7h ngày 5/12, giáo sư, hiệp sĩ Jonathan Van Tam có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, với sự chào đón từ các bác sĩ, cán bộ của Viện nghiên cứu Tâm Anh.
Giáo sư Jonathan là người gốc Việt đầu tiên được Chính phủ và Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp to lớn, thiết thực, mang tính cách mạng trong đại dịch Covid-19 tại Anh. Ông còn là Phó giám đốc Y tế Trung ương - phụ trách chuyên môn, cố vấn khoa học cho Thủ tướng Anh.
Giáo sư, hiệp sĩ Jonathan được chào đón nồng nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Giáo sư Jonathan có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, là chuyên gia mang tầm vóc toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến nhiều chuyên gia đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực bệnh cúm, nghiên cứu vaccine, dịch tễ học, bệnh truyền nhiễm, đối phó nhiễm trùng, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, giáo sư có những đóng góp to lớn trong việc tư vấn chính sách cho công tác phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam, được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh vinh danh.
Chuyến về thăm lần này, giáo sư, hiệp sĩ Jonathan Van Tam nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đại sứ quán vương quốc Anh tại Việt Nam và các nhà khoa học Việt Nam, bởi đóng góp quan trọng của ông trong những nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm - những căn bệnh rất quan trọng với Việt Nam.
Chiều cùng ngày, giáo sư dành thời gian làm việc đầu tiên trong lịch trình đến thăm Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC.
Phát biểu tại VNVC, giáo sư Jonathan cho biết trong 100 năm qua, thế giới đã trải qua 5 đại dịch lớn, đa số đều liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, cúm. Đại dịch tiếp theo có thể liên quan đến bệnh truyền nhiễm và ta không biết chắc khi nào xảy ra. Việc chủ động nghiên cứu, dự phòng đối phó đại dịch trong mọi tình huống rất quan trọng.
Giáo sư Jonathan bày tỏ ấn tượng khi được nghe đại diện VNVC báo cáo về việc nâng cao số lượng, tỷ lệ trẻ em và người lớn ở Việt Nam được tiếp cận với những vaccine chất lượng cao tương đương các nước phát triển như Anh quốc, với điều kiện bảo quản quốc tế nhưng chi phí phù hợp điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.
Đặc biệt, với đúng chuyên ngành của mình, ông đặc biệt ấn tượng khi số lượng người tiêm vaccine cúm của Việt Nam đã tăng từ 4% lên hơn 9% trên toàn quốc và hơn 14% trong Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Ông đánh giá cao nỗ lực này của VNVC vì đã mang lại những giá trị to lớn cho cộng đồng, đặc biệt nhóm nguy cơ cao với cúm và các bệnh hô hấp từ virus cúm như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền… Giáo sư đưa ra các tư vấn quan trọng cho công tác tiêm chủng vaccine cũng như phòng chống dịch bệnh với các chuyên gia, bác sĩ của VNVC cho thời kỳ mới.
Giáo sư Jonathan Van Tam cũng ấn tượng khi một đơn vị từ Việt Nam như VNVC là đối tác chiến lược toàn diện của nhiều tập đoàn dược phẩm lớn từ Anh quốc như GSK, AstraZeneca…
Giáo sư Jonathan Van Tam thăm Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC. |
Với tình cảm sâu đậm dành cho quê hương, Giáo sư Jonathan có mối quan tâm đặc biệt đến hệ thống y tế dự phòng và y tế khám chữa bệnh của Việt Nam. Chuyến thăm của ông từ lời mời của Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) hứa hẹn mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận khoa học thế giới, giao lưu, học hỏi, tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học quy mô quốc tế, giải quyết những vấn nạn y tế mang tính toàn cầu, như là vấn đề dịch bệnh cấp bách.
Tại Việt Nam, trong các ngày tiếp theo, giáo sư dự kiến có nhiều hoạt động khoa học ý nghĩa tại các cơ sở y tế lớn, trong đó nổi bật là buổi trao đổi khoa học với các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Đồng thời, giáo sư sẽ có các buổi làm việc cùng Bộ Y tế, AstraZeneca và đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam…
Bình luận