Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giáo viên mong tăng lương, sinh viên mong giảm học phí năm 2024

Giáo viên kỳ vọng trong năm 2024, lương giáo viên tiếp tục tăng cao hơn. Trong khi đó, sinh viên mong học phí đại học giảm hoặc giữ nguyên để giảm áp lực kinh tế cho gia đình.

hoc phi dai hoc anh 1

Trước thềm năm 2024, Tri thức - Znews đã có cuộc trò chuyện với một số giáo viên, học sinh, sinh viên về những trải nghiệm trong năm 2023. Tại đây, các nhân vật cũng bày tỏ nguyện vọng của bản thân và đề xuất một số thay đổi cho nền giáo dục năm 2024.

Mong đời sống giáo viên được quan tâm nhiều hơn

Khi bàn về điểm sáng giáo dục năm 2023, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), nói rằng điều đáng khen nhất trong năm vừa qua là thầy cô cả nước rất cố gắng để thực hiện chương trình giáo dục 2018. Thầy cũng dành lời khen cho chương trình này vì đã tăng cường giáo dục trải nghiệm nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều mà thầy Phú thấy ngành giáo dục chưa cải thiện được chính là vấn đề tuyển dụng giáo viên và tăng lương giáo viên.

hoc phi dai hoc anh 2

Thầy Huỳnh Thanh Phú kỳ vọng lương giáo viên sẽ tăng để đời sống thầy cô được cải thiện. Ảnh minh họa: Thành Đông.

Trước tiên là công tác tuyển dụng, thầy Phú nói rằng hiện nay các trường vẫn chưa được chủ động tuyển giáo viên mà vẫn phải phụ thuộc vào Sở GD&ĐT. Thầy cho rằng đây là một nghịch lý vì thủ trưởng đơn vị không được tuyển người nhưng đến lúc kỷ luật thì thủ trưởng lại là người thực hiện.

Vị hiệu trưởng đề xuất trong năm 2024, quyền tuyển dụng giáo viên nên được trao về từng đơn vị để các trường được chủ động tuyển giáo viên phù hợp. Thậm chí, việc nâng lương trước hạn hay đúng hạn cũng nên trao về cho các đơn vị tự chủ. Thầy Phú tin rằng việc “trao quyền” cho các trường học sẽ giúp công tác tuyển dụng suôn sẻ hơn, đồng thời giảm áp lực công việc cho các chuyên viên sở.

Tiếp theo là vấn đề tăng lương giáo viên. Năm vừa qua, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục được đăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng thầy Phú thấy rằng mức tăng này chưa thực sự xứng đáng với công sức và tâm huyết mà giáo viên đang bỏ ra.

Thầy hiệu trưởng nói rằng với mức lương eo hẹp như hiện nay, nhiều giáo viên rất khó lập gia đình vì áp lực cơm áo gạo tiền quá nặng nề. Nếu chỉ dạy học trên trường, giáo viên rất khó chăm lo cho gia đình chứ chưa nói đến chuyện mua nhà.

Ông nêu rằng giáo viên dạy các môn “được cho là quan trọng” như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh… có thể dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, nhưng những giáo viên dạy các môn “không quan trọng lắm” lại rất khó để mở lớp dạy thêm vì học sinh không có nhu cầu. Những thầy cô này đành phải bán hàng online, làm shipper hoặc các công việc tay chân khác để kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình.

“Tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ để tiếp tục nâng lương cho nhà giáo để các giáo viên có thể sống tốt với đồng lương của mình. Nếu được, tôi cũng hy vọng con của các giáo viên được miễn học phí khi đi học”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Đồng quan điểm với thầy Phú, cô T.H., hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, cũng cho rằng lương giáo viên hiện nay đang khá thấp, đời sống của các thầy cô cũng chưa được chăm lo chu đáo.

Là một giáo viên, cũng là một lãnh đạo, cô H. mong rằng cán bộ, giáo viên trong ngành sẽ được nâng lương lên mức ổn định hơn. Khi lương được cải thiện, giáo viên sẽ có thêm động lực để cống hiến hết mình cho nghề.

Ngoài tiền lương, cô H. cũng kỳ vọng trong năm 2024, đời sống của giáo viên được chăm lo nhiều hơn, không chỉ là sự chăm lo từ các bộ, ban, ngành mà cả xã hội sẽ đồng lòng để cho giáo viên được làm việc trong môi trường an toàn, được tin tưởng để hết mình làm việc.

