Dù biết IDP tổ chức thi IELTS trở lại từ 17/11 (và một ngày sau đó là Hội đồng Anh), Đăng Khoa (22 tuổi, TP.HCM) vẫn sẽ tham dự kỳ thi TOEIC để làm hồ sơ xét tốt nghiệp vì đã lỡ đăng ký.
Trước đó, Khoa dự tính thi IELTS vừa để làm hồ sơ xét tốt nghiệp đại học, vừa để làm hồ sơ xét học bổng du học. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT ra thông báo tạm hoãn tổ chức thi IELTS, Khoa đã quyết định đăng ký thi TOEIC ngay, dù biết mình không thể xét học bổng du học bằng chứng chỉ này.
“Việc IELTS bị hoãn thi khiến mình tự hỏi liệu những kỳ thi khác có bị hoãn như vậy hay không... Dù không thể làm hồ sơ xét học bổng với chứng chỉ TOEIC, mình vẫn có thể tốt nghiệp nhờ chứng chỉ này”, Khoa nói.
Không có con số cụ thể về lượt thi IELTS tại Việt Nam trong những năm vừa qua, tuy nhiên phản ứng trên mạng xã hội và các trung tâm dạy IELTS có thể cho thấy tác động của quyết định hoãn tổ chức thi đối với người học tiếng Anh tại Việt Nam lớn như thế nào.
Từ một chứng chỉ thường chỉ dùng để xin học tại các trường ở Anh, Australia, IELTS đang dần được nhiều đại học Mỹ chấp nhận. Tại Việt Nam, hàng chục trường đại học dùng kết quả IELTS để xét tuyển đại học, trong đó có Học viện Ngoại giao, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Một số trường THPT cộng điểm hoặc tuyển thẳng thí sinh có bằng IELTS.
Theo khảo sát của Zing, việc hoãn thi có tác động đến không chỉ người học đại học, đã đi làm, mà còn nhiều thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh đại học năm tới.
British Council cho biết "hàng nghìn người" bị ảnh hưởng bởi việc hoãn thi, trong khi IDP từ chối đưa ra con số. Trước khi bị hoãn, IDP cho biết thí sinh có thể đăng ký thi IELTS trên 40 tỉnh thành của Việt Nam, trong khi Hội đồng Anh tổ chức thi ở 20 tỉnh thành. Nếu so sánh với một chứng chỉ tương đồng là TOELF, người thi chỉ có thể thi TOELF ở dưới 10 thành phố.
Sau IDP, Hội đồng Anh đã được cấp phép tổ chức thi IELTS lại vào ngày 18/11. Ảnh: Hội đồng Anh. |
Nhiều trường đang góp phần khiến IELTS bị biến tướng
Nhận định trước "cơn sốt" IELTS tại Việt Nam, chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, Thạc sỹ ngành Khởi nghiệp Giáo dục, Đại học Pennsylvania (Mỹ), nói rằng bài thi IELTS đang bị nhiều người hiểu sai và dần trở nên "biến tướng". Ông đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến cho việc hâm mộ IELTS quá đà này.
Thứ nhất, nhiều người đang nhầm lẫn phương tiện và mục đích. Mục đích là giúp con em giỏi tiếng Anh hơn, phương tiện là bài thi IELTS hoặc rất nhiều bài thi khác. Việc dùng bài thi chuẩn hóa để chứng minh khả năng tiếng Anh là đúng đắn, nhưng hiện nay, nhiều người hiểu sai về IELTS nên IELTS từ phương tiện lại trở thành mục đích.
“Từ muốn giỏi tiếng Anh, người ta chuyển qua mong muốn điểm IELTS cao. Tuy nhiên, điểm IELTS cao chưa chắc đã giỏi tiếng Anh. Nhưng vì nhiều người đánh đồng 2 yếu tố là một, nên việc học IELTS giờ đây bị sa đà vào việc luyện thi làm sao để cao điểm hơn là giỏi tiếng Anh”, ông đánh giá.
Đồng ý với chuyên gia Hiếu, ông Lê Hưng, giáo viên dạy IELTS tại TP.HCM, cũng cho rằng nhiều người đang hiểu sai về bản chất các bài thi như IELTS. Theo ông, bài thi này chỉ đánh giá khả ngoại ngữ của thí sinh để đi du học, mãi gần đây mới rộ lên thành trào lưu.
Thứ hai, nhiều sở GD&ĐT, trường THPT cũng đang góp phần khiến IELTS trở nên lệch chuẩn trong mắt nhiều người bằng cách xét tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS cao, thậm chí báo cáo số lượng học sinh có điểm IELTS cao để lấy thành tích thi đua, đặc cách công nhận học sinh giỏi cho học sinh có điểm IELTS cao. Theo khảo sát của Zing, học sinh tại một số tỉnh thành chỉ cần được IELTS trên 4.0 là đã có thể được tuyển thẳng vào nhiều trường THPT tại địa phương.
“Điều này có thể làm biến tướng hoàn toàn bài thi IELTS. Giờ đây, rất nhiều người đang đánh đồng giữa điểm IELTS cao và tiếng Anh giỏi là một. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất khó giải quyết”, ông Hiếu nhận định.
Cuối cùng, nhiều trung tâm hiện tuyển giáo viên có điểm IELTS cao nhưng không có bằng sư phạm do phụ huynh chỉ quan tâm điểm IELTS của giáo viên.
“Cách tốt nhất là họ nên tuyển những người có bằng sư phạm tiếng Anh trước rồi đảm bảo những người này có hiểu biết về IELTS để dạy IELTS”, ông Hiếu đề nghị.
