Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục cảm xúc cho trẻ trở nên quan trọng hơn sau đại dịch

Những tác động từ dịch Covid-19 cùng việc giãn cách xã hội trong thời gian dài đã mang đến ảnh hưởng lên tâm lý của trẻ, nhất là với các em ở tuổi vị thành niên.

Theo Washington Post, đại dịch đã gây nên các tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em, thanh thiếu niên. Ngay khi học sinh trở lại trường, chương trình giáo dục cảm xúc xã hội đã nhanh chóng được thiết lập trở lại và hỗ trợ các em nhằm tìm kiếm giải pháp cho sự mất cân bằng cảm xúc, tâm lý vì dịch bệnh.

Đại dịch mang đến nhiều vấn đề

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trẻ em bị trầm cảm, chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề đã tăng hơn 30% trong thời điểm diễn ra đại dịch (từ 2020 cho đến nay) so với trước dịch.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia tại đại học Ottawa (Canada) chỉ ra rằng số trẻ gặp vấn đề tâm lý (lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống…) trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với ước tính trước đại dịch.

Thời lượng mà thanh thiếu niên dành cho màn hình điện thoại (tivi, máy tính bảng...) là hơn 7 giờ, cao gấp đôi với lúc trước dịch, mức độ béo phì cũng tăng vọt.

Những con số này khiến nhiều nhà nghiên cứu xã hội cũng như các chuyên gia trong ngành giáo dục lo lắng về tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ thời đại dịch.

Tre can giao duc cam xuc sau dai dich anh 1

Nghiên cứu chỉ ra trẻ gặp các vấn đề tâm lý nhiều hơn sau đại dịch. Ảnh: NPR.

Trong một nghiên cứu khác từ Trung tâm nghiên cứu Pew, khi tìm hiểu áp lực mà thanh thiếu niên lứa tuổi 12-17 phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, 28% thanh thiếu niên chia sẻ gặp vấn đề khi hòa nhập xã hội.

Điều này trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch bùng phát khi trẻ mất các kết nối với bạn đồng lứa. Những mất mát do đại dịch gây nên cộng hưởng với việc phải dồn nén cảm xúc, thiếu sự chia sẻ hay giao lưu cùng bạn bè khiến vấn đề tâm lý của nhiều trẻ vị thành niên càng thêm nặng nề.

Trong khi đó theo NPR, trẻ nhỏ tuổi hơn gặp vấn đề tâm lý khi sức khỏe các em bị ảnh hưởng sau dịch. Nhiều trẻ không thể hoạt động vui chơi như trước vì phổi có vấn đề khiến chúng trở nên rụt rè, ít nói hay thu mình hơn khi giao tiếp.

Các trẻ nhỏ tuổi hơn cũng phải đối phó với sự bức bối trong dịch và chúng phải làm quen trở lại với môi trường xung quanh khi đến học trực tiếp. Việc đến trường đã diễn ra một thời gian dài, song để khiến trẻ thật sự thoải mái khi học trên lớp, các thầy cô cũng mất thời gian khá dài.

Đại dịch đã tạo ra những điều kiện có thể làm trầm trọng thêm những cảm giác tiêu cực. Với việc đóng cửa trường học và học tập từ xa, trẻ em bị mất tương tác với bạn bè, cô lập xã hội và tìm kiếm được sự giúp đỡ từ những người lớn có khả năng hỗ trợ như giáo viên hay huấn luyện viên.

Tre can giao duc cam xuc sau dai dich anh 2

Kết nối tại trường học là một trong những kênh quan trọng để trẻ có thể phát triển kỹ năng xã hội. Ảnh: Eumoschool.

Theo CNN, những thay đổi này có thể góp phần làm tăng các triệu chứng của bệnh trầm cảm, chẳng hạn như cảm giác buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động và gián đoạn cảm giác thèm ăn và ngủ.

“Lũ trẻ thậm chí mang sự căng thẳng tích tụ trong suốt đại dịch đến trường”, Olga Acosta Price, giám đốc Trung tâm Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Mỹ chia sẻ trên NPR.

Sự hỗ trợ tại trường học

Chương trình giáo dục cảm xúc xã hội (SEL) đã được triển khai tại Mỹ trong vài năm trở lại đây. Chương trình này nhằm giúp trẻ em, thanh thiếu niên có thể có “kiến thức, thái độ cùng kỹ năng cần thiết để quản lý cảm xúc, cảm nhận, thể hiện sự đồng cảm với người khác, duy trì các mối quan hệ tích cực và đưa ra quyết định có trách nhiệm”.

Việc đưa SEL vào giáo dục đã được các trường tại Mỹ phổ biến từ bậc mầm non đến trung học. Đây là cách nhằm giúp trẻ phát triển được năng lực quản lý cảm xúc từ sớm, phần nào hỗ trợ trong quá trình điều trị tâm lý.

