Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP.HCM, từ ngày 7/2 đến 2/3, số cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện mắc và nghi mắc Covid-19 là 3.689 ca, trong đó 381 ca ghi nhận tại trường.
Giáo viên mệt lắm mới nghỉ
Để việc học tập của học sinh không bị xáo trộn khi giáo viên là F0, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt thiết kế nhiều phương án dạy học, trong đó các giáo viên "choàng gánh" cho nhau, nhiều thầy, cô dù là F0 cũng sẵn sàng còn sức khỏe là còn dạy học.
Nhiều giáo viên tại TP.HCM đã mắc Covid-19 khiến các trường phải xoay xở bảo đảm lịch dạy học .Ảnh: Tấn Thạnh. |
Bà Huỳnh Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), cho biết tính đến thời điểm này, trường có gần 10 giáo viên là F0, việc giảng dạy trong bối cảnh hiện tại gặp khá nhiều khó khăn nhưng các giáo viên chủ trương "choàng gánh" cho nhau để việc học tập của các em không bị ảnh hưởng.
"Đối với học sinh, nếu trong cùng một thời điểm, lớp học có từ 5 F0 trở lên thì lớp học đó sẽ chuyển sang học trực tuyến. Còn nếu giáo viên là F0 thì chuyển qua dạy online, các thầy cô rất nỗ lực vì học sinh, chỉ những giáo viên nào thật sự mệt mới nghỉ ngơi" - bà Lan nói.
Tuy số giáo viên là F0 cùng một thời điểm không nhiều nhưng ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết tuần nào cũng có khoảng 3-4 thầy cô là F0 phải chuyển sang dạy trực tuyến. Tuy nhiên, tùy theo sức khỏe của giáo viên mà họ hỗ trợ nhau, không để ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Khi giáo viên là F0 sẽ thông báo với nhà trường, nếu thầy cô có sức khỏe thì dạy online, trường mở máy chiếu ở lớp có giáo viên là F0 để các em học ở trường vẫn được nghe thầy cô giảng và tương tác như học trực tiếp.
Mỗi lớp đều có tổ tự quản và giáo viên quản nhiệm để quan sát, quản lý các em trên lớp. Trong trường hợp giáo viên không đủ sức khỏe thì tổ trưởng chuyên môn phân công giáo viên trống tiết dạy trực tiếp. Trường hợp nếu trùng tiết, không còn giáo viên trống, nhà trường sẽ phân công quản lý ở lớp, học sinh học qua bộ học liệu do sở cung cấp.
Dạy học linh hoạt ở từng đơn vị lớp
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), cho hay hiện tại các phương án dạy học sẽ thực hiện tùy tình hình thực tế của trường. Nhà trường đã lên các phương án như nếu giáo viên là F0 và đủ sức khỏe thì sẽ dạy trực tuyến cho cả 2 đối tượng là F0, F1 tại nhà và những em học trực tiếp ở lớp.
"Lớp nào có giáo viên là F0 phải ở nhà thì nhà trường gắn máy chiếu cho các em nghe giảng hoặc bố trí giáo viên cùng khối hỗ trợ, dạy thay. Thầy, cô giáo đã cố gắng gấp nhiều lần để duy trì việc dạy trực tiếp vì học sinh đã học trực tuyến trong thời gian dài, nếu nay chỉ vì giáo viên là F0 mà phải tiếp tục ở nhà thì thiệt thòi cho học sinh và khó khăn cho phụ huynh. Rất may thời gian vừa qua, nhà trường chỉ ghi nhận 1 trường hợp giáo viên là F0" - thầy Phong nói.
Cô Hoàng Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), cho biết hiện nay nhà trường vẫn dặn giáo viên khi dạy học nên đứng xa học sinh để hạn chế rủi ro, phòng trường hợp giáo viên là F0. Đồng thời, nhà trường cũng linh hoạt sắp xếp việc dạy học đến từng lớp. Chẳng hạn, nếu ở một lớp mà giáo viên là F0 và học sinh là F0, F1 với số lượng nhiều (hơn 50% sĩ số), lớp đó sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Trường hợp giáo viên là F0 nhưng lớp học vẫn bình thường thì các em vẫn đến trường để học trực tiếp những môn khác, các giáo viên trong trường cùng hỗ trợ nhau để việc học của các em ổn định. "Bản thân ban giám hiệu của trường cũng sẵn sàng đứng lớp dạy thay nếu giáo viên là F0 không đến trường được" - cô Thủy nói.
Dạy học trực tuyến và trực tiếp tùy theo điều kiện từng trường
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, lãnh đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, kịch bản dạy và học linh hoạt, kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp phù hợp điều kiện thực tế nhà trường, bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh phải cách ly y tế. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến có chất lượng, đúng tiêu chuẩn, theo phương pháp hiện đại, đầy đủ, bảo đảm thực hiện theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018.