Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên xem tin nhắn Facebook của học sinh là vi phạm pháp luật

Việc giáo viên xem tin nhắn trên điện thoại của học sinh dẫn đến quyết định đuổi học 7 em ở Thanh Hóa khiến nhiều người băn khoăn về bảo vệ quyền riêng tư, bí mật thư tín cho trẻ.

Giáo viên xem tin nhắn của học sinh là xâm phạm quyền riêng tư Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng thầy cô xem tin nhắn Facebook trên điện thoại của học sinh là vi phạm về quyền được bảo vệ bí mật đời tư và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.

Câu chuyện 8 học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa bị nhà trường kỷ luật, trong đó 7 em bị đuổi học, sau khi cô giáo đọc nội dung nói xấu nhà trường, giáo viên trên điện thoại tịch thu của học sinh, gây chú ý.

Nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này. Phần lớn ý kiến không đồng tình với việc xúc phạm giáo viên, nhưng phản đối việc thầy cô tự ý xem tin nhắn trên điện thoại của học trò.

Học sinh có quyền kiện quyết định của trường

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều quy định mỗi công dân có quyền giữ bí mật về thư tín, điện tín. Các hành vi vi phạm quyền này có thể bị xử lý về hành chính, thậm chí là truy tố hình sự.

“Thầy cô tự ý vào nhóm kín của học sinh để xem tin nhắn cá nhân, không công khai, rõ ràng là hành vi xâm phạm thư tín, điện tín, quyền riêng tư của công dân”, ông Tuấn Anh cho biết.

Không chỉ vậy, việc xâm phạm thư tín này còn để lại hậu quả. Đó là quyết định kỷ luật buộc thôi học đối với học sinh.

hoc sinh noi xau thay co anh 1
Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, cảnh báo giáo viên xem tin nhắn trên điện thoại của học sinh khi chưa được các em đồng ý là phạm luật. Ảnh: Bảo Lâm.

Ông Tuấn Anh nhận định: “Giáo viên biến hành vi vi phạm của mình thành vi phạm của học sinh, dẫn đến việc ban hành quyết định kỷ luật, có thể xâm phạm lợi ích hợp pháp của học sinh. Trường hợp này, học sinh có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định của nhà trường”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, pháp luật có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền bí mật thư tín, điện tín của mỗi công dân. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ bí mật thư tín, điện thoại của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ. Theo điều 38 Bộ luật Dân sự, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác được bảo đảm an toàn và bí mật.

Luật sư Hậu cũng lưu ý về những quy định của Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực vào năm 2019, có đề cập vấn đề này. Khoản 4, điều 29 về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng quy định cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em hoặc những cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ khi các em tham gia trên không gian mạng.

Khoản 1, điều 29 của luật này cũng quy định trẻ em có quyền có đời sống riêng tư và tham gia trên không gian mạng.

"Khi các em tham gia trên không gian mạng, giáo viên phải tôn trọng quyền này, trước khi xem hoặc sử dụng tin nhắn riêng tư của các em, phải hỏi ý kiến. Cô giáo không phải cơ quan có thẩm quyền nên không thể xâm phạm bí mật đời tư, bí mật thư tín. Việc cô giáo mở điện thoại mà không được sự đồng ý của học sinh là vi phạm pháp luật và vi phạm Công ước về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên", luật sư Hậu nói.

Thu hồi quyết định kỷ luật 8 học sinh xúc phạm giáo viên trên Facebook

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định đuổi học 8 học sinh, thông báo cho các em trở lại trường.

Trước áp lực của dư luận và ý kiến chuyên gia, nhà trường đã rút lại quyết định buộc thôi học với các học sinh. Quyết định kỷ luật bị hủy nên không còn đối tượng để khởi kiện. Theo các luật sư, đây là biện pháp “chữa cháy” đúng lúc của trường, tránh hậu quả pháp lý và thực tế.

Theo luật sư Hậu, trường hợp cô giáo muốn xem tin nhắn trên, nhà trường phải mời người giám hộ của học sinh, cùng chủ nhân chiếc điện thoại. Nếu nghi ngờ tin nhắn của các em bôi nhọ danh dự, vu khống, đặt điều, nhà trường có thể mời cơ quan có thẩm quyền điều tra và trích xuất tin nhắn điện thoại.

