thậm chí ngay cả khi lương của mình đang ở top rồi. Nhiều người vì những lý do như đồng nghiệp, môi trường, lương bổng mà bỏ qua cơ hội tạo ra giới hạn mới cho bản thân. Như thế rất phí!
Khi cái duyên đưa mình tới những người cùng chí hướng, mình có duyên lành để được làm với những người giỏi. Nhưng sẽ tới lúc nào đó, duyên cạn, mình phải rời đi để gặp những người giỏi ở lĩnh vực khác.
Không chỉ thế, con người hay lắm, có thể làm được những thứ bản thân cũng không biết được đâu. Giống như câu "Cờ đến tay là phất" ấy, nhưng cái chính là hãy dũng cảm để cầm lấy lá cờ ấy và mạnh dạn tiến lên.
Giới hạn mình đặt ra không nằm ở quy mô công ty, vị trí, thu nhập, mà nằm ở ý nghĩa công việc. Đi làm không chỉ để kiếm tiền, đi làm còn để vui, thấy mình ý nghĩa hơn.
- Một nghiên cứu mới đây cho thấy người trẻ ngoài tìm kiếm công việc mức lương cao, còn yêu cầu công việc đó phụng sự được xã hội. Dường như rất phù hợp với mong muốn của anh. Trong những năm đi làm, anh có nhận được nhiều lời mời?
- Mình vẫn nhận được nhiều lời mời nhưng ở thời điểm hiện tại chưa cảm thấy cần rời đi. Đơn giản tự thấy bản thân vẫn còn giúp được các cộng sự cùng phát triển và mình cũng còn cơ hội học hỏi ở đây.
Có những lời mời khiến phải suy nghĩ như mức lương cao gấp đôi, thưởng hậu hĩnh, có vị trí cao trong các tập đoàn lớn. Rất hấp dẫn đó chứ!
Song mình có những cam kết ngắn hạn với nơi làm việc hiện tại, rằng phải hoàn thành rồi mới nghĩ tới chuyện nghỉ việc hay tìm cơ hội tiếp theo được.
Chỉ cần mình tử tế: Tử tế với đồng nghiệp, với công việc, với khách hàng, với lãnh đạo, với tổ chức thì cơ hội tốt sẽ không thiếu.
Bản thân mình không tự đặt mục tiêu cần đạt được, nhưng xác định mục tiêu nào nên đạt được, con đường nào cần đi và đội ngũ của mình có đủ sức làm điều đó không.
Con người sẽ đạt được và vượt qua nhiều thứ một cách bất ngờ, hơn cả cái mình nghĩ mình sẽ làm được. Hãy nhớ nhé, không có giới hạn nào cho top 1, hay không có ngưỡng nào mà không thể làm được nếu có đủ quyết tâm, cố gắng và dũng cảm.
- Khi rời một vị trí, một công ty, anh có thấy tiếc không?- Tiếc chứ, thế nhưng cái tiếc đó không dẫn tới hành vi là mình sẽ ở lại để cản trở sự phát triển của người ta hay lôi kéo đội ngũ của mình đi theo mình. Cái tiếc đó sẽ nằm lại ở những dư vị ngọt ngào mình từng có thôi.
Ở những công ty mình đã làm, mình đã thành công khi kết nối được với mọi người. Giờ dù mỗi người mỗi hướng, khi gặp lại nhau vẫn nói chuyện vui vẻ, liên lạc thường xuyên thì nghĩa là giá trị trong nhau vẫn còn nguyên.
Nếu một bạn trẻ đang phân vân không biết nên đi hay ở lại một công ty thì mình sẽ cho bạn quy trình gồm có 3 bước sau:
1 là muốn đổi việc chưa. Nghĩa là có tự thấy mình bão hòa, nên bước tiếp hay không.
