Bị học sinh hành hung, thầy giáo vẫn đứng im chịu trận vì sợ bị kiện. Ảnh: CNA. |
Tháng trước, clip ghi lại cảnh học sinh tát thầy phó hiệu trưởng tại một trường tiểu học ở Hàn Quốc được dân mạng lan truyền rộng rãi. Học sinh này mới chỉ học lớp 3 nhưng đã liên tục tát, nhổ nước bọt vào người thầy giáo chỉ vì bị thầy cản, không cho rời khỏi trường.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là khi bị học sinh hành hung, thầy phó hiệu trưởng không phản kháng hay tự vệ, ông chỉ đứng một chỗ cho học sinh đánh.
Các nhà giáo dục cho biết phản ứng của thầy giáo này không phải hiếm. Thông thường, khi bị học sinh hành hung, họ không thể tự bảo vệ bản thân vì sợ bị kiện và buộc tội lạm dụng trẻ em.
"Trong trường hợp trên, chỉ cần thầy giáo nắm tay đứa trẻ và để lại vết hằn đỏ trên da, ông ấy sẽ bị tố cáo hành hung trẻ", ông Kim Dong-seok, thành viên của Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, nói với CNA.
Sợ bị trả thù
Nói thêm về việc giáo viên bị học sinh và phụ huynh bạo hành, ông Kim cho biết các nhà giáo dục ở Hàn Quốc thường chọn cách im lặng khi gặp những tình huống như vậy. Họ không dám báo cáo vì sợ bị kiện, trả thù hoặc sợ không được luật pháp bảo vệ.
Nhiều học sinh nước này có hành động, lời nói rất thô lỗ với giáo viên. Chúng sẵn sàng mắng chửi, thậm chí đánh giáo viên nếu cảm thấy không vừa ý.
Những lúc đó, giáo viên đành phải chịu đựng, giả vờ không để ý hoặc bỏ qua mọi chuyện.
Không ít giáo viên Hàn Quốc tự tử vì không chịu nổi áp lực vì phụ huynh và học sinh. Ảnh: CNA. |
Tháng 7/2023, Hàn Quốc rúng động khi một giáo viên lớp 1 ở Gangnam - khu nhà giàu ở thành phố Seoul - tự tử vì bị phụ huynh chèn ép, liên tục quấy rối qua điện thoại.
Hàng trăm dòng nhật ký và tin nhắn mà cô giáo này để lại đã phơi bày sự thật rằng cô bị phụ huynh quấy rối trong nhiều tháng trời, đến mức không thể chịu nổi nên chọn cách kết liễu đời mình.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, chỉ tính từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023, 100 giáo viên trường công - hầu hết là giáo viên tiểu học - tự tử vì không chịu nổi áp lực từ phụ huynh và học sinh.
Cái chết của cô giáo 26 tuổi như giọt nước tràn ly, khiến hàng chục nghìn nhà giáo dục ở nước này đứng lên kêu gọi pháp luật bảo vệ quyền lợi giáo viên. Cuộc đấu tranh kéo dài ròng rã trong 9 tuần liền và đã mang lại những thay đổi bước đầu.
Cụ thể, trong năm đó, luật giáo dục Hàn Quốc quy định giáo viên sẽ không còn bị đình chỉ nếu bị cáo buộc lạm dụng trẻ em. Thay vào đó, họ được chờ điều tra để có thêm bằng chứng cụ thể.
Giáo viên cũng được phép "loại" những học sinh quậy phá ra khỏi lớp, trường học được quyền ghi âm cuộc gọi từ phụ huynh và lắp camera giám sát trong các phòng họp với phụ huynh. Những thông tin cá nhân của giáo viên như số điện thoại, địa chỉ nhà cũng được bảo mật.
Đã có luật nhưng không đáng kể
Dù luật pháp đã có những thay đổi, giáo viên Hàn Quốc vẫn thấy chưa có nhiều cải thiện. Mới đây, nước này thực hiện khảo sát với hơn 11.300 giáo viên các cấp và 78% trong số đó nói rằng họ thấy sự thay đổi của các quy định vẫn chưa đủ để bảo vệ giáo viên.
Lý do là khi giải quyết các khiếu nại, quy trình thực hiện vẫn không đủ và đúng do trường thiếu nhân sự.
Dù Hàn Quốc đã đổi luật, giáo viên vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Masterfile. |
Một giáo viên 30 tuổi cho biết ông từng bị một phụ huynh kiện ra tòa với lý do con gái bị bạo lực ngôn từ. Thầy giáo thắng kiện, nhưng vụ việc này khiến ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
"Trong quá trình bị cảnh sát điều tra, tôi cảm thấy rất thất vọng, như thể mọi nỗ lực của tôi khi làm giáo viên đều bị phủ nhận hoàn toàn", thầy giáo tâm sự.
Thầy giáo này không phải người duy nhất gặp vấn đề tâm lý vì bị phụ huynh, học sinh gây khó dễ. Một khảo sát của Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc vào tháng 4/2023 chỉ ra rằng khoảng 26,5% giáo viên đã phải điều trị, tham vấn tâm lý, trong khi 87% cân nhắc đến chuyện nghỉ việc.
Giáo sư Jung Jae-hoon tại Đại học Nữ sinh Seoul giải thích rằng giáo viên nước này ngày càng áp lực vì nhiều gia đình có tâm lý lấy con làm trung tâm, đầu tư rất nhiều vào con và không chấp nhận được việc con mình không được giáo viên "ưu ái" như mình muốn.
Suy nghĩ méo mó của cha mẹ về thứ gọi là "đặc quyền", kết hợp với kỳ vọng quá cao của họ vào việc dạy con đã tạo ra tâm lý đòi hỏi, từ đó xâm phạm quyền lợi hợp pháp của giáo viên.
Các chuyên gia giáo dục lo ngại vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn vì tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc ngày càng giảm, cha mẹ sẽ ngày càng bảo vệ con quá mức nên sẽ gây khó dễ cho giáo viên nhiều hơn.
Không riêng chuyên gia giáo dục, các phụ huynh cũng nhìn ra điều đó và lo ngại giáo viên sẽ ngày càng bị chèn ép.
"Ngày nay, các gia đình có ít con nên mỗi đứa trẻ đều rất quý giá. Như vậy, phụ huynh sẽ đòi hòi giáo viên và nhà trường nhiều hơn, dù chỉ là những chuyện rất nhỏ", bà Song Ji-ae, mẹ của hai con nhỏ, đưa ra dự đoán.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.