Vào một chiều tháng 10, Phương Thảo (quận Tân Phú, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
Đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là Gia Quân, nhân viên phòng nhân sự của Highlands Coffee, thông báo cô đã vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ ứng tuyển vị trí Trợ lý quản lý thương hiệu (Assistant Brand Manager).
Thư mời làm việc giả mạo được trình bày chỉn chu, thậm chí gắn cả logo và địa chỉ công ty. Ảnh: NVCC. |
Người đàn ông dò hỏi Phương Thảo một số thông tin cá nhân như địa chỉ, kinh nghiệm làm việc. Người này còn “vẽ” ra một bức tranh hấp dẫn về công việc với mức lương tới 22 triệu đồng/tháng và địa điểm làm việc thuận lợi.
“Lúc đó, tôi cũng hơi bất ngờ vì chưa từng nộp đơn vào Highlands Coffee”, nhân viên truyền thông 25 tuổi kể lại. Cô cũng thắc mắc đầu dây bên kia đã lấy được thông tin liên hệ từ đâu.
Đáng chú ý, đây không phải trường hợp hi hữu. Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, trong bối cảnh thị trường tuyển dụng cạnh tranh gay gắt tại TP.HCM, nhiều ứng viên tìm việc trở thành mục tiêu của các đối tượng giả danh nhà tuyển dụng, sử dụng những lời mời hấp dẫn qua điện thoại để lừa đảo.
Dù bị thu hút bởi mức lương cao hay vị trí hấp dẫn, một số người kịp thời nhận ra các dấu hiệu gian dối tinh vi, như yêu cầu thực hiện bài kiểm tra trên ứng dụng lạ, đòi hỏi cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân hoặc gửi email thiếu tính chuyên nghiệp.
Tỉnh táo trước bẫy tuyển dụng
Sau khi nhận được cuộc gọi từ người xưng tên Gia Quân, Phương Thảo nhanh chóng nhận ra những điểm đáng ngờ.
Cụ thể, người đàn ông yêu cầu cô làm bài kiểm tra tính cách MBTI trên ứng dụng Signal. Với kinh nghiệm ứng tuyển, cô hiểu rằng không có công ty uy tín nào yêu cầu ứng viên tải ứng dụng lạ để làm bài test.
Để xác minh, cô hỏi Gia Quân liệu anh có phải là HRBP (Human Resources Business Partner) hay không, và nhận được câu trả lời khẳng định. Điều này càng khiến cô tin chắc đây là một chiêu trò lừa đảo, vì đối tác chiến lược nhân sự là vị trí quản lý cấp cao trong phòng nhân sự, thường không tham gia trực tiếp vào việc phỏng vấn ứng viên.
Sau khi cúp máy, cô chủ động vào LinkedIn tìm kiếm thông tin về vị trí công việc kể trên ở Highlands Coffee và liên hệ với chuyên viên tuyển dụng của công ty để xác minh. Kết quả, phía công ty xác nhận không có nhân viên nào tên Gia Quân và công ty không yêu cầu ứng viên làm bài test MBTI trên ứng dụng Signal.
Vài ngày sau, Phương Thảo bất ngờ nhận được cuộc gọi từ shipper thông báo có đơn hàng quần áo giao đến nhà, dù cô chưa hề đặt mua. Cô nghi ngờ thông tin cá nhân của mình đã bị rò rỉ từ cuộc gọi lừa đảo trước đó.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên Tri Thức - Znews đã liên hệ với Highlands Coffee nhưng đại diện công ty từ chối trả lời.
Thuý phát hiện ra công ty HiPT dùng logo giả mạo, địa chỉ công ty cũng là địa chỉ cũ từ năm 2012. Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Thúy (quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận hành, quản lý mua hàng, cũng gặp phải tình huống tương tự khi đang tìm kiếm công việc mới.
Sau khi cập nhật hồ sơ xin việc trên một số trang web tuyển dụng uy tín, nhân sự 39 tuổi nhận được một cuộc gọi từ số lạ.
Đầu dây bên kia tự giới thiệu là đại diện của HiPT, một tập đoàn công nghệ thông tin có trụ sở tại Hà Nội, và thông báo đã xem CV của cô ứng tuyển vị trí Trưởng nhóm vận hành (Operation Manager).