2 là đã chuẩn bị sẵn sàng để đổi việc chưa. Hiểu đơn giản là đã có chuẩn bị về mặt tâm lý, dạng công việc, về sự ra đi của mình với đội ngũ. Cái chuyện làm theo luật, nộp đơn 30-45 ngày nghỉ thì mình không sai, nhưng chưa đủ tử tế đâu.
3 là đã có cơ hội mới chưa. Nghĩa là sau khi đi khỏi nơi đây, mình sẽ làm gì. Có thể làm việc tiếp ở một nơi khác, có thể nghỉ ngơi một thời gian, gì cũng được nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng.
"Thật ra cũng có những người phát triển tốt ở những ngành nghề không phải sở trường của bản thân, thậm chí không thích nó, nhưng rồi cứ mắc kẹt không dám bước ra khỏi, vì đã quen, vì gia đình định hướng, vì thu nhập. Mình ở ngoài nhìn vào chỉ thấy tội". |
Cái gì cũng cần làm với sự tử tế
- Ngoài công việc hiện tại, anh còn tham gia giảng dạy và hướng nghiệp. Chắc hẳn đã có nhiều bạn trẻ nhờ anh tư vấn về công việc, sự nghiệp?
- Nhiều lắm. Mình nhận được nhiều cuộc hẹn để hỏi lời khuyên về định hướng công việc hay chuyển việc. Nhưng nói thật là không bao giờ dám đưa ra lời khuyên nên hay không nên, vì mình không phải là các bạn. Mình không gặp những người các bạn gặp, không sống trong ngôi nhà bạn đã sống, không học ngôi trường bạn đã học.
Mình không thể đem trải nghiệm cá nhân để nói các bạn nên làm hay không. Mình quan tâm nhiều tới những việc như giá trị cuộc sống của bạn, điều gì khiến bạn thấy vui, bạn thích làm gì nhất.
Mình rất thích những chia sẻ ở tuổi 20 đừng nghĩ tới chuyện này chuyện kia, mà 20 hãy nghĩ tới công việc và công việc.
Nhưng nhìn nhận khách quan hơn, nếu đặt giá trị của mình là ở một vị trí đáng nể, có một mức thu nhập ai cũng mong muốn thì đúng công việc là điểm cân bằng và khiến ta thấy hạnh phúc. Hãy đi đúng trên con đường tới mục tiêu đó.
Có nhiều người hạnh phúc của họ không nằm ở chỗ đó. Mà ở chỗ tôi trải nghiệm được gì, tôi có ý nghĩ như thế nào đối với mọi người xung quanh, gia đình tôi có thời gian bên nhau...
Với mỗi người, định nghĩa về hạnh phúc khác nhau, sẽ có những quyết định khác nhau. Điều này quan trọng lắm. Không chỉ để bạn định hướng đời mình, mà còn khiến mình sống một đời an vui, thanh thản và tử tế.
- Có nhiều bạn trong giai đoạn đầu của cuộc đời vẫn cần có cha mẹ dẫn dắt định hướng, anh nghĩ về điều này thế nào?
- Mình không dám bảo đó là đúng hay sai. Nhưng nếu bên cạnh việc quan tâm, cha mẹ còn lắng nghe và hướng dẫn con xác định thiên hướng của mình, tạo điều kiện cho con tự lập thì đó không chỉ là thương mà còn là tử tế với con.
Khi mình có nhiều trải nghiệm, thường sẽ nghĩ người ít tuổi hơn mình còn non lắm. Mình cũng đã thấy có những người phát triển tốt ở những ngành nghề không phải sở thích của bản thân, thậm chí là không thích nó. Nhưng vì đã quen, vì truyền thống gia đình, vì thu nhập... mà cứ mãi loay hoay mắc kẹt. Mình nhìn vào thấy thương.
Để thay đổi cho hạnh phúc thì không ai giúp được mình đâu, chỉ có bằng nội lực của mình và sự tử tế với bản thân mới làm được thôi.