Tiệc Giáng sinh bị nhiều doanh nghiệp loại bỏ. Ảnh minh hoạ: Việt Hà. |
Cận kề Giáng sinh, Phương Anh (25 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa nhận thấy không khí lễ hội ở văn phòng. Cô và đồng nghiệp đành tự bật nhạc Noel, đeo tai nghe và thưởng thức một mình.
Năm nay, công ty cô áp dụng kế hoạch “Giáng sinh 3 không” - không trang trí, không quà tặng và không tiệc tùng.
Vài năm trước, doanh nghiệp của Phương Anh tổ chức tiệc Noel linh đình, bao gồm các trò chơi, quay số trúng thưởng tiền mặt. Nhân viên văn phòng này từng may mắn nhận 5 triệu đồng tiền thưởng dịp Giáng sinh năm 2022.
“Năm nay, chúng tôi có lẽ chỉ còn lời chúc của ban lãnh đạo”, Phương Anh thở dài nói.
Văn phòng của Phương Anh trở nên vắng lặng trong mùa Giáng sinh năm nay, khác hẳn với khung cảnh các năm trước. Ảnh: NVCC. |
Năm qua, “thắt lưng buộc bụng” vẫn là chiến lược được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong mùa lễ hội cuối năm nay. Khi công ty không còn trang trí hay tổ chức tiệc Giáng sinh, nhiều nhân sự tỏ ra thất vọng, chán nản, song một số cũng bày tỏ sự thấu hiểu và cảm thông.
Về phía hành chính - nhân sự, đại diện của bộ phận này cho biết không muốn tổ chức kiểu “chắp vá” với ngân sách eo hẹp, quyết định dồn vào dịp lớn hơn như YEP (year end party).
Nhân sự chỉ mong có thưởng Tết
Khác với Phương Anh, Khánh An (27 tuổi, quận 4, TP.HCM) vẫn thấy văn phòng mình được trang hoàng trước Giáng sinh một tháng. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng phần lớn đồ trang trí đều được tái sử dụng từ mùa lễ hội năm ngoái.
Bên cạnh hoạt động bài trí, công ty không tổ chức thêm tiệc tùng hay tặng quà nhân dịp Noel. Mặc dù không cần nhận quà từ phía doanh nghiệp, cô cũng muốn có thời gian vui chơi cùng đồng nghiệp sau thời gian dài căng thẳng chạy dự án.
Khánh An và đồng nghiệp chấp nhận phương án tự quây quần ăn uống dịp Giáng sinh. |
“Thú thật, trước đây, tôi từng không trân trọng những bữa tiệc Giáng sinh của công ty, cho rằng hoạt động này không cần thiết. Đến khi không còn nữa, tôi mới thấy tiếc”, Khánh An chia sẻ.
Để thúc đẩy tinh thần nhân sự, trưởng phòng của An kêu gọi tụ tập ăn uống trong đêm Giáng sinh. Chi phí cho buổi liên hoan sẽ chia đều cho tất cả thành viên.
Tuy buổi ăn uống tự phát không thể hoành tráng bằng tiệc tùng do công ty tổ chức, An và các đồng nghiệp đều tạm thời hài lòng với phương án này.
Tương tự, công ty của Mạnh Đạt (28 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng không trang hoàng văn phòng trong dịp Giáng sinh năm nay. Tiệc tùng hay quà cáp lại càng không có.
“Mong các bạn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” là lời của ban lãnh đạo công ty anh trong mùa lễ hội cuối năm.
Làm việc tại bộ phận kinh doanh, Đạt hiểu rõ tình hình bán hàng khó khăn trong năm nay. Vì thế, quyết định bỏ qua các ngày lễ của ban lãnh đạo là điều anh đã đoán trước.
“Tôi chỉ mong khoản thưởng Tết không bị ảnh hưởng nhiều. Nhân sự đi làm cả năm chỉ trông chờ vào phúc lợi tài chính này. Tiệc Noel có hay không, không quan trọng”, Mạnh Đạt nói.
Đây cũng là những lời an ủi, động viên của anh đối với một số đồng nghiệp khi họ tỏ ra buồn chán trước khung cảnh văn phòng im lìm, vắng lặng trong mùa lễ hội.
Công ty tái sử dụng đồ trang trí, gộp tiệc
Đến giữa tháng 11, Hoài Thương (31 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), phó phòng nhân sự tại một công ty khởi nghiệp, vẫn chưa nhận được chỉ đạo về việc tổ chức, trang trí Giáng sinh. Cô hiểu rằng ban lãnh đạo muốn cắt giảm hoạt động vui chơi, ăn uống này trong năm kinh tế ảm đạm.
Các năm trước, Thương thường nhận ngân sách 15-20 triệu đồng cho các hoạt động tập thể dịp Noel. Với số tiền này, cô thường chia 5-10 triệu đồng cho việc bài trí văn phòng, sử dụng số tiền còn lại làm phần thưởng cho các trò chơi củng cố tinh thần đoàn kết tại công ty.
“Năm nay, ngân sách là 0 đồng. Chúng tôi dự định mang những món đồ trang trí có sẵn trong kho ra để tái sử dụng”, Hoài Thương chia sẻ.
Dù cây thông, phụ kiện trang trí mà công ty giữ lại không đồng đều về chất lượng, có tình trạng hỏng hóc do bảo quản không đúng cách, phó phòng nhân sự này vẫn cho rằng “méo mó có hơn không”.
Bộ phận nhân sự đau đầu khi công ty cắt giảm ngân sách trang trí, tổ chức tiệc Noel. Ảnh minh hoạ: Duy Hiệu. |
Khác với Hoài Thương, công ty của chuyên viên hành chính nhân sự Kim Ngân (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) không cắt hoàn toàn chi phí trang trí, tổ chức tiệc Giáng sinh. Tuy nhiên, ngân sách bị giảm đến 70%, chỉ còn lại 7 triệu đồng.
Với ngân sách eo hẹp này, Ngân chỉ có thể bài trí một cách sơ sài, mua những phần quà nhỏ. Hơn nữa, trong quá trình chuẩn bị, cô cũng có khả năng phải co kéo chi phí, trả giá, thương lượng với nhà cung cấp.
Không muốn tổ chức Giáng sinh theo kiểu “cho có”, Kim Ngân đề xuất ý tưởng gộp tiệc Noel vào YEP và nhận được sự đồng ý của lãnh đạo.
“Năm nay Tết Nguyên đán tới sớm, thời gian tổ chức tiệc Giáng sinh và YEP khá cận kề. Nếu dồn ngân sách vào một dịp, tôi có thể làm một buổi liên hoan ra trò”, Kim Ngân giải thích.
Lúc này, nhiệm vụ của cô lại là trấn an và thúc đẩy tinh thần nhân sự. Ngân dự định chia sẻ chân thành với đội ngũ nhân viên, mong nhận được sự thông cảm và thấu hiểu.
Đồng thời, cô cũng dự định tiết lộ những phần thú vị, ấn tượng của YEP, hy vọng tạo ra sự háo hức, mong chờ, giúp nhân sự dễ dàng bỏ qua mùa Giáng sinh “3 Không”.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.