Nancy Snow là giáo sư thỉnh giảng xuất sắc về Chiến lược truyền thông tại ĐH Schwarzman thuộc ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) và trước đây là giáo sư về Ngoại giao công chúng toàn cầu tại ĐH Ngoại ngữ Kyoto (Nhật Bản).
Trong bài viết trên Nikkei Asia, bà Snow giới thiệu về Teruo Fujii, Hiệu trưởng của ĐH Tokyo, cùng bài viết gần đây của ông cho tạp chí Times Higher Education (THE) với chủ đề "ĐH Tokyo tái cơ cấu để phục vụ cho giáo dục thế giới bằng cách ươm mầm những cá nhân tài năng, những người có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề mang tính toàn cầu".
Trong đó, ông Fujii cũng đưa ra tầm nhìn mới cho trường từ khi bắt đầu đảm nhận vị trí hiệu trưởng vào năm ngoái - tạo ra tương lai đa văn hóa thông qua đối thoại. Nó bao gồm kế hoạch thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn và cung cấp nhiều khóa học hơn được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Ông Teruo Fujii đảm nhận vị trí Hiệu trưởng của ĐH Tokyo từ năm 2021. Ảnh: Asian Scientist Magazine. |
Bà Snow cho rằng sáng kiến như của ông Fujii có thể tạo ra sự khác biệt trong việc quốc tế hóa giáo dục đại học ở Nhật Bản.
Tăng cường đối thoại
Bà Snow từng là giáo sư tại ĐH Sophia (Nhật Bản) và giảng dạy tại ĐH Ngoại ngữ Kyoto trong 6 năm. Trong mắt bà, sự đa dạng và đối thoại không phải là những phẩm chất tiêu biểu của Nhật Bản. Bà Snow cho hay mình luôn phải đối mặt với tư duy đồng nhất của người Nhật và phải độc thoại trong lớp học trong quá trình giảng dạy tại Nhật Bản.
"Sau 2 thập kỷ giảng dạy cho sinh viên sau đại học và đại học ở Mỹ, việc đối thoại trong lớp học ở Nhật Bản khó như lên trời. Sinh viên Nhật Bản không có kinh nghiệm du học sẽ cảm thấy không quen với việc trao đổi trong lớp học của tôi", bà đánh giá và nói thêm rằng học sinh trung học Nhật Bản đã quen với việc giáo viên chỉ nói và không đặt câu hỏi.
Tìm hiểu về vấn đề này, bà Snow được sinh viên cho hay họ không có thông lệ việc đưa ra ý kiến về các vấn đề toàn cầu. Và ý kiến không được chấp nhận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Thanh niên Nhật Bản giỏi hơn trong việc học thuộc lòng. Do đó, họ hiếm khi bày tỏ suy nghĩ hoặc ý kiến cá nhân và luôn sợ bị đánh giá vì bày tỏ quan điểm khác biệt. Nhưng Nhật Bản lại rất cần những ý tưởng mới, theo bà Snow.
Trong bài viết của mình, bà Snow cho rằng GS Fujii có thể tăng cường sự đa dạng và đối thoại tại ĐH Tokyo bằng cách gửi ít nhất 10% sinh viên đi du học. Con số này ở hiện tại chỉ 4%. Việc tham gia nhiều hơn vào các chương trình du học sẽ làm thay đổi môi trường học tập. Tuy nhiên, trường đại học sẽ phải chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí để có thể tạo ra thế hệ đại sứ giáo dục toàn cầu tiếp theo.
Theo bà Snow, Nhật Bản chưa bao giờ là quốc gia đi đầu trong việc thiết lập đối tác toàn cầu trong kinh doanh và chính trị. Vì thế, bà cho rằng ĐH Tokyo, bằng mọi quyền, nên đi đầu trong việc tăng cường ghi danh vào các chương trình quốc tế về nghệ thuật, nhân văn và truyền thông, cũng như kinh doanh.
Tiếng Anh
Trong bài viết của mình, GS Fujii bày tỏ mong muốn các sinh viên quốc tế đến Nhật Bản học tiếng Nhật. Theo GS Snow, điều này là tốt, nhưng nó đặt ra một câu hỏi khác: Khi nào các cơ sở giáo dục đại học của Nhật Bản sẽ sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính của thương mại, chủ nghĩa kinh doanh, học bổng và xuất bản?
Tiếng Anh là công cụ quan trọng cho một công dân toàn cầu cũng như cho học bổng, các ấn phẩm nghiên cứu và tương tác với sinh viên quốc tế. Sự đầu tư về ngôn ngữ đã giúp các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc tiếp tục vươn lên trong bảng xếp hạng toàn cầu trong khi Nhật Bản tụt hạng.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của THE công bố tháng trước, chỉ 2 trường đại học của Nhật Bản trong top 200: ĐH Tokyo (hạng 30) và ĐH Kyoto (hạng 68). Cả 2 trường đều tụt bậc so với năm trước.
Trong khi đó, Trung Quốc đại lục có 11 đại diện trong top 200, dẫn đầu là ĐH Thanh Hoa ở vị trí thứ 16 và ĐH Bắc Kinh ở vị trí thứ 17, trong khi Hong Kong (Trung Quốc) có 5 trường trong top 200.
Bà Snow cho hay trong 15 năm giảng dạy tại ĐH Thanh Hoa, bà nhận ra sinh viên Trung Quốc quan tâm đến ngoại ngữ nhiều hơn bất kỳ sinh viên Nhật Bản nào.
"Không sinh viên Trung Quốc nào mà tôi từng gặp tại ĐH Thanh Hoa lo ngại rằng việc học tiếng Anh quá nhiều sẽ làm giảm văn hóa Trung Quốc hoặc khả năng tiếng Trung của họ. Nhưng ở Nhật Bản, tôi đã nhiều lần nghe mọi người bày tỏ lo lắng rằng việc sống khép kín ở nước ngoài sẽ làm loãng khả năng tiếng Nhật của một người", bà nói
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.