Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ ghi nhận báo cáo về các triệu chứng lo lắng ở giáo viên cao hơn 40% so với nhân viên y tế trong thời kỳ đại dịch.
Theo một cuộc khảo sát trên hơn 3 triệu người đi làm, trong đó có 130.000 giáo viên, các giáo viên không chỉ có chỉ số lo lắng cao hơn nhân viên y tế. Đối tượng này cũng có nhiều nỗi lo hơn so với hầu hết ngành nghề khác bao gồm nhân viên văn phòng, quân đội, nông dân và luật sư.
Theo nghiên cứu, nghề giáo là nghề có nhiều nỗi lo hơn so với các ngành nghề khác. Ảnh: China Times. |
Ông Joseph M. Kush, trợ lý giáo sự Tâm lý học tại ĐH James Madison kiêm đồng tác giả nghiên cứu, nhận định mặc dù trước đại dịch, các nhà nghiên cứu đã có sự quan tâm nhất định tới sức khỏe của giáo viên, họ vẫn ngạc nhiên về mức độ căng thẳng của đối tượng này trong thời kỳ Covid-19.
"Chúng tôi đã đoán nhân viên y tế tuyến đầu chiến đấu với Covid-19 mới là đối tượng nhiều lo lắng nhất", ông nói.
Nghiên cứu không phát hiện ra lý do khiến giáo viên lo lắng. Tuy nhiên, theo suy đoán của các nhà nghiên cứu, đối tượng này đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đại dịch mang lại.
"Mức độ căng thẳng đặc biệt cao ở các giáo viên trong thời kỳ đại dịch có thể do kế hoạch giảng dạy thay đổi đột ngột, chưa được thống nhất; khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vào việc dạy học từ xa", ông Kush bổ sung việc áp dụng nhanh chóng công nghệ vào việc giảng dạy dù chưa từng được thử nghiệm trên quy mô lớn trước đây có thể thay đổi toàn diện môi trường làm việc của các thầy cô giáo.
Bên cạnh đó, các giáo viên dạy từ xa cũng có nhiều mối lo và cảm giác tách biệt với xã hội hơn 60% so với các đồng nghiệp được dạy trực tiếp tại lớp.
Tuy nhiên, những giáo viên được tiếp tục giảng dạy trực tiếp cũng gặp phải vấn đề này khi họ thường bị cách ly với đồng nghiệp như một phần của các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ lo lắng cao hơn 70% ở các giáo viên nữ so với các giáo viên nam.
Nhìn rộng hơn, trong tất cả các ngành nghề, so với nam giới, phụ nữ có các triệu chứng lo âu cao hơn 90%, dễ bị trầm cảm hơn 40%, hay có cảm giác tách biệt hơn 20%.
Từ phát hiện này, ông Kush nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công cụ bảo vệ sức khỏe tâm lý và duy trì giao tiếp giữa các giáo viên với nhau.
"Sức khỏe của giáo viên ảnh hưởng đến khả năng giảng dạy của họ. Khi giáo viên cảm thấy được hỗ trợ về mặt sức khỏe, khả năng duy trì và kết quả học tập của học sinh", ông nói.
Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.