40 năm theo nghề giáo, cô Trịnh Thu Tuyết không nghĩ sẽ có ngày mình được học sinh cả nước biết đến dù chưa một lần gặp trực tiếp. Tất cả đều nhờ công nghệ và giáo dục trực tuyến.
“Khoa học kỹ thuật và dòng chảy cuộc sống luôn vận động không ngừng. Quan trọng là mình cần chủ động cập nhật từ cuộc sống xã hội đến công nghệ”, cô giáo 5X mỉm cười. Đó cũng là điều 2 thầy giáo thuộc thế hệ trẻ là Lưu Huy Thưởng (8X) và Nguyễn Trung Nguyên (9X) tâm niệm.
Cái duyên dạy học trực tuyến đến với cô Trịnh Thu Tuyết từ cuối những năm 2000. Thuở ấy, khái niệm “giáo dục trực tuyến” với cô đơn giản chỉ là ghi hình lại các tiết dạy trên lớp học truyền thống. Tất cả việc cô cần làm là vẫn dạy như bao năm qua với phấn, bảng, học trò và được tổ ghi hình của Hệ thống Giáo dục Hocmai ghi lại bài giảng.
Với cách làm ấy, cô nhận thấy khá nhiều hạn chế: “Vì ghi hình trực tiếp tại lớp nên lẫn nhiều tạp âm. Những việc đơn giản như xóa bảng cũng tự tay tôi làm nên không được chuyên nghiệp như nhóm quay video sau này của Hocmai” - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ.
Cùng với thời gian và sự cải tiến của công nghệ, những tạp âm khi xưa được khắc phục trong studio chuyên nghiệp, máy quay đời mới, slide trình chiếu đa dạng hiệu ứng, bảng lau sạch tinh sau mỗi đúp ghi hình... Vừa làm quen công nghệ mới, chuẩn bị tâm thế để dạy trước ống kính với hàng trăm, hàng nghìn học sinh, cô Tuyết còn phải thay đổi cả cách soạn giáo án.
“Trước khi ghi hình một khóa học, tôi phải thống nhất với nhóm nội dung của Hocmai khối lượng kiến thức và lộ trình ôn tập. Điều kiện tiên quyết là kiến thức truyền đạt phải đúng, đủ và hợp với từng nhóm học sinh. Kiến thức cơ bản không thay đổi, nhưng vì hạn chế tương tác nên giáo viên phải tìm một hệ thống kiến giải đủ để học sinh tự hiểu và ghi chép bài được”, cô Tuyết chia sẻ.
Để khắc phục những hạn chế của học trực tuyến, cô Tuyết đã áp dụng những cách không kém phần hi-tech như tính năng hỏi bài, group học tập, livestream hay trao đổi qua inbox. Làm quen và vận dụng nhuần nhuyễn các thành quả công nghệ ấy, cô nhận thấy “so với 10 năm trước, những hạn chế của học trực tuyến gần như đã được khắc phục về cơ bản”.
Không dạy học trực tuyến sớm như cô Tuyết, thầy giáo Toán 8X Lưu Huy Thưởng vẫn cảm nhận được trái ngọt công nghệ trong lĩnh vực này qua những con số. “Chất lượng video giảng dạy nâng từ SD 360p lên HD 720p và Full HD 1080p tùy tốc độ đường truyền Internet của người dùng. Tính năng tăng giảm tốc độ bài giảng 0,5-1,5 lần cũng được ứng dụng để cá nhân hóa bài giảng cho học sinh”.
Thế nhưng việc cá nhân hóa trải nghiệm học tập ấy không chỉ đến từ các con số có thể đo đếm, mà còn từ cách thiết kế chương trình học sao cho khoa học, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh và nội dung bài giảng. Để có được các khóa học thu hút hàng trăm nghìn học sinh, thầy Thưởng, cô Tuyết và gần 200 giáo viên đang hợp tác với Hệ thống Giáo dục Hocmai không ngừng điều chỉnh phương pháp dạy học, bắt kịp xu thế công nghệ nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển năng lực của từng nhóm học sinh.
Xây dựng hệ thống kịch bản bài giảng trực tuyến có mục tiêu phức tạp hơn nhiều so với soạn một giáo án đơn thuần. Tuy nhiên với sự đồng hành của công nghệ và hỗ trợ từ Hocmai, những “người lái đò” đã có thể thiết kế khóa học vừa đáp ứng yêu cầu trên, vừa khắc phục được nhược điểm của học online như khả năng tương tác 2 chiều, quản lý tiến trình học tập và theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh.