Tuy nhiên, ông Hậu cho rằng trong môi trường giáo dục, giữa thầy và trò không nên dùng biện pháp căng thẳng, mà chỉ nên giáo dục, phân tích để học sinh hiểu. Hành động tự ý xem tin nhắn, sau đó kết luận nội dung để đưa ra quyết định kỷ luật là cách làm phản giáo dục.

Cha mẹ đang xem nhẹ quyền riêng tư của trẻ

Theo các luật sư, luật pháp quy định trong một số trường hợp, cơ quan chức năng, người có thẩm quyền được mở thư tín, xem tin nhắn, điện thoại để phục vụ công việc khác. Nhưng không có quy định cụ thể dành cho người giám hộ.

Ngày 1/10, nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa, sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích” - tên cô chủ nhiệm - với nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày.

Nhà trường quyết định đuổi học một năm 3 học sinh và đuổi học một tuần 4 em khác. Một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Trong nhiều gia đình, cha mẹ vẫn thường xem việc kiểm tra tin nhắn điện thoại, Facebook của con trẻ là cách giám sát, quản lý. Sau vụ việc trên, nhiều phụ huynh băn khoăn liệu cách làm của mình có đúng và có đang xâm phạm quyền riêng tư của con.

Theo luật sư Tuấn Anh, quy định của pháp luật về vấn đề này còn chung chung, mang tính hình thức hơn là thực tiễn. Các quy định pháp luật ban hành chỉ bắt đầu tạo nên thói quen tôn trọng sự riêng tư của mỗi công dân và để phù hợp hơn với thông lệ pháp luật quốc tế khi hội nhập.

“Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể, con ở độ tuổi nào thì bố mẹ hay người thân được quyền xem tin nhắn, ở độ tuổi nào các em được quyền tự bảo vệ”, ông Tuấn Anh cho biết.

Dù vậy, cha mẹ là người giám hộ đương nhiên của con, nên việc kiểm tra, theo dõi tin nhắn điện thoại, Facebook, thư tín là để quản lý và dạy dỗ các con dưới 18 tuổi, là không sai. Tuy nhiên, việc kiểm soát nên ở một mức độ phù hợp.

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng với tâm lý chung của người Á đông, cha mẹ vẫn thường đặt con dưới sự giám sát về mọi mặt, chưa xem trọng quyền riêng tư của trẻ. Vì vậy, những vụ việc vi phạm thường rất khó để xử lý.

'Quyết định đuổi học của nhà trường là nóng vội, thiếu thận trọng' Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết nhóm học sinh lớp 10 xúc phạm giáo viên trên Facebook chưa đến mức bị đuổi học một năm.

"Học sinh phạm lỗi là đuổi, giáo dục coi như thất bại rồi"

Việc giáo viên xem tin nhắn trên điện thoại học sinh sau đó đưa ra quyết định kỷ luật ở trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) đã trở thành tình huống sư phạm được nhiều sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM tranh luận.

Bạn Hang Nguyen cho rằng thầy cô và nhà trường đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, xâm phạm tài sản cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân và thiếu trách nhiệm khi xử lý tình huống.

Trong khi đó, nếu đặt trường hợp mình là giáo viên bị nhóm học sinh này nói xấu, bạn Nhất Anh Lê nói: "Trước tiên, tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân. Vì sao em đó lại nói như vậy, thầy cô đó đã có hành động gì, trong hoàn cảnh như thế nào? Sau đó, tôi mới phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh và khuyên nhủ các em. Nếu học sinh cứ vi phạm là đuổi, giáo dục coi như thất bại rồi".

Đình chỉ một năm học sinh nói xấu thầy cô trên Facebook là quá nặng

Nhiều luật sư, giáo viên cho rằng hình phạt đuổi học 7 học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội là quá nặng, không mang tính nhân văn và giáo dục.


Minh Nhật - Lâm Huệ

Bạn có thể quan tâm