NHỮNG NGƯỜI ĐI TÌM LẠI CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG
Nếu một ngày, ta bất ngờ mất khả năng cơ bản nhất như nói chuyện hoặc không thể tự mình ăn uống, cuộc sống bình thường sẽ trở thành niềm ao ước.
Khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, nơi nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông, đột quỵ tìm đến sau khi thoát khỏi "cửa tử". Kiên nhẫn và tỉ mỉ là hai điều cả bác sĩ và bệnh nhân đều cần để mong phần nào tìm lại cuộc sống bình thường.
Những 'liều thuốc' đặc biệt
Trong căn phòng rộng, không thiết bị hồi sức, chẳng thấy kim truyền hay thoảng mùi thuốc sát trùng, bác sĩ, kỹ thuật viên "bốc thuốc" và "kê đơn" cho bệnh nhân bằng những bài tập. Cầm đũa, chuyền vòng hay đẩy con lăn tưởng chừng là trò chơi của những đứa trẻ, ở đây đó là bài học khi tập vận động mạnh dành cho nhiều bệnh nhân nay đã ở tuổi 50, 60. Những vận động tưởng chừng đơn giản ấy khiến họ phải toát mồ hôi.
Là doanh nhân trẻ, đang điều hành công ty kinh doanh lớn, vậy mà chỉ sau cơn đột quỵ, anh Mai Phú Huấn (46 tuổi, ngụ quận 6) suy sụp vì liệt cả tay chân. |
Chiếc bàn lớn là nơi tập luyện của người đàn ông trung niên vừa trải qua cơn đột quỵ, người phụ nữ liệt nửa người sau tai biến, cậu thanh niên trẻ tuổi chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông… Mỗi người một câu chuyện, nhưng họ đều có điểm chung là trở về từ “cửa tử” và đang trong hành trình đi tìm lại cuộc sống bình thường cho chính mình.
Ông Vương Tiến Thanh (58 tuổi, ngụ quận 10) cho biết cách đây một năm, tỉnh dậy sau cơn tai biến xuất huyết não, ông bàng hoàng phát hiện tay chân mình không cử động được nữa. “Tôi sống hơn nửa đời người, nhưng đó lại là những ngày lê thê nhất trong cuộc đời, cảm giác bản thân như người bỏ đi, thậm chí, có lúc chỉ muốn chết”, ông tâm sự.
Ở tuổi 58, ông Vương Tiến Thanh đang tập luyện lại những động tác cơ bản nhất như luồng vòng tròn qua một sợi dây kẽm sau cơn tai biến cách đây một năm. |
Mỗi ngày, người đàn ông này cùng vợ vượt hơn 30 km đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tập vật lý trị liệu. Nhiệm vụ hôm nay của ông là phải đưa từng chiếc vòng tròn luồng qua một sợi dây kẽm. “Cái khó của bài này là phải cầm vòng sao cho chiếc vòng không được chạm vào sợi dây, không dễ đâu, tôi vẫn còn bị chạm nhiều lắm”, ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Mỹ Sương (57 tuổi), vợ ông Thanh, trở thành tài xế đưa đón chồng đi tập vật lý trị liệu mỗi ngày. |
Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường
Phòng tập Physical Therapy (PT - trị liệu vật lý) nằm ở cuối khoa có lẽ là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất. Đều đặn 9h sáng hàng ngày, kỹ thuật viên Trần Văn Nên lại bắt đầu buổi học bao gồm các bài tập dưỡng sinh cho bệnh nhân.
“Bệnh nhân đến với mình là khi họ đang rất buồn nên chúng tôi sẽ giúp họ hết mình. Kỹ thuật viên phục hồi chức năng phải là người tâm lý, vừa giúp bệnh nhân tập luyện vừa phải quan tâm họ như người thân của mình. Lâu lâu, chúng tôi còn cùng nhau đi karaoke, tổ chức tiệc”, kỹ thuật viên Trần Văn Nên chia sẻ.
Bài tập vận động khiến cả khu điều trị nhộn nhịp hơn, không có sự mệt mỏi, uể oải của cả kỹ thuật viên và bệnh nhân. Bởi họ cùng tập, cùng cười, cùng hát cho nhau nghe, dù đôi chân, cánh tay hay giọng nói chẳng còn được vẹn tròn như trước.
Kỹ thuật viên Trần Văn Nên hướng dẫn thực hiện các động tác cơ bản cho các bệnh nhân. |
Góc phòng, ông Cao Văn Đỏ (76 tuổi) vừa tập vừa cười với người "bạn thân" bên cạnh. Dù vậy, cả hai chưa bỏ sót động tác nào. Cơn nhồi máu não, cộng thêm chứng Alzmeiher (hội chứng suy giảm trí nhớ) là nguyên nhân khiến ông Đỏ phải vào đây. Cũng bởi thế, bệnh nhân này thường có người nhà đi cùng.
“Ngày đầu tiên đi tập, ông nhất quyết vịn chặt ghế không chịu đi. Chồng tôi phải khiêng một bên, anh rể khiêng một bên ghế đưa bố lên xe. Vậy mà, giờ đây, ông lại thích đi tập vì có nhiều bạn bè và rất vui”, chị Trần Thị Duyên (con dâu ông Đỏ) chia sẻ.
Ông Tiêu Tuấn Ca (69 tuổi, phải) và cụ Cao Văn Đỏ (76 tuổi, trái) là bạn thân với nhau trong phòng tập. |
Trong khi lớp học dưỡng sinh đang diễn ra sôi nổi, Võ Văn Vũ Linh (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đang nằm trên chiếc giường gần cửa ra vào, nhìn các cụ tập và cười nói: “Động tác nhìn thì nhẹ nhàng nhưng tôi cũng chưa thể tập nổi vì cái tay tôi chưa lành”.
