Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều giáo viên hợp đồng điểm thi đạt trên 90/100 điểm vẫn trượt, trong khi đó, các trường khác, huyện khác điểm thấp hơn nhưng vẫn đỗ.
Ở môn Vật lý, trường THCS Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, có giáo viên hợp đồng đạt 94/100 điểm nhưng không đỗ vì trường chỉ có 1 chỉ tiêu và đã có 1 giáo viên khác đạt 95/100 điểm.
Long đong số phận giáo viên hợp đồng. Ảnh: Tiền Phong. |
Ở huyện Sóc Sơn, hai giáo viên thi đạt thủ khoa bằng điểm nhau nhưng trường chỉ có 1 chỉ tiêu. Trong đó, một người là giáo viên hợp đồng trước 31/12/2015, một người là người nhà của hiệu phó nhà trường.
“Không biết phía Nội vụ của huyện sẽ xét chọn như nào? Tôi hay vị giáo viên kia sẽ được chọn. Phòng nội vụ dựa vào tiêu chí nào để chọn? Xét theo tiêu chí gia cảnh hay xét theo thâm niên cống hiến, công tác? Những giáo viên hợp đồng như chúng tôi, cho đến giờ, có người cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình, trên 20 năm gắn bó với giáo dục nhưng bước vào kỳ thi theo đúng nghĩa “tay không bắt giặc”, chúng tôi chưa được hưởng bất kỳ một chính sách ưu tiên nào”, giáo viên hợp đồng nói.
Hoang mang là tâm trạng chung của các giáo viên hợp đồng của Hà Nội khi nhận được kết quả thi. Thành phố ban hành nhiều văn bản, nhưng tất cả đều không nhắc đến quyền được ưu tiên của họ, vẫn chỉ là rà soát, thi, xét tuyển bình đẳng như mọi ứng viên khác.
Giáo viên hợp đồng không trúng tuyển về đâu?
Đầu tháng 11, Bộ Nội vụ có văn bản gửi tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng trước ngày 31/12/2015 và có đóng bảo hiểm xã hội. Các địa phương đều có văn bản yêu cầu rà soát, thậm chí dừng tổ chức thi tuyển để tuyển dụng đặc cách đối tượng giáo viên này.
Sát ngày tổ chức tuyển dụng vòng 2 (15/11), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu dừng tổ chức kỳ thi viên chức để xem xét tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Nội vụ.
Mấy tiếng sau, ông Chung lại phát đi một văn bản (văn bản 5130) yêu cầu tổ chức thi. Tuy nhiên, trong văn bản này, ông Chung cam kết rằng đồng thời với thi sẽ bổ sung chỉ tiêu biên chế để thực hiện tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, nguyên giáo viên hợp đồng trường THCS Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), nói rằng 17 năm dạy hợp đồng môn Toán, nhưng chưa bao giờ thầy được nâng lương. Cuối tháng 5/2019, thầy nhận văn bản chấm dứt hợp đồng theo quy định. Đợt này thi tuyển viên chức, toàn thị xã Sơn Tây không có chỉ tiêu môn Toán, thầy phải đăng ký sang thi tại huyện Phúc Thọ. Kết quả thi thầy đạt 71/100 điểm.
Thầy Tiến nêu một loạt câu hỏi: Thành phố sẽ bổ sung bao nhiêu chỉ tiêu để xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng như thầy? Những môn học mà ở các quận, huyện, thị xã không có chỉ tiêu nhưng vẫn có giáo viên trong diện đặc cách thì thành phố xử lý thế nào? Khi nào thành phố thực hiện lời hứa tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ điều kiện?
“Hơn 20 năm nay, thị xã Sơn Tây không có chỉ tiêu cho các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Chúng tôi không có cơ hội để được tuyển dụng. Nếu tiếp tục không có chỉ tiêu, thành phố có dành chỉ tiêu cho những giáo viên như chúng tôi không?”, thầy Tiến băn khoăn.
Trước đó, trao đổi với báo chí về 2 chỉ đạo bất nhất trong cùng 1 ngày, ông Chung cho biết văn bản số 5130 được ra sau khi ông làm việc với Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TP. Hà Nội, cùng một số cơ quan liên quan và xét thấy việc tổ chức song song 2 hình thức tuyển sẽ có lợi hơn cho đông đảo giáo viên.
Theo ông Chung, ngừng thi tuyển sẽ ảnh hưởng quyền lợi của các giáo viên đã vượt qua vòng 1 và có cơ hội đỗ ở vòng 2 (trong số những người đăng ký thi, không chỉ có giáo viên hợp đồng lâu năm mà còn có các giáo viên khác).
Mặt khác, một số giáo viên hợp đồng lâu năm tuy đủ điều kiện để xét tuyển, nhưng tại trường họ có hợp đồng lại không có chỉ tiêu, nên nếu dừng kỳ thi lại các giáo viên này cũng sẽ thiệt thòi.
Ông Chung khẳng định việc tiếp tục kỳ thi không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các giáo viên lâu năm thuộc diện được xét tuyển đặc cách. Ông cho biết vẫn sẽ thực hiện lời hứa của mình trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại cách đây 20 năm, bao gồm chế độ bảo hiểm.
Với các giáo viên hợp đồng, ngay sau khi kết thúc vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức, họ cũng đã có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân với mong muốn bộ trưởng có chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng lâu năm, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.