Bản thân cô H. cũng mong muốn có một kênh kết nối giữa giáo viên và phụ huynh, cũng như kênh kết nối giữa giáo viên và lãnh đạo giáo dục. Nếu có ý kiến cần đề xuất, mọi người có thể trực tiếp trao đổi, góp ý và từ đó đưa ra vấn đề giải quyết nhanh gọn, tránh thông qua nhiều kênh phức tạp, gây mất thời gian.

“Giáo viên chúng tôi ai cũng tâm huyết và chăm lo cho các con. Chúng tôi chỉ mong cả xã hội tin tưởng và nhìn nhận một cách đúng đắn để vui vẻ công tác. Tôn sư trọng đạo vẫn là điều mà chúng ta nên giữ gìn và tôn trọng”, cô H. nói.

hoc phi dai hoc anh 3

Giáo viên đề xuất bỏ kỳ thi lớp 6, lớp 6 để giảm áp lực cho học sinh. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trả kỳ thi về cho địa phương, tổ chức thi cử nhẹ nhàng

Nói thêm về những kỳ vọng cho năm 2024, thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất Bộ GD&ĐT nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho từng địa phương, đồng thời thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 6 và lớp 10. Thay vì thi tuyển, các trường chỉ nên xét tuyển để giảm bớt áp lực cho học sinh cũng như giảm bớt nguồn lực cũng như chi phí khi tổ chức các kỳ thi.

Thầy Phú kiến nghị thêm một điều là nên bỏ lớp chuyên trong trường thường. Theo ông, lớp chuyên trong trường thường là sai luật giáo dục, gây tốn kinh phí của nhà nước và gây thiếu công bằng trong khâu tuyển sinh.

Qua đó, ông nêu rằng Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn bỏ lớp thường trong trường chuyên thì các tỉnh, thành cũng nên bỏ luôn lớp chuyên trong trường thường để tạo sự công bằng và tránh tổn hại nguồn lực, kinh phí của xã hội.

Thầy hiệu trưởng cũng có một trăn trở khác về công tác kiểm tra, đánh giá học sinh mà ai cũng nhìn thấy, nhưng không ai chịu thay đổi, đó chính là việc giáo viên dạy học không được ra đề thi. Thầy đặt câu hỏi vì sao giáo viên phụ trách môn học đó không được ra đề mà lại giao cho những người có “tầm vóc” quá lớn như giáo sư, tiến sĩ.

Thầy Phú tin rằng chính điều này gây ra tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đề thi quá khó, quá hàn lâm, khiến học sinh phải đổ xô học thêm mới có thể làm tốt các bài thi cuối kỳ, chuyển cấp… Ông đề xuất các kỳ kiểm tra, đánh giá học sinh chỉ nên diễn ra nhẹ nhàng, không cầu kỳ và không dùng dữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Cũng là câu chuyện dùng dữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề thi, thầy Phú không ủng hộ điều này. Ông cho rằng việc dùng dữ liệu ngoài sách để ra đề thi, nhất là môn Ngữ văn, chính là đang gây khó dễ cho học sinh, gây ra tình trạng thiếu đồng nhất và thiếu định hướng rõ ràng trong việc ôn tập.

Không riêng môn Ngữ văn, thầy Phú thấy rằng các môn học khác cũng đang quá nặng nề và khiến học sinh áp lực. Lấy ví dụ môn Hóa, là một giáo viên dạy Hóa, thầy Phú thấy chương trình giáo dục 2018 còn nặng hơn chương trình cũ, nói là giảm tải nhưng thực ra lại nặng hơn rất nhiều. Điều này khiến cả thầy và trò thấy áp lực khi dạy và học.

“Tôi ủng hộ việc Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ sách giáo khoa mới để thực hiện đúng tinh thần giảm tải và giảm giá sách giáo khoa. Chúng ta không nên dựa vào một đơn vị tư nhân kinh doanh giáo dục. Sách giáo khoa bây giờ đang bị thiên biến vạn hóa, một môn xé lẻ thành 3-4 cuốn, đó là một cơn sốt ảo vừa đắt đỏ lại khiến học sinh mệt mỏi khi học”, hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân nhấn mạnh.

hoc phi dai hoc anh 4

Học sinh 2006 kỳ vọng đề thi tốt nghiệp THPT 2024 nhẹ nhàng, không đánh đố. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Học sinh, sinh viên mong giảm học phí, được hướng nghiệp nhiều hơn

Không riêng giáo viên, học sinh, sinh viên cũng có những kỳ vọng và đề xuất cho ngành giáo dục trong năm 2024.

