Đến nay, Bộ Tư pháp vẫn chưa ra quyết định bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng đối với tiến sĩ Lê Đình Vinh do có kiến nghị, khiếu nại về cá nhân ông.
Sáng 13/10, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Trong quá trình thi tuyển chức danh cấp vụ, Bộ không nhận được đơn thư khiếu nại. Nhưng khi có kết quả, Bộ nhận được đơn nặc danh.
Ông Lê Đình Vinh (đứng thứ 2 từ phải sang) và các ứng viên trúng cử trong đợt thi tuyển chức danh cấp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Ảnh: VietNamNet. |
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, làm việc với Ban Giám hiệu và Ban Thường vụ Đảng ủy của ĐH Luật Hà Nội.
Tiếp đó là một cuộc họp mở rộng với thành phần gồm Ban Cán sự Đảng của Bộ Tư pháp, Ban Giám hiệu trường này, Hội đồng thi tuyển lãnh đạo cấp vụ và một số đơn vị của Bộ Tư pháp và Ban Giám sát kỳ thi.
Ban Giám hiệu nhà trường khẳng định, đơn thư của một số cá nhân hoặc một bộ phận viên chức nào đó không mang tính chất xây dựng, không đại diện cho tập thể cán bộ viên chức, người lao động của trường.
Từ ngày 31/8 đến 1/9, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015. Ông Vinh cùng các ứng viên khác dự thi chức danh Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội do Bộ Tư pháp tổ chức.
Ông Trần Tiến Dũng cho biết, kỳ thi tuyển đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, công khai và khách quan theo đúng đề án. Các thí sinh và người trúng tuyển đáp ứng yêu cầu mà đề án đặt ra.
Ngày 13/10, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về mảng đào tạo, hiện nay, nhà trường đã phân công cho một phó hiệu trưởng phụ trách, cùng ba phó hiệu trưởng khác nữa đảm nhận các công việc khác, vì vậy hoạt động của ĐH Luật Hà Nội không bị ảnh hưởng.
“Tất nhiên, việc trường chưa có hiệu trưởng thì một số việc sẽ phát sinh thêm thủ tục. Vi dụ như đối với bằng tốt nghiệp, nếu phó hiệu trưởng ký sẽ phải báo cáo…”.
Từ ngày 31/8 đến 1/9, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp vụ năm 2015 đối với 3 chức danh: Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Đã có 8 ứng viên thi tuyển vào 3 chức danh.
Đối với chức danh Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, đã có 4 ứng viên tham gia. Sau ba 3 phần thi: Xây dựng đề án, bảo vệ đề án và trả lời câu hỏi tình huống, TS Lê Đình Vinh, Công ty luật TNHH Vietthink, đã vượt qua 3 ứng viên khác, trúng tuyến chức danh hiệu trưởng.
Theo Đề án Tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, yêu cầu đối với vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội là: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập; tổ chức hành nghề luật (luật sư, công chứng), kể cả tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tiêu chuẩn chung của vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cùng các vị trí thi tuyển khác là: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, năng lực quản lý, có khả năng đoàn kết, quy tụ đồng nghiệp, nhân viên; Am hiểu lĩnh vực công tác của vị trí thi tuyển; Đạt tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với yêu cầu của vị trí thi tuyển; Đủ tuổi giữ chức vụ hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ 5 năm, tính đến ngày 1/7. Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Chưa từng bị kết án; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức.
Tiêu chuẩn cụ thể đối với vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội: Có trình độ tiến sĩ luật trở lên; Có trình độ Cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương hoặc đang đi học hoặc đã được cử đi học Cao cấp lý luận chính trị; Thông thạo 1 trong 6 ngoại ngữ là các tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật; trường hợp ngoại ngữ thông thạo không phải là tiếng Anh thì phải có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp; Có trình độ tin học B hoặc tương đương trở lên; Đã tham gia quản lý cấp phòng, khoa hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ít nhất 3 năm (tính đến ngày 1/7).
Cũng theo Đề án này, trường hợp người đăng ký dự thi làm việc ở các cơ quan, tổ chức ngoài khu vực nhà nước thiếu tiêu chuẩn về trình độ Cao cấp lý luận chính trị, nếu trúng tuyển thì phải trả nợ xong trong nhiệm kỳ bổ nhiệm. Bộ Tư pháp sẽ tổ chức bồi dưỡng hoặc cử đi bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn về kiến thức quản lý hành chính nhà nước cho các trường hợp trúng tuyển vào các vị trí thi tuyển mà chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức này.