Trẻ em sẽ được tham gia các buổi trò chuyện, cách tương tác, kỹ năng xử lý tình huống hoặc các lớp học lắng nghe, chia sẻ về cảm xúc cả tích cực lẫn tiêu cực như niềm vui, sự bất ngờ, cơn giận, nỗi buồn hay lo âu,...

Theo đó, chương trình này sẽ mang đến sự hỗ trợ cho những trẻ đang gặp vấn đề tâm lý và giúp các em khác có thể xử lý hay phần nào kiểm soát được những vấn đề về tâm lý nếu có xảy ra trong tương lai.

Trong khi đó, khi các trường học tại Canada được mở cửa lại, các phòng hỗ trợ tâm lý cho học sinh được quan tâm nhiều hơn. Theo các chuyên gia tại đây đánh giá, bên cạnh gia đình, trường học là điểm tựa cho nhiều thanh thiếu niên.

Tre can giao duc cam xuc sau dai dich anh 3

Trẻ mầm non tham gia các lớp chia sẻ cảm xúc tại bang Michigan (Mỹ). Ảnh: NPR.

“Có tới 80% thanh thiếu niên dựa vào các dịch vụ và nguồn lực tại trường học để giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tâm thần của mình. Nếu trường học bị đóng cửa, nhiều em cần sự giúp đỡ có thể cảm thấy không có nơi nào để tiếp cận, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, Sheri Madigan, nhà tâm lý học lâm sàng và Giám đốc Phòng thí nghiệm Phát triển Trẻ em tại Đại học Calgary (Canada) chia sẻ với CNN.

Một số nước châu Âu như Italy, Phần Lan, Hà Lan, Đức... cũng chú trọng đến việc hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên vượt qua ảnh hưởng tâm lý sau dịch. Dự án EUMOSCHOOL do Ủy ban châu Âu phát triển nhằm đưa chương trình giảng về giáo dục cảm xúc vào môi trường học đường.

EUMOSCHOOL định hướng vừa thúc đẩy sự lành mạnh trong lớp học vừa ngăn ngừa những ảnh hưởng tâm lý ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đó là một phần của các phương pháp phòng ngừa sớm các bất ổn tâm lý và dựa trên giả định khoa học nói rằng, việc làm chủ tốt thế giới cảm xúc của bản thân sẽ tạo thành một yếu tố bảo vệ cho con trẻ.

Tại Phần Lan, các tiết học chia sẻ cảm xúc, hỗ trợ giải quyết các tình huống có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu hay các cơn giận được xen kẽ vào các tiết học chính khóa. Việc tiếp xúc với thiên nhiên hay các lớp học thể chất cũng được lên giáo án nhằm giúp trẻ giảm bớt những căng thẳng và các vấn đề tâm lý sau đại dịch.

Ở Italy, hỗ trợ cảm xúc và giáo dục cảm xúc được đưa vào các trường ngay từ sớm. Các em học sinh được học về cách thấu hiểu cảm xúc, những ảnh hưởng và cách giải quyết những căng thẳng tâm lý nếu có. Chưa kể, trẻ em, thanh thiếu niên tại quốc gia này cũng được hướng dẫn cách kết nối, tìm kiếm sự hỗ trợ khi bản thân chịu những áp lực về tâm lý hay có nhiều cảm xúc tiêu cực bị đè nén.

Trẻ em hay thanh thiếu niên tại Hà Lan tham gia nhiều lớp thực hành thiền định, cách nhận biết và thấu hiểu cảm xúc, xử lý những tình huống căng thẳng, phát triển các mối quan hệ cá nhân cũng như cách giữ được thói quen lành mạnh trong cuộc sống.

Theo EUMOSCHOOL, tất cả những lớp học về cảm xúc xã hội đều hướng đến tạo nên một thế hệ khỏe mạnh về sức khỏe tâm thần và luôn tìm kiếm được các nguồn hỗ trợ ngay khi cần thiết.

Tại sao phụ huynh Đông Á nuôi con tốn kém nhất?

Nuôi con tại Hàn Quốc là đắt đỏ nhất thế giới và Trung Quốc đứng thứ 2. Nhật Bản cũng nằm trong danh sách 14 quốc gia có chi phí này cao nhất toàn cầu.

Hóa giải nỗi lo đi học thời Covid-19

Hơn 9 tháng ở nhà với lịch trình sinh hoạt thoải mái, khi trở lại lớp, trẻ có thể bị sốc tâm lý trước những rào cản về sức khỏe thể chất - tinh thần lẫn việc học.

Giáo dục cảm xúc được đẩy mạnh tại các trường học trên thế giới

Theo Đại học Quốc gia Mỹ, việc học tập cảm xúc giúp cải thiện kết quả học tập ở trẻ em, hạn chế bắt nạt, giảm tỷ lệ bỏ học và xây dựng nhân cách.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm