Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gian nan ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất

22 ngày trước, Hà Vy trải qua cuộc phẫu thuật lớn của đời mình để ghép gan. Lúc này, bé chỉ nặng 6,7 kg.

Bé gái một tuổi vui đùa cùng cha mẹ sau ca ghép gan Bé Hà Vy đã tiến triển tốt sau ca ghép nhận một phần gan từ người cha.

Tại khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong phòng cách ly đặc biệt, bé Trần Vũ Hà Vy (12 tháng, ở Mỹ Lộc, Nam Định) vui đùa trong vòng tay của cha mẹ.

22 ngày trước, Hà Vy trải qua ca phẫu thuật ghép gan. Lúc này, bé chỉ nặng 6,7 kg.

Anh Trần Văn Tuấn (27 tuổi, cha của bé) chia sẻ khi sinh ra, Hà Vy có biểu hiện da vàng. Vợ chồng anh đưa con đi khắp nơi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ phát hiện Hà Vy bị rối loạn chuyển hóa axit mật. Bệnh diễn biến tương đối nhanh, suy gan khi bé hơn 10 tháng tuổi.

Một tháng sau, bệnh nhi chuyển sang suy gan giai đoạn cuối. Lúc này, bác sĩ thông báo chỉ định ghép gan tuyệt đối. Nếu không kịp, bé gái sẽ tử vong.

ca ghep gan nho tuoi nhat Viet Nam anh 1
Bé Hà Vy đang được chăm sóc trong phòng đặc biệt sau 22 ngày ghép gan. Ảnh: Hà Quyên.

“Hai đêm thức trắng, tôi nghĩ về cơ hội của con. Vợ cũng muốn hiến gan, nhưng cô ấy phải có sức khỏe để chăm bé sau này. Tôi phải là người hiến”, anh Tuấn kể.

TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, kể trong số 13 ca ghép gan tại bệnh viện, 7 ca là mẹ hiến gan, còn lại là cô, dì, chú, bác, thậm chí cả bà. Đây là ca hiến gan đầu tiên từ bố.

“Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động và cảm kích, ông bố là quân nhân còn rất trẻ”, TS Hoa xúc động nói.

Ngày 1/4, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện, ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất và cân nặng nhỏ nhất ở Việt Nam được thực hiện.

TS.BS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại, cho biết kíp phẫu thuật hơn 40 người, làm việc suốt 12 tiếng, với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia ghép tạng tới từ Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital (Đài Loan, Trung Quốc).

“Ca này tương đối phức tạp so với 13 ca ghép gan trước, vì bệnh nhi chỉ năng 6,7 kg, những cuống mạch rất bé, khoảng 1,5 ml. Các bác sĩ phải nối dưới kính hiển vi điện tử. Tổ chức nhu mô của bé còn non, nếu chỉ một động tác làm thô bạo hoặc không đúng, sẽ thất bại ngay. Độ phức tạp sau mổ hậu phẫu cũng phức tạp hơn nhiều vì liều lượng thuốc, kháng sinh và theo dõi nối thông hay không rất phức tạp”, TS Hiền thông tin.

ca ghep gan nho tuoi nhat Viet Nam anh 2
TS Hiền và TS Hoa chia sẻ về ca ghép gan đặc biệt. Ảnh: HQ.

TS Đặng Ánh Dương, Phó khoa Ngoại, cho biết thêm trong phòng mổ, các bác sĩ phải cắt mạch máu tới ba lần để ghép lại. Sau mổ, bệnh nhi có nhiều rối loạn, phải hồi sức tích cực để bảo đảm chức năng sống và chức năng khối ghép.

“May mắn, chúng tôi đã làm chủ được vấn đề hồi sức. Sau ba ngày, bé tiến triển tốt, các kỹ năng sống bảo đảm, chức năng khối ghép có sự phục hồi nên các xét nghiệm đánh giá chức năng tiến triển tốt”, TS Dương chia sẻ.

Hiện tại, bé được theo dõi tại khoa Gan mật, bảo đảm chức năng sống, chống rối loạn điện giải, chống nhiễm trùng, dùng thuốc chống ức chế thải ghép, chống tắc mạch. TS Dương cho hay bé ăn tốt, không có nhiễm trùng và cơ thể thích nghi khối ghép, gan phát triển chức năng rất tốt. Khoảng 1-2 tuần tới, bé có thể ra viện.

“Trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ tự chủ hoàn toàn về mặt kỹ thuật, cố gắng hoàn thiện quy trình, bảo đảm chi phí hợp lý nhất để các em có cơ hội chữa bệnh”, TS Hiền khẳng định.

Bác sĩ Việt chia gan người chết não cùng lúc cứu sống hai bệnh nhân

Gan của người chết não được chia thành 2 phần, một ghép cho trẻ em, phần còn lại cho người lớn.



Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm