Với số lượng thí sinh đông và thực hiện trên phạm vi cả nước nên những sai sót ở kỳ thi THPT quốc gia 2015 khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cách xử lý những sai sót ấy gợi ra nhiều điều. Sự việc giám thị ký nhầm vào ô của người chấm thi tại điểm thi Đại học Yersin Đà Lạt (Lâm Đồng) là một thí dụ.
Trường hợp ký sai ở trên, hội đồng thi hoàn toàn có thể xin ý kiến Bộ GD&ĐT chấp nhận sự sai sót để các em tiếp tục làm bài thi, thay vì yêu cầu thí sinh chép lại đề (để ký lại) khi thời gian làm bài đã trôi qua 30 phút.
Phải chăng do tính chất quan trọng của kỳ thi nên một số nơi đã áp dụng các biện pháp quá cứng nhắc và máy móc khi xảy ra sự cố?
Thí sinh thi lại môn Toán ở ĐH Yesin rời phòng thi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nếu giám thị phòng thi báo cáo ngay sự việc lên Chủ tịch hội đồng thi để giải quyết, mọi việc có lẽ đơn giản hơn (so với tổ chức thi lại như hiện nay).
Còn nếu Hội đồng thi biết mà vẫn chấp nhận phương án chép lại đề và không bù giờ thì có lẽ hơi thiếu linh hoạt. Vẫn biết thông tin liên lạc trong giờ thi không thuận lợi nhưng không phải không thể.
Nếu giám thị (hoặc hội đồng thi) sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật mà không thông báo lên cấp cao hơn để kịp thời xử lý thì rất đáng trách. Bị phê bình ai chẳng sợ, nhưng vì sợ mà đẩy cái không thuận lợi cho người khác thì khó chấp nhận. Càng không thể chấp nhận khi “người khác” trong trường hợp này lại là những thí sinh non nớt, ngây thơ, trong khi thầy cô đứng trước mặt “quyền năng” ghê gớm vì đang nắm trong tay sự nghiệp và cả tương lai của các em.
Cho dù sau đó Hội đồng thi Đại học Đà Lạt đã cho các em thi lại, nói chung cũng hợp tình hợp lý, nhưng cách giải quyết sự cố lúc ban đầu như thế rất dễ tạo nên một vết hằn xấu xí trong tâm hồn trong trắng của các em. Nó là những lối mòn hoang dại dẫn tới cách làm việc, không những thiếu trách nhiệm mà còn ra sức đe nẹt cấp dưới, nịnh nọt cấp trên, đang phổ biến ở một bộ phận cán bộ hiện nay.