Minh Ngọc, học sinh lớp 12 tại một trường THPT công lập ở Hà Nội, nói rằng kỳ vọng lớn nhất của em trong năm tới là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra suôn sẻ, đề thi vừa phải, không làm khó thí sinh.

Là lứa cuối cùng thi tốt nghiệp theo cấu trúc đề cũ, Ngọc mong rằng đề thi sẽ bám sát đề minh họa, không có những câu hỏi đánh đố hay nằm ngoài sách giáo khoa khiến thí sinh bỡ ngỡ hay mất điểm oan.

Chỉ còn khoảng nửa năm ôn thi và quyết định lựa chọn nguyện vọng đại học, Minh Ngọc đã chọn được ngành và một số trường mong muốn theo học. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn khá mông lung với 2 vấn đề, thứ nhất là định hướng ngành học, thứ hai là học phí.

Nói về vấn đề định hướng ngành học, Minh Ngọc nói rằng em muốn theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng bản thân em chưa thực sự nắm rõ ngành này sẽ được học những gì, cơ hội việc làm khi ra trường thế nào.

Trường THPT nơi Ngọc theo học tổ chức rất nhiều buổi hướng nghiệp, nhưng các trường đại học chỉ chăm chăm nói về học phí, cơ sở vật chất, còn điều học sinh quan tâm như chương trình học và cơ hội việc làm lại không nói đến.

Còn về vấn đề học phí đại học, Minh Ngọc đã tìm hiểu trước và cảm thấy khá lo lắng vì học phí của các trường hiện nay khá cao, lại còn tăng dần theo từng năm.

Nữ sinh kỳ vọng trong năm tới, học phí sẽ “bình ổn” để lứa sinh viên mới giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình. Ngoài ra, em cũng mong các trường chia nhỏ, thu học phí thành từng đợt thay vì “thu cả cục” vì việc đóng cả chục triệu học phí cùng lúc sẽ khiến nhiều gia đình xoay xở không kịp.

Cũng bàn đến câu chuyện học phí, Trương Thúy, sinh viên năm nhất tại một trường đại học công lập ở Đà Nẵng, cũng mong rằng học phí có thể giảm bớt trong năm 2024. Nếu không thể giảm, nữ sinh cũng mong học phí dừng tăng để sinh viên và gia đình đỡ áp lực.

Thúy học ở Đà Nẵng, so với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì học phí cũng rẻ hơn một chút, nhưng nữ sinh lo rằng với đà tăng học phí như hiện tại thì sớm muộn số tiền sinh viên Đà Nẵng phải đóng cũng có thể ngang ngửa Hà Nội và TP.HCM.

“Nếu học phí vẫn tăng thì mình mong chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất sẽ tăng theo học phí”, Thúy đề xuất, đồng thời cho biết sinh viên các lớp tín chỉ khá mệt mỏi vì lớp quá đông, có khi lên đến 70-80 người một lớp. Cơ sở vật chất không đảm bảo, đôi lúc điều hòa, quạt điện hỏng vào những ngày trời rất nóng nhưng nhà trường lại không kịp thời can thiệp, xử lý.

Ngoài vấn đề chất lượng đào tạo, Trương Thúy cũng đề xuất các trường xem lại chuyện tính điểm rèn luyện. Hiện tại, cô thấy các trường đại học đang quá xem trọng điểm rèn luyện, khiến sinh viên rất áp lực.

Ngoài việc học trên lớp, nhiều người chạy đôn chạy đáo tham gia hoạt động xã hội để "tích góp từng con điểm". Nhiều người cực đoan đến mức bỏ học để đi kiếm điểm rèn luyện, hay tham gia những hoạt động không phù hợp với sức khỏe hoặc sở thích. Nữ sinh cho rằng đây là điều không nên.

"Mình không yêu cầu các trường bỏ hẳn điểm rèn luyện, chỉ mong các trường giảm bớt sức nặng cho phần điểm này. Dù sao thì bằng tốt nghiệp cũng không ghi điểm rèn luyện lên đó, chúng ta đâu nhất thiết phải khiến sinh viên áp lực như vậy”, Thúy nêu quan điểm.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Nhìn lại giáo dục 2023

Ngành giáo dục năm 2023 diễn ra nhiều sự kiện đáng nhớ và cũng là năm ghi lại những dấu mốc quan trọng cho giáo dục năm 2024.

Thái An

Bạn có thể quan tâm