Đáng chú ý, họ nắm rõ cả chức danh lẫn mức lương mong muốn của cô, hoàn toàn trùng khớp với thông tin trong CV đăng trên các nền tảng tuyển dụng. Ban đầu, cô nghĩ đây là một nhà tuyển dụng thực sự đã tiếp cận hồ sơ của mình. Tuy nhiên, giọng điệu trả lời "nhanh như thuộc lòng" của người gọi khiến cô bắt đầu nghi ngờ.
"Họ nói rất chi tiết về tên công ty, địa chỉ và ngành nghề kinh doanh, ban đầu tạo cảm giác đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu gửi email xác nhận, nội dung email không có footer, chữ ký hay thông tin liên lạc. Thật lạ khi một tập đoàn lớn lại gửi email thiếu chuyên nghiệp như vậy", cô kể lại.
Nguyễn Thúy thử tìm kiếm tên công ty trên Internet và nhận thấy nhiều điểm bất thường. Cô phát hiện logo và địa chỉ hiện tại của công ty không trùng khớp với thông tin trong email từ "nhà tuyển dụng".
"Đó là thông tin từ năm 2012, hiện công ty đã thay đổi địa chỉ và logo", Thúy cho biết.
Trước những dấu hiệu đáng ngờ, cô quyết định chặn số điện thoại liên lạc. Giống như Phương Thảo, Thúy nghi ngờ thông tin cá nhân của mình có thể bị rò rỉ từ các trang web tuyển dụng.
Doanh nghiệp bị 'vạ lây'
Thu Duyên (27 tuổi), thuộc bộ phận tuyển dụng của một công ty sản xuất tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết doanh nghiệp của cô cũng nằm trong số nhiều công ty bị giả mạo.
Thời gian qua, một số người lao động đã liên hệ trực tiếp với công ty để xác minh thông tin. Không ít người thậm chí bị lừa số tiền 200.000-500.000 đồng với lý do "đặt cọc đồng phục".
Nhân viên tuyển dụng cảnh báo rằng tình trạng giả mạo công ty để lừa đảo đang diễn ra phổ biến, không chỉ nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân mà còn trục lợi tiền bạc.
"Khi phát hiện có đối tượng giả mạo công ty để đăng tin tuyển dụng, chúng tôi lập tức tiến hành xác minh. Sau đó, công ty đã đăng bài đính chính trên website và fanpage, đồng thời cung cấp hướng dẫn giúp ứng viên nhận diện tin giả", cô cho biết.
Bằng chiêu bài "thả thính" với mức lương hấp dẫn và vị trí tốt qua điện thoại, người lừa đảo giăng bẫy những người tìm việc nhẹ dạ cả tin. Ảnh minh họa: Resume Genius/Pexels. |
Để tránh rơi vào "bẫy" của những kẻ lừa đảo, Thu Duyên khuyến nghị ứng viên nên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo sau:
- Yêu cầu làm bài kiểm tra trên ứng dụng không rõ nguồn gốc: Các công ty uy tín thường không yêu cầu ứng viên tải ứng dụng lạ để làm bài test.
- Hẹn phỏng vấn tại địa điểm không phải văn phòng công ty: Ứng viên nên kiểm tra địa chỉ công ty trên website chính thức trước khi đến phỏng vấn. Nếu địa điểm được hẹn khác với địa chỉ này, hãy gọi xác minh qua số điện thoại chính thức của công ty.
- Yêu cầu cung cấp thông tin căn cước công dân (CCCD): Theo pháp luật, công dân không bắt buộc phải cung cấp thông tin CCCD trừ khi có yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Email phỏng vấn thiếu tính chuyên nghiệp: Hãy kiểm tra tên miền email (ví dụ: @abc.com) để đảm bảo khớp với website chính thức của công ty. Trước khi nhấp vào bất kỳ đường link nào trong email, cần kiểm tra kỹ để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, ứng viên cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ về công ty, so sánh thông tin tuyển dụng trên các trang web uy tín, liên hệ với công ty để xác minh và tham gia các hội nhóm tuyển dụng uy tín.
Nhân sự HR cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ ứng viên phòng tránh lừa đảo. Theo đó, doanh nghiệp nên chủ động thông báo rộng rãi trên các kênh truyền thông chính thức mỗi khi phát hiện trường hợp giả mạo.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.