Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên Mỹ Đức 'bị ép' ký cam kết tự nguyện nghỉ việc nếu thi trượt

Sau thông báo thi tuyển viên chức ngành giáo dục, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Mỹ Đức (Hà Nội) "bị ép" ký cam kết tự nguyện nghỉ việc nếu thi trượt.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức đang có nguy cơ mất việc nếu không thi đỗ kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục của TP Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Giáo viên bức xúc

Theo các giáo viên hợp đồng tại đây, họ được Phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức yêu cầu ký vào bản cam kết tự nguyện nghỉ việc nếu trượt kỳ thi tuyển viên chức.

Trên danh nghĩa tự nguyện viết đơn để gửi lên UBND huyện Mỹ Đức, song thực tế, nội dung lại được Phòng Nội vụ soạn thảo và gửi về các trường “ép” giáo viên thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức, cho biết: “Ngay sau khi có thông báo về kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục, chúng tôi nhận được thông báo từ hiệu trưởng các trường rằng Phòng Nội vụ thông báo điều kiện thi tuyển viên chức của giáo viên hợp đồng là buộc phải ký vào bản cam kết tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động nếu không thi đỗ.

Chúng tôi cũng không nhận được thông tin giải thích vì sao phải ký. Bản thân chúng tôi không muốn ký, nhưng nếu không ký sẽ không được thi. Như vậy, trên danh nghĩa là tự nguyện, thực tế là ép buộc giáo viên. Sau bao năm cống hiến cho ngành giáo dục, làm gì có chuyện giáo viên tự nguyện xin thanh lý hợp đồng”.

Giao vien bi ep ky cam ket anh 1
Bản cam kết được gửi đến các giáo viên. Ảnh: VOV.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (TH Đại Hưng 2) chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy quá bức xúc khi sau ngần ấy năm cống hiến, lại bị đối xử như vậy”.

Nhiều giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức đang thấp thỏm lo âu, dù ký hay không ký, cũng sẽ bị nghỉ việc, nếu không thi đỗ trong kỳ thi tuyển viên chức lần này.

Được biết, trước đó, Phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức có gửi email thông báo cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Nội dung thông báo: “Giáo viên hợp đồng tham dự thi làm 2 bản cam kết (theo mẫu gửi kèm), một bản nộp về trường, một bản nộp về Phòng Nội vụ huyện. Nhà trường có giáo viên hợp đồng dự thi thu đủ bản cam kết rồi cử người nộp về Phòng Nội vụ chậm nhất ngày 13/4/2019”.

Cụ thể, bản cam kết mà các giáo viên phải ký có nội dung: Chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công. Sau khi có kết quả kỳ thi, có trách nhiệm báo cáo kết quả về ban giám hiệu nhà trường, đồng thời tự nguyện xin thanh lý hợp đồng lao động đang ký kết với nhà trường theo quy định.

Theo các giáo viên huyện Mỹ Đức, năm nay, toàn huyện có khoảng hơn 300 giáo viên hợp đồng, trong khi đó, chỉ tiêu viên chức giáo viên toàn huyện lại chỉ hơn 100 chỉ tiêu.

Hơn nữa, kỳ thi lần này không có quy định về bằng cấp, hộ khẩu thường trú Hà Nội, nên sẽ có lượng lớn ứng viên từ các địa phương lân cận về thi. Như vậy, kỳ thi này đã khó khăn, lại càng thêm phần cam go, khốc liệt.

“Có lẽ, Phòng Nội vụ muốn tránh tình trạng những giáo viên hợp đồng lâu năm như chúng tôi phản ứng, kêu cứu như trường hợp của huyện Sóc Sơn và một số địa phương trước đó, nên mới nghĩ ra cách này để chúng tôi im lặng nghỉ việc. Sau khi các giáo viên phản ứng quá mạnh, các trường có thông báo miệng là không cần làm bản cam kết nữa cũng được”, chị Phương Anh nói.

Nhiều giáo viên hợp đồng có hàng chục năm gắn bó với nghề đang đứng trước nguy cơ mất việc. Nguyện vọng chung của hàng trăm giáo viên hợp đồng là huyện Mỹ Đức sẽ có cơ chế xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ điều kiện, chuyên môn tốt, thành tích cao, nhiều năm công tác trong nghề, hoặc chí ít, nếu thi cũng sẽ có những cơ chế đặc biệt.

Ký cam kết chỉ để người dự thi hiểu rõ hơn chủ trương?

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho rằng kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm nay có một số áp lực. Do 5 năm mới có một kỳ thi, trong khi dân số tăng lên, kèm theo số lớp học cũng tăng lên, đương nhiên huyện phải ký hợp đồng với giáo viên.

Trong 5 năm mới có một đợt thi, đương nhiên số giáo viên hợp đồng tích tụ theo đó cũng tăng lên. Năm nay, Hà Nội không giới hạn việc có hộ khẩu mới được thi, nên lượng thí sinh tham dự kỳ thi chắc chắn sẽ rất đông, đây cũng là một áp lực.

