Hơn 3 tuần trôi qua sau ngày anh Dương Hồng Quý (40 tuổi, quê Ninh Bình) - hiến 6 tạng để cứu sống 5 bệnh nhân. Sáng 2/1, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời cảm ơn gia đình và kính tặng anh Dương Hồng Quý Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
Quyết định hiến tạng từ khi nghe câu chuyện của bé Hải An
"Bệnh nhân chết não do bị phình mạch não vỡ, điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai không kết quả. Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã làm thủ tục điều phối bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để hiến tạng", đó là những chỉ định cuối cùng của bác sĩ dành cho anh Dương Hồng Quý.
Nhưng để có được chỉ định ngắn gọn ấy, các bác sĩ đều biết rằng anh Quý và cả gia đình đã có bao trăn trở, dự định từ trước đó, khi anh còn sống và còn khỏe mạnh.
Khi nhắc lại những kỷ niệm về chồng, chị Hoàng Thanh Phương vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc khi lần cuối nắm tay anh, hôn anh và nhìn các bác sĩ đưa anh đi.
Nụ hôn cuối cùng của người vợ dành cho chồng trước khi hiến tạng. |
Chị Phương tâm sự: "Khi anh xem chương trình Điều ước thứ 7 về câu chuyện của bé Hải An hiến giác mạc, anh đã xuất hiện suy nghĩ hiến tạng khi ra đi, dù lúc đó còn rất khỏe mạnh".
Cuối năm 2018, căn bệnh đột ngột đến với anh Quý và đưa anh đi cũng rất nhanh và bất ngờ, chỉ trong hơn một tháng. Khi nằm viện điều trị, ý nguyện ấy một lần nữa được anh nhắc lại.
“Lúc ấy tôi đã gạt đi vì muốn để anh không phải suy nghĩ, để anh có nghị lực vượt qua bệnh tật mà sống tiếp. Nhưng đến khi anh không còn chút hy vọng, tôi là người tự quyết định để anh hiến tạng, để thực hiện di nguyện cuối cùng của anh. Tôi chỉ mong những người đã nhận tạng của anh luôn khỏe mạnh", giọng nói nghèn nghẹn, người vợ kể về quyết định của mình khi chồng đã hôn mê.
Giọt nước mắt của người ở lại
Nhớ lại khoảng thời gian hơn một tháng chăm chồng ở bệnh viện, cùng anh chiến đấu với bệnh tật, chị Phương chưa bao giờ khóc trước mặt anh Quý. Nhưng sau ba tuần kể từ ngày chứng kiến sự ra đi của anh, chị vẫn khóc mỗi khi đọc lại những thông tin viết về anh, mỗi khi có người hỏi đến anh.
Anh Dương Hồng Quý và gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Nói về cái nắm tay thật chặt và nụ hôn cuối dành cho chồng trước khi vào phòng mổ, chị Phương kể: “Bình thường chúng tôi sống tình cảm với nhau nên vẫn thường làm thế. Đặc biệt, anh hay bị giật mình khi ngủ nên tôi vẫn nắm tay anh. Những ngày anh ở viện, tôi cũng thường xuyên nắm tay anh để anh chợp mắt được".
Với chị, với các con, anh mãi mãi là người cha thương yêu và chăm cho con từ những điều nhỏ nhất từ việc cắt móng chân đến mắc màn cho con ngủ, hay những lần cả nhà ngủ chung phòng mỗi khi có dịp đoàn tụ. Những kỷ niệm về người chồng chắc chắn sẽ mãi vẹn nguyên trong ký ức của chị Phương, còn nghĩa cử cao đẹp của anh Dương Hồng Quý chắc chắc sẽ sống mãi với đời.
Chị Lê Thị Thủy - Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình - cho hay: "Theo quan niệm của nhiều người chết phải toàn thây nhưng thâm tâm tôi nghĩ, khi cho đi một bộ phận cơ thể để cứu sống người khác thì sự sống sẽ mãi kéo dài. Đôi mắt của họ vẫn dõi theo chúng ta, trái tim họ vẫn đập những nhịp đập đầy nhiệt huyết… Chúng ta chỉ không được nhìn thấy hình hài thì tại sao không để sự sống ấy kéo dài”.
Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 01 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim (6 ca hỗ trợ ghép ở các bệnh viện khác), 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.