Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên mầm non bán rau, xoay xở trong mùa dịch

Trường học phải tạm dừng đóng cửa do dịch bệnh, giáo viên mầm non không có thu nhập nên phải kiếm việc làm thêm, cầm cự qua ngày.

Hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị Phạm Thị Hoài Thu, giáo viên trường mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) chỉ quanh quẩn trong nhà. Chị Thu là mẹ đơn thân, một mình nuôi 3 con ăn học, cuộc sống rất vất vả.

giao vien kho khan anh 1

Cô Phạm Thị Hoài Thu dạy con học.

Nếu không có dịch bệnh, ngoài công việc hành chính, chị Thu nhận thêm lớp trả muộn, lớp trông trẻ thứ 7 ở trường để có thêm thu nhập. Khác với các cấp học khác, đặc thù của giáo viên mầm non là không thể tổ chức dạy học trực tuyến. Những ngày phải nghỉ do dịch bệnh, chị Thu tính đến việc bán hàng online nhưng vì phải toàn tâm, toàn ý chăm sóc 3 đứa con nhỏ nên chị không thể thu xếp được thời gian.

Dù vẫn nhận được lương hàng tháng của trường nhưng 4 mẹ con chị Thu phải chi tiêu tiết kiệm để cầm cự qua ngày. Bởi mức thu nhập trong công việc của chị Thu có được trước đó còn không đủ để chi tiêu hàng ngày, nói gì đến chuyện dư dả để tích lũy.

Tương tự chị Thu, những ngày phải nghỉ dạy ở nhà để phòng, chống dịch, chị Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) gặp nhiều khó khăn.

Mâm cơm ngày dịch bệnh của gia đình chị Khuyên chủ yếu đĩa xúc xích rán và bát canh rau muống luộc. Nghỉ dạy ở nhà từ đầu tháng 5, mỗi tháng chị Khuyên nhận được khoản tiền hỗ trợ của nhà trường là 3 triệu đồng.

Chồng chị Khuyên làm nghề lái xe taxi. Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, anh cũng không có việc để làm, trong khi gia đình vẫn phải trả góp khoản tiền mua xe hàng ngày là 10 triệu đồng/tháng. Cậu con trai lớn 5 tuổi của 2 anh chị lại mắc chứng bệnh mất tập trung, giảm chú ý, tiền chữa bệnh cho con hàng tháng khá tốn kém. Ở nhà để phòng, chống dịch, cả gia đình gồm 4 người sống qua ngày bằng số tiền hỗ trợ ít ỏi hàng tháng của chị Khuyên.

giao vien kho khan anh 2

Giáo viên mầm non bán hàng thêm thu nhập trên một diễn đàn mạng xã hội.

Chị Khuyên phải xoay xở bằng cách bán trứng, bán rau phục vụ các gia đình quanh nơi chị sinh sống. Tiền kiếm được từ việc bán trứng, bán rau cũng mang về thêm cho chị 2-3 triệu đồng/tháng. Nhưng từ ngày phải thực hiện giãn cách xã hội, mọi lối giao hàng của chị Khuyên đều bị chặn lại buộc chị phải ngừng buôn bán.

Trường hợp của chị Thu hay chị Khuyên còn may mắn hơn rất nhiều giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non tư thục khi không nhận được khoản tiền hỗ trợ nào từ phía nhà trường, chủ cơ sở mầm non.

Nghỉ dịch kéo dài, không thu nhập, nhiều giáo viên tìm kiếm cơ hội việc làm thêm trên các diễn đàn, mạng xã hội. Trong số đó, không ít người phải vật lộn với đủ nghề “tay trái” để mưu sinh. Có cô buôn trái cây, bán cháo, thậm chí có cô rửa bát thuê cho quán phở.

Đến nay Hà Nội đang phải thực hiện quy định giãn cách xã hội nên mọi công việc làm thêm của giáo viên mầm non càng khó khăn hơn.

Giáo viên làm công tác hậu cần ở khu cách ly

Trong thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên ở các trường học trên địa bàn TP Kon Tum tình nguyện làm công tác hậu cần ở khu vực cách ly, góp sức phòng, chống dịch bệnh.

https://vtc.vn/giao-vien-mam-non-ban-rau-ban-trung-xoay-xo-trong-mua-dich-ar629974.html

Mỹ Uyên/ VTC

Bạn có thể quan tâm