Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục cảm xúc được đẩy mạnh tại các trường học trên thế giới

Theo Đại học Quốc gia Mỹ, việc học tập cảm xúc giúp cải thiện kết quả học tập ở trẻ em, hạn chế bắt nạt, giảm tỷ lệ bỏ học và xây dựng nhân cách.

Giáo dục cảm xúc đã trở nên quan trọng và quen thuộc trong giáo án dạy học ở nhiều nước trên thế giới. Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Mỹ, việc giáo dục và hỗ trợ những vấn đề cảm xúc cho trẻ ngay từ sớm giúp chúng cải thiện được phần nào bất ổn tâm lý khi bước vào giai đoạn dậy thì.

Sự cần thiết của giáo dục cảm xúc

Các nghiên cứu của Đại học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng trẻ em đang ngày càng gặp nhiều vấn đề tâm lý hơn thế hệ trước, phần lớn là vì sự phát triển quá nhanh của công nghệ.

Khi bước vào tuổi dậy thì, với những thay đổi nhanh chóng về tâm lý, chúng phải vật lộn với ảnh hưởng mới sẽ định hình con người chúng trở thành. Mặt khác, không ít trẻ trải qua giai đoạn thay đổi sinh lý và những khoảnh khắc này được lưu giữ lại trên mạng xã hội.

tre hoc ve cam xuc anh 1

Giáo dục cảm xúc đang trở nên quan trọng trong giáo án các trường tại Mỹ và châu Âu. Ảnh: AP.

Một nghiên cứu khác từ Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng giới trẻ đang ngày càng mang trong mình nhiều nỗi lo hơn. Cứ 10 thanh thiếu niên (13-17 tuổi) thì có 7 em cho rằng lo lắng và trầm cảm là những vấn đề lớn đối với các bạn cùng lứa tuổi. Cũng trong khảo sát này, cho thấy 6/10 trẻ cảm thấy áp lực phải đạt điểm cao trong khi gần 3/10 cảm thấy áp lực phải có ngoại hình đẹp và hòa nhập với xã hội.

Học sinh ngày nay mất tập trung, bên cạnh việc phải có kết quả học tập tốt, chúng chịu nhiều áp lực khác và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều hơn bao giờ hết.

Vì điều này mà nhiều trường từ tiểu học đến trung học tại Anh, Italy, Phần Lan, Đan Mạch, Mỹ… đã đưa giáo dục cảm xúc trở thành một phần trong giáo án.

Tại châu Âu, dự án EUMOSCHOOL do Ủy ban châu Âu phát triển nhằm đưa chương trình giảng về giáo dục cảm xúc vào môi trường học đường.

Theo đó, EUMOSCHOOL là chương trình với định hướng vừa thúc đẩy sự lành mạnh trong lớp học vừa ngăn ngừa những ảnh hưởng tâm lý ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đó là một phần của các phương pháp phòng ngừa sớm các bất ổn tâm lý và dựa trên giả định khoa học nói rằng, việc làm chủ tốt thế giới cảm xúc của bản thân sẽ tạo thành một yếu tố bảo vệ cho con trẻ.

Trong khi đó, tại Mỹ, việc giáo dục cảm xúc được đẩy mạnh ở trẻ em và thanh thiếu niên khi chúng bị “choáng ngợp” sau những ảnh hưởng tồi tệ của đại dịch Covid-19.

Theo một khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, một trong những nguyên nhân gây nên các bất ổn tâm lý ở trẻ là việc liên tục phải chuyển đổi từ học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Trong đó, việc học online làm mất nhiều kết nối xã hội thực sự khiến việc chia sẻ ở giới trẻ càng thêm khó khăn.

Giáo dục cảm xúc đã được nghiên cứu và đưa vào trường học (trẻ 6-16 tuổi) như một phương pháp hỗ trợ, nhằm hỗ trợ trẻ và giúp chúng giải quyết những khó khăn về mặt cảm xúc.

Giáo dục cảm xúc để giảm bớt những áp lực tâm lý

Nghiên cứu từ Trung tâm Trí tuệ cảm xúc Yale và Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em tại Trường Y Yale chỉ ra thực tế rằng để trẻ em thành công trong học tập, các nhu cầu khác của chúng cũng phải được đáp ứng, bao gồm nhu cầu xã hội và tình cảm.

Theo đó, ngoài gia đình, việc giáo dục cảm xúc thường do các chương trình giáo dục thường ở trường học thực hiện. Đây được xem là phương pháp giáo dục toàn diện nhằm đảm bảo một đứa trẻ có đủ những gì chúng cần để có thể học và phát triển, ngay cả khi những thứ đó nằm ngoài vai trò truyền thống của một trường học.

Đại học Quốc gia Mỹ thống kê tại nhiều trường, chương trình học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên nhằm giúp các em có được các năng lực cốt lõi, bao gồm: Tự nhận thức, quản lý bản thân, nhận thức xã hội, kỹ năng quan hệ và đưa ra quyết định có trách nhiệm.

Theo đó, tự nhận thức là năng lực giúp trẻ nhận biết cảm xúc và cách chúng tác động đến hành vi, thừa nhận điểm mạnh và điểm yếu để tự tin hơn vào khả năng của chính mình.

tre hoc ve cam xuc anh 2

Trường học tại bang Michigan (Mỹ) cho trẻ học tập về cách nhìn nhận về cảm xúc bản thân. Ảnh: AP.

Quản lý bản thân là năng lực nhằm hỗ trợ các cá nhân kiểm soát và làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành động trong các tình huống khác nhau, cũng như thiết lập và làm việc hướng tới các mục tiêu.

Về nhận thức xã hội, năng lực mà trẻ cần có là khả năng đặt mình vào vị trí của một người khác với nền tảng văn hóa xã hội khác với bản thân. Bên cạnh đó, việc thấu hiểu và có sự đồng cảm cũng như đảm bảo các nguyên tắc đạo đức khi cùng chung sống trong gia đình, trường học và cộng đồng cũng được ưu tiên.

Với kỹ năng quan hệ, trẻ sẽ được học và hướng dẫn về khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh với mọi người. Năng lực này tập trung vào việc lắng nghe và có thể giao tiếp với người khác, giải quyết xung đột một cách hòa bình và biết khi nào cần yêu cầu hoặc đề nghị giúp đỡ.

Giúp trẻ hình thành thói quen đưa ra quyết định có trách nhiệm cũng được nhiều trường học chú trọng. Chúng sẽ được học cách lựa chọn phương thức hành động hoặc phản ứng với một tình huống dựa trên sự cân nhắc về tính an toàn, nguyên tắc đạo đức, hậu quả và hạnh phúc của người khác cũng như bản thân.

Hiện, ở một số trường tại Mỹ, giáo dục cảm xúc đang hỗ trợ chữa lành những ảnh hưởng tâm lý của trẻ sau đại dịch thông qua hình thức chia sẻ và đối thoại.

6 lý do đằng sau việc trẻ nói dối

Sợ bị phạt, muốn gây ấn tượng, phát huy trí tưởng tượng, không muốn cha mẹ buồn có thể là những lý do khiến trẻ nói dối.

Học sinh lớp 1 lần đầu tới trường khi năm học sắp kết thúc

Sáng 6/4, các em học sinh lớp 1 ở Hà Nội lần đầu được đặt chân tới trường khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm học.

Mở cửa trường tiểu học, sao vẫn bắt trẻ mầm non ở nhà?

Đây là câu hỏi của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non sau thông tin học sinh tiểu học lớp 6 ở Hà Nội đi học trở lại từ ngày 6/4.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm