Nhật Bản ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên bắt nạt học sinh. Ảnh: Pixta. |
Một dự thảo báo cáo của Hội đồng Giáo dục thành phố Yasu (Nhật Bản) về phòng chống bắt nạt, xuất phát từ nhiều vụ giáo viên bắt nạt học sinh tại một trường tiểu học công lập, đã chỉ ra giả định rằng quan niệm sai lầm của ban giám hiệu chính là lý do nhà trường không thể ngăn chặn những hành vi như vậy.
Theo Mainichi Shimbun, dự thảo có nội dung "Trêu chọc và hạ nhục học sinh là vi phạm quyền của các em" đã được trình bày tại cuộc họp hội đồng thành phố ngày 23/1. Dự thảo nêu một vấn đề là nhà trường vẫn luôn nghĩ rằng giáo viên không bao giờ bắt nạt học sinh, nhưng thực tế lại khác. Nhiều vụ giáo viên bắt nạt học sinh đã xảy ra trong vài năm gần đây.
Ví dụ vào tháng 5/2022, một thầy giáo 50 tuổi, dạy lớp 2, liên tục chê bai một học sinh khi em hỏi về nghĩa của từ. Giáo viên này đã nói với học sinh rằng: "Em không biết chữ à?".
Đến tháng 8 năm ngoái, thầy giáo bị đuổi việc. Lý do là ông đã nói với mẹ học sinh "Con chị bị khuyết tật phát triển", đồng thời đề nghị phụ huynh cho con uống thuốc.
Cũng tại trường này vào mùa đông năm 2021, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 bị thay thế vì bắt nạt học sinh. Người này đã so sánh một số học sinh với các nhân vật anime.
Dựa trên phân tích các vụ bắt nạt, báo cáo của Hội đồng Giáo dục thành phố Yasu kêu gọi tạo ra một hệ thống thu thập thông tin toàn diện, ví dụ thu thập thông tin từ các báo cáo và tham vấn để thay đổi văn hóa "trăm sự nhờ chủ nhiệm" như hiện nay.
Báo cáo cũng lưu ý rằng nhìn chung đây có thể là một xu hướng mới của các nhà giáo dục, những người quản lý các lớp học kém. Họ đổ lỗi cho khả năng quản lý kém của bản thân bằng cách gán cho học sinh cái mác "khuyết tật".
Để khắc phục điều này, báo cáo khuyến nghị các nhân viên giáo dục nên tham gia hoạt động của các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật.
Báo cáo cũng nêu một thực tế là các lớp tiểu học thường chỉ có một giáo viên quản lý, từ đó tạo ra một môi trường "kín". Khi ở trong những môi trường "kín" như vậy, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người có tác động sâu sắc đến học sinh.
Do đó, báo cáo đề nghị các trường tạo ra hệ thống giáo viên theo từng môn học cho khối lớp 5, 6, đồng thời giới thiệu các lớp học trao đổi giáo viên dành cho học sinh khối 1 đến khối 4.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên