Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ chậm nói, hay cáu gắt vì ở nhà thời gian dài

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân, trẻ có một số biểu hiện chậm nói, dễ cáu gắt, bực tức hoặc xuất hiện những cử chỉ, thái độ không tích cực do ở nhà thời gian dài.

Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, hai con nhỏ của chị Cao Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa được đến trường. Bé lớn của chị năm nay vào lớp 6, học online buổi sáng và chiều. Còn con trai nhỏ của chị (học lớp 2) lại học buổi tối.

Ban ngày, bố mẹ đều đi làm, anh lớn vừa học, vừa chăm em nhỏ. Mỗi ngày, cậu con trai nhỏ của chị đều tự chơi một mình. Nữ phụ huynh luôn trăn trở sức khỏe tinh thần của con. Chị Hà nhận định trẻ em phải hòa nhập với cộng đồng thì mới có thể phát triển toàn diện.

"Con ở nhà thời gian dài, bố mẹ chỉ khó khăn đi về cơm nước cho con. Những việc đấy, bố mẹ đều cố gắng được. Nhưng đối với trẻ em, học online kéo dài đã khiến chất lượng học của con không còn cao như trước. Con cũng không được giao tiếp với bạn bè, thầy cô, trở nên khép mình hơn. Tôi nghỉ ở nhà đã cảm thấy tù túng, chán nản, nhiều khi hay cáu gắt, các con cũng vậy", chị Hà nói.

Tre o nha thoi gian dai,  de cau gat anh 1

Con trai nhỏ của chị Cao Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) đã học online từ đầu năm học 2021-2022. Ảnh: NVCC.

Lo lắng về sức khỏe tinh thần của con

Thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, chị Hà đã thường xuyên tạo điều kiện để con vui chơi. Sau mỗi giờ học căng thẳng, con của chị Hà thường đọc sách, chơi cờ vua. Thi thoảng các bé sẽ nấu cơm ăn buổi trưa, hỗ trợ mẹ làm việc nhà hoặc ra sân bóng bên cạnh để chơi thể thao. Tuy nhiên, nữ phụ huynh vẫn mong muốn con được đến trường, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, học cách sống tập thể nhiều hơn.

Mong muốn này của chị Hà xuất phát từ khi nữ phụ huynh nhận ra những trạng thái tâm lý bất ổn ở con. Hai con của chị trở nên dễ bức bối, cáu gắt, thậm chí có hành vi, thái độ cư xử không đúng với bố mẹ. Nữ phụ huynh cho rằng việc ở nhà thời gian dài đã làm con cảm thấy bí bách, khó chịu.

Nhiều lần, nữ phụ huynh không thấy con ra ngoài chơi, nên mỗi khi đi làm về, chị Hà đều cố gắng "đuổi" con ra ngoài vận động. Chị Hà còn thường cùng con vui chơi để tránh tình trạng trẻ ù lì, không muốn ra ngoài.

Tre o nha thoi gian dai,  de cau gat anh 2

Chị Thu Hà luôn khuyến khích con trai ra ngoài vận động, chơi thể thao. Ảnh: NVCC.

"Cả nhà chúng tôi đều đã dương tính với nCoV và khỏi bệnh. Tôi nhận thấy dù con ở nhà thì vẫn không thể tránh khỏi việc mắc Covid-19 nên để con ở nhà thời gian dài là rất lãng phí, không có tác dụng gì cả. Chúng ta không thể tránh cho con cả đời được, bố mẹ nào cũng sợ con bị ốm thôi, nhưng con vẫn phải hòa nhập với cộng đồng thì mới có thể phát triển toàn diện được", nữ phụ huynh nói.

Chị Hà cho biết khi nhận được tin tức đi học trở lại, con trai lớn của chị đã chuẩn bị sẵn sàng và vui mừng rất nhiều. Tuy nhiên, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nên nhà trường lại thông báo tiếp tục học online. Mỗi lần như vậy, cả chị và con đều buồn.

"Tôi nghĩ một ngày con được đến trường vẫn tốt hơn là việc trẻ phải ở nhà quanh năm. Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng cho con đi học bất kỳ lúc nào", chị Hà nói.

Cùng cảnh ngộ, con của chị Thu Hoàn (quận Đống Đa) - gần 3 tuổi, cứ chuẩn bị đi học thì lại dịch nên chưa được đến lớp lần nào. Nữ phụ huynh cũng nhận ra những biểu hiện khác lạ của con khi ở nhà thời gian dài.

"Bây giờ, bố mẹ bận đi làm, không thể chăm sóc con 100% được, nên bé xem tivi nhiều. Không có bạn chơi cùng, ít giao tiếp và tiếp xúc với mọi người nên bé bị nhút nhát, chậm nói. Nhiều bé trong cùng độ tuổi với con tôi cũng gặp tình trạng như thế", chị Hoàn nói.