Chuyên gia giáo dục này chỉ ra thế giới có các chứng chỉ dành riêng cho ngành Sư phạm tiếng Anh được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín như TESOL, DELTA, CELTA, tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có chứng chỉ sư phạm dành riêng cho ngành tiếng Anh như nước ngoài.
Bổ sung cho quan điểm trên, ông Hưng cho rằng nếu chỉ học tiếng Anh để cải thiện trình độ, không phải để tuyển sinh hay du học thì không cần đến IELTS.
Theo ông, nếu muốn có động lực để học tiếng Anh hoặc cần một công cụ để đo lường quá trình học tập, người học có thể học một khóa để biết cấu trúc bài thi và cách làm bài thi IELTS để nắm rõ hơn, sau đó tự học rồi đi thi.
“Học IELTS vì muốn có động lực để cải thiện khả năng tiếng Anh là tốt, nhưng bỏ nhiều tiền để học và thi IELTS để chạy đua theo trào lưu, kiếm điểm cao thì rất tốn kém”, ông đánh giá.
Bà Huyền Trang, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, nói rằng việc sử dụng bất kể chứng chỉ ngoại ngữ nào để xét tuyển đại học là chưa phù hợp.
“Với học sinh THCS và THPT, để các em chạy đua ôn theo chứng chỉ rất nguy hiểm. Đây là hướng ôn thực dụng, chăm chỉ có thể đạt điểm cao, nhưng để chú trọng vào việc tăng niềm yêu thích, trình độ ngoại ngữ thì chưa", bà nói.
Một lớp luyện thi IELTS tại Philippines. Ảnh: Reuters. |
Người học và người dạy đều bị động
Trở lại với việc IDP và Hội đồng Anh phải tạm ngưng tổ chức thi trong một tuần (và hiện nay kỳ thi vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, trừ các thành phố lớn), theo chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, quyết định tạm hoãn tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS của Bộ GD&ĐT là một quyết định “mạnh tay, gây sốc và có phần vội vàng”.
“Tôi tin mục đích đưa ra quyết định của Bộ GD&ĐT là tốt, nhưng quá trình thi hành lệnh lại chưa thực sự ổn vì thiếu bằng chứng, không chứng minh được tính thuyết phục của lệnh hoãn và không có lộ trình cụ thể”, ông Hiếu nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ hôm 10/11 cho hay hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng. Hoạt động này chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam dẫn đến một số tiêu cực như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ…
Theo ông Hiếu, Bộ GD&ĐT nên ra quyết định dựa trên bằng chứng đã được xác thực để tránh gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người. Kể cả khi đã xác định được có tình trạng tiêu cực trong công tác tổ chức thi IELTS, bộ nên xác định đâu là khâu tiêu cực và giải quyết khâu này, thay vì hoãn toàn bộ kỳ thi IELTS.
“Lấy ví dụ việc phát hiện rau không đảm bảo chất lượng, trách nhiệm của bên quản lý là tìm ra lỗi ở từng khâu cụ thể, thay vì cấm dân ăn rau”, ông nói.
Ngoài ra, nếu nghi vấn có tình trạng tiêu cực, ông Hiếu cho rằng bộ nên có biện pháp phối hợp cùng với các tổ chức quản lý bài thi IELTS để giám sát và điều tra, thay vì hoãn thi hàng loạt như vừa rồi. Các bên cũng nên có thông báo rõ ràng về nguyên nhân, thời điểm và lộ trình hoãn thi rõ ràng, tránh tình trạng “hôm nay ra quyết định, hôm sau hoãn thi” như vừa qua.
Thực tế, Đăng Khoa cho hay mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi quyết định hoãn tổ chức thi IELTS. Tuy nhiên, anh cũng không tránh khỏi cảm giác hoang mang.
“Sau khi có thông báo bất ngờ tạm hoãn thi IELTS, rất nhiều tin đồn đã xuất hiện như tạm hoãn thi đến hết năm, tạm hoãn thi thêm nhiều chứng chỉ khác… Bản thân mình tại thời điểm đó không quá gấp gáp phải có chứng chỉ tiếng Anh liền, nhưng vì nghe quá nhiều tin đồn, mình mới vội vã đăng ký thi TOEIC như vậy”, Khoa nói.
Hiện nay cả IDP và Hội đồng Anh đều đã được phê duyệt cho tổ chức thi IELTS lại, nhưng địa điểm được tổ chức thi vẫn còn hạn chế ở một số ít thành phố lớn. IDP cho biết chỉ mới bắt đầu liên hệ với các thí sinh đã đăng ký thi tại 4 trung tâm được cấp phép tại 3 thành phố.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, một trong những nhiệm vụ lớn Bộ GD&ĐT có thể làm được là đề ra các chuẩn kiểm định và đánh giá trình độ tiếng Anh của người học, giúp các cơ sở giáo dục chấp nhận nhiều chứng chỉ tiếng Anh khác nhau, đồng thời giúp mọi người hiểu ngoài IELTS có những chứng chỉ khác có thể chứng minh trình độ tiếng Anh của họ.
“IELTS vẫn là một phương án tốt. Tuy nhiên, ngoài IELTS, còn vô số chứng chỉ khác đều có giá trị chứng minh năng lực tiếng Anh của người học”, ông nói.
Tuy nhiên, các bài thi cần đảm bảo độ minh bạch và tin cậy. Lấy ví dụ bài thi VSTEP, ông cho rằng bộ cần phối hợp với nhiều trường đại học để đảm bảo đây là một bài thi có thể đánh giá đúng trình độ tiếng Anh của người học.
Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.