Thứ hai, theo Nghị định 161 về thi tuyển và quyết định 39 về sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế, chỉ được tuyển số người phù hợp định mức, vị trí việc làm của các cơ quan, các trường.

Trong kỳ thi này, cả thí sinh tự do và những người trong hợp đồng đều phải thi, khi trúng tuyển, chính thức được vào vị trí viên chức ngành. Những người chưa trúng tuyển, dù là thí sinh tự do hay cô giáo hợp đồng, đều phải tiến tới chấm dứt hợp đồng vì ngân sách không có. Chuyện không đỗ, phải chấm dứt hợp đồng không thực hiện trước thì sau.

“Một số cô giáo có ý kiến rằng đã công tác lâu năm nên muốn xin cơ chế đặc biệt. Nhưng dù lâu năm thì trước đó họ cũng có nguyện vọng được xin vào hợp đồng. Huyện chủ yếu ký hợp đồng một năm đổ lại, sau đó tiếp tục ra hạn, nên vấn đề này phụ thuộc quy định, thỏa thuận giữa đôi bên. Nếu có điều kiện thì ký tiếp, còn không buộc phải chấm dứt hợp đồng. Nếu hỏi huyện có phương án nào khác không thì hiện tại là không”, ông Hậu cho biết.

Trước câu hỏi về có hay không việc huyện yêu cầu giáo viên làm cam kết tự nguyện nghỉ việc nếu thi trượt kỳ thi tuyển viên chức, ông Hậu cho rằng có đề nghị, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai nộp lại bản cam kết ở bộ phận thu phiếu đăng ký.

Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức cho rằng bản cam kết chỉ để thông báo cho nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên ôn tập, tham gia kỳ thi, cũng như hoàn toàn phù hợp chỉ thị 39 của trung ương về sắp xếp và tinh giản biên chế của các cơ quan đơn vị.

“Khi đang là giáo viên hợp đồng, nếu trúng tuyển, các bạn trở thành viên chức, còn không trúng sẽ phải sắp xếp lại không sớm thì muộn. Bản cam kết để các bạn hiểu rõ về chủ trương hiện tại đang có sắp xếp bộ máy và định mức lao động như vậy, từ đó có thể tính toán tham gia kỳ thi này hoặc tìm công việc khác phù hợp. Còn nói dù không đỗ nhưng vẫn mãi mãi có hợp đồng thì không có”, ông Hậu cho hay.

Theo ông Hậu, kỳ thi tuyển viên chức lần này sẽ giúp chọn ra những giáo viên có trình độ, năng lực để tiếp tục giảng dạy. “Có những giáo viên thi 5 lần không đỗ, nhưng lại vẫn muốn được ở lại. Việc các giáo viên mầm non kêu khó khi phải thi tiếng Anh và Tin học, nhưng với sự nghiệp giáo dục hòa nhập quốc tế như hiện nay thì không thể làm khác. Huyện không thể có chính sách riêng. Các giáo viên nói rằng có kinh nghiệm nhiều năm vững vàng, nhưng không cập nhật ngoại ngữ, tin học, thì không thể bằng các bạn trẻ”.

Giáo viên ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc Gần 300 giáo viên tại Sóc Sơn, Hà Nội, đồng loạt kêu cứu vì có nguy cơ phải ra khỏi ngành sau hàng chục năm công tác.

Liên quan việc hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc nếu không vượt qua được kỳ thi tuyển viên chức tới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 15 sáng 9/4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khẳng định thành phố sẽ họp bàn và đưa ra phương án tối ưu.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, kế hoạch tuyển dụng của thành phố thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 161 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Các tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ và tin học. Trong đợt thi tuyển, bên cạnh việc thực hiện nghiêm Nghị định 161, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ số giáo viên đang trong diện hợp đồng.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội khẳng định, từ rà soát, đánh giá thực tiễn, thành phố sẽ họp và đưa ra phương án tối ưu nhất. Theo đó, những giáo viên đã có kinh nghiệm, giảng dạy tốt, thành phố có thể đề ra phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để họ có công việc, cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết đợt thi tuyển lần này, Hà Nội sẽ đảm bảo mục tiêu giải quyết được những tồn đọng về vấn đề giáo viên hợp đồng quá dài, đã tồn tại nhiều năm trước.

Trên cơ sở thống kê ở các quận, huyện và cụ thể từng trường, ban chỉ đạo, thành phố sẽ có đánh giá cụ thể, thông tin minh bạch những chính sách liên quan đến giáo viên.

Việc thi tuyển cũng nhằm đảm bảo đủ số giáo viên trong các trường công lập; với mục tiêu tạo được sự ổn định cho giáo viên toàn thành phố để họ yên tâm công tác.

Chủ tịch Hà Nội nói về 2.700 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố sẽ cân nhắc phương án tuyển dụng viên chức với giáo viên hợp đồng, có thể vừa thi tuyển, vừa xét tuyển.

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/giao-vien-my-duc-bi-ep-ky-cam-ket-tu-nguyen-nghi-viec-neu-thi-truot-896512.vov

Theo Nguyễn Trang / VOV

Bạn có thể quan tâm