Cách đây một năm, trong lúc làm việc, Linh bị chiếc máy đánh bóng cuốn cánh tay vào bên trong. “Cả đời này tôi cũng không bao giờ quên được khoảnh khắc cánh tay đau đớn bên trong chiếc máy oan nghiệt đó. Lúc ấy, bầu trời trước mắt tôi như sắp đổ sụp, mọi thứ quay cuồng. Tôi sợ mất cánh tay, sợ mình tàn phế, sợ cả gia đình không còn ai bao bọc”, chàng trai thở dài.
Võ Văn Vũ Linh (23 tuổi) đang được kĩ thuật viên hỗ trợ tập vật lý trị liệu sau tai nạn lao động cách đây một năm. |
May mắn, các bác sĩ đã bảo toàn được cánh tay cho Linh dù đường mổ vẫn để lại sẹo khoét sâu đến 3 cm. “Còn sống và còn cánh tay là may mắn lắm rồi. Tôi sẽ tập đến khi nào cánh tay cử động lại bình thường, còn trẻ mà, cứ hy vọng”, Linh nói.
Lớp học nói của cô Minh Hiền
Ở khoa Vật lý Trị liệu, trong một căn phòng luôn đóng cửa là nơi kỹ thuật viên Trương Thị Minh Hiền hàng ngày kiên nhẫn dạy bệnh nhân tập ăn, tập nuốt, tập nói. Đó là phòng Âm ngữ trị liệu (Speech Therapy).
Bệnh nhân đầu tiên của Minh Hiền trong chiều nay là bà Đinh Thị Đào (64 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Di chứng để lại sau ba lần tai biến khiến bà Đào không thể nói rõ ràng thành tiếng.
Việc học nói là thử thách lớn đối với các bệnh nhân như bà Đào. Kỹ thuật viên Minh Hiền hướng dẫn cho bệnh nhân phồng miệng thổi hơi vào bên trong chai nước sao cho hai má rung lên khi thổi. Động tác tưởng chừng "trẻ con cũng làm được" lại khiến cho bà Đào loay hoay, khó nhọc. Người đàn bà bất lực nhìn cô giáo cầu cứu.
Một tuần ba lần, bà Đinh Thị Đào được chồng chở đến bệnh viện để tập nói với kỹ thuật viên Minh Hiền. |
Minh Hiền khẽ lay bệnh nhân của mình, cười đùa: “Nếu rung má khó quá thì con chỉ cô tập thổi hơi như con nít chạy tàu xe, cô làm theo con như thế này”. Người đàn bà chăm chú nhìn khẩu hình miệng của kỹ thuật viên, lần này bà làm được.
Theo kỹ thuật viên Minh Hiền, âm ngữ trị liệu là lĩnh vực mới của Việt Nam, giúp những bệnh nhân tổn thương não có khả năng phục hồi khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói và những gì liên quan đến thanh quản.
Với các bác sĩ khác, họ có thể nhìn thấy kết quả điều trị của bệnh nhân sau ca phẫu thuật hay thời gian dùng thuốc. Còn đối với các kỹ thuật viên vật lý trị liệu, thành quả lao động của họ không thể thấy trong vòng một sớm một chiều. Thời gian điều trị và phục hồi chức năng của các bệnh nhân có thể được tính bằng tháng, bằng năm và thậm chí lâu hơn như thế nữa.
Vật lý trị liệu - hy vọng làm lại cuộc đời của bệnh nhân
Bên cạnh các bài tập phục hồi chức năng, khoa Vật lý trị liệu còn có các thiết bị chạy điện hỗ trợ giảm đau, gia tăng nhiệt nóng như sóng ngắn, hồng ngoại, laser… Máy kích điện sử dụng xung điện giúp người bệnh co cơ; máy kéo cột sống dùng khi bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, những bệnh nhân vừa phục hồi sau tai nạn giao thông hay viêm khớp, bệnh viện còn trang bị máy siêu âm điều trị giúp giảm kết dính bao khớp, giảm đau hiệu quả.
Các bệnh nhân được hỗ trợ điều trị bằng các máy vật lý trị liệu như thiết bị chạy điện hỗ trợ giảm đau, gia tăng nhiệt nóng như sóng ngắn, hồng ngoại, laser… |
BSCKII Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau một biến cố, nếu không phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ mắc các biến chứng nguy hiểm như co cứng khớp, co rút cơ, lở loét vùng tì đè và có thể chết vì những biến chứng đó. Người trải qua cơn đột quỵ, chấn thương sọ não, chỉnh hình, thần kinh,… đều là những đối tượng nên tập vật lý trị liệu.
“Tuy nhiên, người bệnh lại thường thích trị bằng thuốc hơn là tập luyện. Ở giai đoạn cấp các bác sĩ nội thần kinh, nội khoa rất quan trọng, nhưng đến giai đoạn sau thì phục hồi chức năng mới giữ vai trò chính, chiếm thời gian nhiều hơn là điều trị nội khoa”, bác sĩ Khoa nói.
Lớp học về phục hồi chức năng của bác sĩ Khoa để đào tạo kỹ năng cho các bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu tuyến dưới đều đặn mở hàng tuần. |
Ở khoa Vật lý Trị liệu, biến cố từ những vụ tai nạn giao thông, cơn tai biến đã khiến những bệnh nhân dù là giám đốc, kỹ sư đều phải bắt đầu học lại những điều cơ bản nhất như một đứa trẻ.
Bệnh tật, sự đau đớn chưa bao giờ là thứ những bệnh nhân ở đây và cả chúng ta lựa chọn. Nhưng họ vẫn luôn lạc quan mỗi ngày vì "mạng mình vẫn còn" và như thế vẫn còn cơ hội bắt đầu lại.