Đó cũng là chiêm nghiệm của thầy Nguyễn Trung Nguyên sau 2 năm cộng tác với Hocmai. Ra trường 7 năm, thầy giáo tiếng Anh 9X này chưa từng nghĩ việc học trực tuyến sẽ tiên tiến như hiện nay. “Không chỉ ghi hình bài giảng và đẩy lên online, Hocmai còn thiết kế các công cụ tương tác đơn giản để giáo viên ở tuổi nào cũng dễ thao tác. Bên cạnh đó, học sinh còn được cung cấp chương trình và lộ trình học tập, tài liệu và dịch vụ hỗ trợ giải đáp chuyên môn, đánh giá năng lực, tư vấn mùa thi…”, thầy Nguyên kể về điểm khác biệt của nền tảng giáo dục này.
Dù là giáo viên thuộc thế hệ nào, bằng tâm huyết với nghề, cô Tuyết, thầy Thưởng, thầy Nguyên đã thay đổi để thích ứng với công nghệ và trở thành giáo viên Ngữ văn, Toán học, tiếng Anh trực tuyến được hàng triệu học sinh trên nền tảng học trực tuyến hocmai.vn yêu mến.
Đó là người học trò 3h sáng lặn lội 50 cây số lên TP.HCM để một lần chạm tay cô Tuyết - người vốn chỉ được thấy qua màn hình. Đó là những bức thư tay từ muôn phương gửi về thầy Nguyên mỗi dịp 20/11 - điều khi còn là giáo viên dạy truyền thống, thầy ít khi được trải nghiệm. Đó còn là những tin nhắn cảm ơn đến vào bất kể thời gian nào trong năm, tiếp sức để thầy Thưởng tiếp tục con đường “biến nỗi sợ thành niềm vui học Toán” cho hàng nghìn học sinh.
Trái ngọt của sự thay đổi còn là niềm vui khi chứng kiến học trò thành công. Đó là một thầy giáo trẻ sau gần chục năm liền đăng ký khóa học của cô Tuyết đã trở nên thuần thục, giỏi giang, được học sinh yêu mến và thăng tiến trong sự nghiệp. Tết năm ngoái, thầy giáo ấy đã vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội gặp cô Tuyết để nói lời cảm ơn. Đó là cậu trò nghèo với ước mơ đỗ đại học danh giá, có nhiều tiền để được tôn trọng. Nhưng bằng những khuyên bảo chân thành của thầy Thưởng, cậu đã chọn đam mê thay vì chạy theo mong muốn tức thời. Đó còn là kết quả thi đẹp như mơ sau cuộc gọi tâm tình của thầy Nguyên với phụ huynh cô học trò nhỏ, giúp em giải tỏa áp lực thi cử, đỗ đạt từ cha mẹ.
“Có lẽ chính thế giới ảo lại giúp kết nối những xa cách và xóa bỏ những ngại ngùng ở thế giới thật”, cô Tuyết chia sẻ. 13 năm qua, Hocmai đã trở thành cầu nối thầy trò cả nước không chỉ bằng kiến thức, mà còn bởi những câu chuyện cảm động như thế.
Còn với thầy Nguyên, quả ngọt còn là những kỹ năng và kinh nghiệm có được nhờ cộng tác với nền tảng giáo dục trực tuyến này. Tại hệ thống giáo dục trực tuyến với gần 200 giáo viên, thầy giáo 9X có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ nhiều đồng nghiệp cây đa, cây đề. Thầy cũng ngày càng hoàn thiện hơn nhờ những buổi đào tạo kỹ năng giảng dạy, cách đứng trước máy quay, trang phục và giọng nói… Chính mô hình hoạt động nghiêm túc, với những nguyên tắc giáo dục nhân văn của Hocmai đã khiến thầy gắn bó lâu dài.
Các thế hệ thầy cô đã dần thay đổi và trở thành thần tượng của hàng triệu học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Không chỉ là người truyền đạt kiến thức, thầy cô còn trở thành người bạn đồng hành của học sinh trong cuộc sống, cũng như khơi nguồn cảm hứng để nhiều học sinh theo đuổi giấc mơ.
“Công nghệ có thể là rào cản với một bộ phận giáo viên lớn tuổi, nhưng tôi nghĩ nếu giáo viên vẫn giữ được niềm yêu nghề, chủ động cập nhật công nghệ, nắm bắt mọi vận động của cuộc sống xã hội thì sẽ không gặp quá nhiều khó khăn”, cô giáo 5X tự tin khẳng định.
Bình luận