Thấy con có những biểu hiện không ổn, chị Hoàn đã đưa bé về quê để tiếp xúc với mọi người và đi học. Nữ phụ huynh nhận thấy con tiến bộ nhiều hơn, nên ủng hộ việc mở lại trường.

"Tôi chắc chắn rằng không có gia đình nào có thể đảm bảo 100% trẻ ở nhà mà không mắc Covid-19. Vì ở nhà có một người đi làm hay ra ngoài thôi là đã có thể mang nguồn lây nhiễm về rồi. Nếu ở nhà đã có nguy cơ nhiễm bệnh mà đi học cũng vậy thì sao không cho các con đến trường để được phát triển tốt nhất. Tôi chỉ mong các con sớm được đi học trở lại thôi", nữ phụ huynh nói.

Gia đình cần chia sẻ, đồng hành với trẻ

Chia sẻ với Zing, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân - Giám đốc Chương trình Tâm lý học ở ĐH Hoa Sen - cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ở nhà thời gian dài, do tình hình dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ cảm thấy căng thẳng, lo âu hoặc có những triệu chứng của trầm cảm.

Cụ thể, việc phải đối mặt với những thay đổi trong hình thức học tập và các mối quan hệ xã hội có thể khiến trẻ gặp khó khăn, cảm thấy cô độc hoặc căng thẳng khi bản thân không theo kịp tiến độ học tập. Bên cạnh đó, khi gia đình có vấn đề về sức khỏe, tài chính, trẻ cũng bị ảnh hưởng theo, đặc biệt với những bạn bị sang chấn liên quan đến mất mát người thân.

Ở nhà thời gian dài, trẻ sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội như một cách thức để giữ liên lạc với bạn bè. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc sử dụng không phù hợp có thể dẫn đến hành vi không lành mạnh trên mạng xã hội, thường xuyên so sánh bản thân với người khác, gia tăng vấn đề trầm cảm.

Theo ông Nguyễn Hồng Ân, tùy thuộc vào độ tuổi, những dấu hiệu của căng thẳng, lo âu ở trẻ sẽ khác nhau. Một số trẻ quấy khóc, cắn móng tay. Đây có thể xem là cách trẻ dùng để thể hiện những khó khăn trong cảm xúc, suy nghĩ của mình. Người lớn thường nói ra được những bực tức, căng thẳng nhưng đối với trẻ nhỏ, việc thể hiện này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Ông Ân đồng cảm với những phụ huynh có con gặp vấn đề chậm nói, khó đọc. Hai năm qua, một số trẻ nhỏ khi không được ra ngoài, hạn chế trong giao tiếp với mọi người nên dẫn đến hệ quả chậm nói, khó đọc. Nguyên nhân là trẻ thiếu môi trường để thúc đẩy sự phát triển của bản thân.

"Gia đình cần nhận ra những khó khăn mà trẻ đang gặp phải từ việc quan sát. Sau đó, phụ huynh cần nói chuyện, chia sẻ với khó khăn của con, giúp các bạn biết rằng bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ. Điều này cũng tạo điều kiện để bố mẹ hiểu con cái hơn và cải thiện khả năng giao tiếp trong gia đình", ông Ân nói.

Cũng theo ông Ân, phụ huynh không nên nhìn nhận những biểu hiện căng thẳng, lo âu của trẻ như tật xấu. Điều này sẽ làm bố mẹ bỏ qua cơ hội giao tiếp và hiểu con cái. Trong thời điểm hiện tại, phụ huynh gặp áp lực rất lớn khi vừa đi làm, vừa chăm con. Những thành viên trong gia đình cần chia sẻ và nhận sự hỗ trợ của nhau để giải tỏa bớt căng thẳng.

"Tôi hy vọng các địa phương cân nhắc sức khỏe tinh thần của trẻ em trước khi đưa ra quyết định về việc đi học trực tiếp trở lại hay không. Vì việc học online có thể có những tác hại đến các mối quan hệ và những kỹ năng mà chỉ trong môi trường học tập trực tiếp mới có được", ông Ân nói.

Trẻ bật khóc, 'xin mẹ giúp con' khi học online lâu ngày

Nhìn cậu con trai vừa tâm sự vừa khóc, xin "mẹ giúp con" vì không còn hứng thú học online, chị Quỳnh Ngân xót xa nhưng bất lực, không biết làm thế nào để giúp con.

Chi manh tien on thi IELTS hinh anh

Chi mạnh tiền ôn thi IELTS

0

Trước lợi thế của chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS là xét tuyển thẳng đại học, hồ sơ du học... nhiều học sinh, sinh viên đã đầu tư cho các khóa học khác nhau.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm