- Cảm xúc của bà như thế nào khi biết em bé bị để mặc gào khóc và ăn rác tại Lạng Sơn và cô giáo trói tay chân, bắt trẻ ngậm khăn vào miệng ở Quảng Bình?
- Tôi thực sự rất đau lòng và phẫn nộ trước phẩm chất đạo đức của một số giáo viên mầm non xuống cấp nghiêm trọng. Cũng là phụ nữ, lẽ ra họ phải yêu thương trẻ như con mình. Nhưng trong trường hợp này, họ lại hành hạ các em ở độ tuổi non nớt một cách dã man. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
Một khía cạnh khác khiến tôi rất bức xúc là tại sao lại tồn tại cơ sở mầm non khá lớn khi không có giấy phép hoạt động?
- Những vụ bạo hành này gây tổn thương cho trẻ như thế nào?
- Trẻ em rất non nớt, có những em ngay sau khi nghe lời quát mắng hay bị đánh sẽ không thể phát triển bình thường. Việc bạo hành trẻ em có thể để lại di chứng nặng nề về tâm lý, thể chất.
- Những sự việc vừa xảy ra đều xuất phát từ hình phạt và cách dọa dẫm của giáo viên mầm non với trẻ. Quan điểm của bà như thế nào về việc này?
- Đối với trẻ nhỏ ở bậc mầm non, cô giáo không thể sử dụng hình phạt, mà giúp con làm quen với môi trường học tập.
Nếu là người làm giáo dục có tâm, giáo viên phải hiểu được thói quen của trẻ như khi ngủ cần vỗ lưng, xoa đầu hay hát ru, luôn quan sát các con trong tầm mắt. Không thể vì lý do con quấy khóc mà hành hạ được.
- Những cô giáo thả trẻ xuống bể nước, để mặc ăn rác hay trói chân tay, nhét khăn vào miệng trẻ mầm non... sẽ bị xử lý thế nào?
- Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em nghiêm cấm hành vi xâm hại trẻ nhỏ. Theo Luật hình sự, hành hạ người khác, trong đó có trẻ em và người già, sẽ bị truy tố.
Trường hợp này, các cơ quan chức năng sẽ xem xét hành vi để xử lý như xử phạt hành chính, buộc thôi việc. Cơ quan công an sẽ điều tra, làm rõ sự việc.
- Bà có tư vấn gì cho phụ huynh khi chọn trường học an toàn cho con?
- Đây là giai đoạn trẻ bước vào năm học mới, nhiều bé thay đổi môi trường từ nhà vào lớp mầm non nên lạ lẫm và quấy khóc. Cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu và cho con tiếp xúc môi trường trước khi cho con theo học. Phụ huynh cũng nên thường xuyên liên hệ với nhau để chia sẻ kinh nghiệm.
Một cơ sở mầm non tốt không chỉ gồm yếu tố vật cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Bố mẹ nên thận trọng với các trường mầm non tư thục không có giấy phép hoạt động, có thể họ coi trọng tiền lương hơn tình yêu con trẻ.
Tôi kiến nghị, ngoài việc trường học có camera theo dõi, cần trích thêm nguồn kinh phí để thuê người giám sát, nhằm tăng cường kiểm tra các hoạt động của cơ sở mầm non. Những người giám sát này phải có tâm, do chính phụ huynh chọn.
- Từ những vụ việc vừa qua, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em có động thái gì để ngăn chặn những vụ bạo hành trẻ?
- Hội Bảo vệ Quyền trẻ em vẫn nhận được phản ánh việc chăm sóc trẻ chưa tốt, trường học đặt gần nơi ồn ào, ô nhiễm môi trường... Những vụ xâm hại thể chất, tinh thần của trẻ phần lớn do báo chí cung cấp.
Công việc thường xuyên của Hội là tiến hành khảo sát, ví dụ đưa ra câu hỏi: “Khi các em mắc lỗi, cô giáo thường sử dụng hình thức xử lý như thế nào?”. Những trường hợp học sinh nhận định giáo viên véo tai, cốc đầu..., Hội sẽ đề nghị nhà trường có biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền trẻ em.
Ngày 5/10, trên Facebook, chị Đinh Hằng chia sẻ thông tin việc con trai chị bị nhóm giáo viên bạo hành tại cơ sở mầm non Sơn Ca (Đồng Hới, Quảng Bình).
Theo đó, quan sát qua camera ở lớp học, chị Hằng thấy cô giáo dùng thìa đánh liên tiếp vào con mình trong bữa ăn. Chị liền gọi chồng đến trường và bắt gặp ba cô giáo đang trói chân, tay, nhét khăn vào miệng cháu bé.
Phía gia đình đã làm việc với công an và ngay sau đó, cơ sở không phép này đã bị đóng cửa.
Trước đó, hai cô giáo ở Trường mầm non Xuân Mai (Lạng Sơn) để mặc trẻ gào khóc và ăn rác. Thậm chí, một giáo viên còn bế em bé thả xuống bể nước vì quấy khóc.
Một vụ việc khác xảy ra tại Hải Dương là học sinh lớp 2 bị cô giáo kéo đứt tai, phải khâu nhiều mũi, vì viết chậm.