Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gieo chữ nơi 'ốc đảo' Cồn Chim

Chòng chành trên những chuyến đò vượt sóng ra Cồn Chim dạy chữ, những người giáo viên vẫn từng ngày thầm lặng với công việc của mình.

Muốn đến Cồn Chim phải đi nhờ ghe của dân bản xứ hết 15 phút. Điểm trường Cồn Chim hiện có hai khối lớp: Mầm non, trực thuộc trường mầm non xã Phước Sơn và tiểu học, trực thuộc trường tiểu học số 2 Phước Sơn. Ở bậc tiểu học, vì số lượng học sinh ít ỏi nên phải ghép lớp.

Những chuyến 'đò kép'

Lớp ghép 2, 3 chỉ có 12 học sinh; lớp ghép 4, 5 có 18 học sinh. “Cả khối tiểu học chỉ hơn 50 em.

Năm lớp tiểu học ngoài này cộng lại chỉ bằng một lớp học bình thường trên đất liền”, thầy Trần Xuân Thành, giáo viên dạy Mỹ thuật, người gắn bó với điểm trường Cồn Chim bảy năm qua, trầm ngâm cho hay.

Phòng học được xây có phần vững chãi nhưng bàn ghế bên trong nhiều chiếc đã “già nua”, bong tróc.

lop hoc o Con Chim anh 1
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoàng trong lớp học.

Hầu hết giáo viên đang công tác tại Cồn Chim đều đang thực hiện những chuyến “đò kép”. Chuyến đò của người chuyển trao tri thức và chuyến đò thực khi vượt trập trùng sóng gió để đến với Cồn Chim.

Tất nhiên, những chuyến đò ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng cập bến bình yên. “Mấy cô giáo dạy học ở đây chịu thương, chịu khó lắm. Hồi bữa có một cô giáo bước xuống đò bị té gãy tay”, bà Nghiêm - nhà ở gần bến đò - cho hay.

Người bị nạn chính là cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoàng, giáo viên chủ nhiệm hai lớp 3 và 4. Cánh tay bó bột, sưng nhức nhưng chỉ sau một hai ngày điều trị, cô giáo Hoàng lại cố gắng đi đò qua Cồn Chim để dạy.

“Phụ trách lớp ghép. Việc dạy khá khó khăn. Vừa quay qua trái dạy lớp 4 lại sang bên phải kiểm tra bài vở các em lớp 5. Mình nghỉ rồi không biết ai thay. Hơn nữa, không đi dạy lại thấy nhớ học sinh lắm. Vậy là lại qua đây cùng tụi nhỏ”, cô Hoàng cười hiền lành.

Những ngày mưa to, gió lớn, chuyến đò lại qua Cồn Chim gánh thêm bao nỗi âu lo. Chiếc áo mưa không che chắn nổi trước những con sóng va đập, tung tóe nước vào người. Cô giáo đến trường, người ướt như chuột lột.

Dạy xong, quần áo mới khô thì lại… ướt sau chuyến về. “Riết thành quen”, cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 2 và 3, không giấu được nét suy tư khi kể lại những chuyến đò vừa sợ vừa “cười ra nước mắt”.

lop hoc o Con Chim anh 2
Giáo viên giúp nhau lên đò qua đảo Cồn Chim.

Cô giáo Tuyết Nga quê ở Phù Mỹ, chọn dạy học ở ốc đảo Cồn Chim, nghĩa là cô chấp nhận cảnh sống xa nhà để hết mình với nghiệp đưa đò. Cô Nga thuê căn phòng nhỏ ở gần UBND xã Phước Sơn, ngày ngày chạy xe hơn chục cây số, gửi xe ở Lộc Thượng rồi đi đò qua đảo.

Cô Nga kể: “Có hôm, mang đồ ăn sáng theo nhưng rồi chờ đò mãi bị trễ giờ lên lớp. Qua lớp phải tranh thủ dạy các em nên quên cả chuyện ăn uống. Trưa lại mang về. Có những hôm mưa gió, các giáo viên ngồi chờ đò trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng dính, nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi, nhưng riết rồi cũng quen. Miễn sao an toàn qua Cồn Chim để dạy tụi nhỏ là tốt rồi. Bọn trẻ này nhiều thiệt thòi. Để các em lớn lên mà chữ nghĩa không đâu vào đâu. Tội lắm”.

Tuy cơ sở vật chất của điểm trường Cồn Chim đã được nâng cấp, nhà trường vẫn thiếu nhà công vụ để giáo viên có chỗ nghỉ ngơi sau những giờ dạy. Cũng có thầy cô bám trụ lại với Cồn Chim, xem đây là quê hương của mình như cô Mai Thị Thanh Loan, dạy lớp mầm non.

Cô Loan đến điểm trường Cồn Chim khi nhà dân nơi này còn thưa thớt, cơ sở vật chất của điểm trường Cồn Chim vô cùng nghèo nàn. Yêu nghề, yêu trẻ là động lực để cô Loan hàng ngày đội nắng mưa qua đảo. Lâu dần, cô bén duyên cùng mảnh đất này. Cô tâm sự, lấy chồng xong là ở lại Cồn Chim, tính ra đã 20 năm.

Hành trình gieo chữ ngoài Cồn Chim còn nhiều khó khăn, vất vả vì không chỉ đơn thuần về chuyện đi lại cách trở mà còn cả về mặt tiếp thu của học sinh. So với các em trong đất liền, trẻ ở Cồn Chim tiếp nhận bài học chậm hơn.

Chị Đặng Thị Mỹ Trang, là phụ huynh của hai em Phú, Hòa hai lớp khối 3, 5 tâm sự, công việc của vợ chồng chị cũng như nhiều hộ dân ở Cồn Chim là làm bờ, nuôi tôm cá. Đêm đến thả lưới, giăng câu mưu sinh trên đầm Thị Nại. Sáng sớm ra phải tất tả mang cá tôm vào bờ để bán. Quỹ thời gian dành cho con cái không nhiều. Trước đây cũng không có điều kiện học hành nên giờ cũng không biết sao chỉ dạy cho con. Chỉ trông chờ chữ nghĩa của thầy cô…

Cần sự đồng hành

Anh Trần Văn Nam - bảo vệ của điểm trường Cồn Chim (ba anh cũng là bảo vệ trước đây của trường) - kể điểm trường hồi trước còn lụp xụp, mỗi khi có cơn mưa to, gió lớn, trường như muốn đổ tới nơi. Cách đây vài năm, trường được xây mới, đàng hoàng hơn.

Hồi trận lũ năm 2016, cả Cồn Chim chỉ còn thấy mấy nóc nhà lô nhô và những hàng cây rũ rượi, điểm trường Cồn Chim trở thành nơi an trú của nhiều học sinh và người dân.

“So với nhiều nơi khác trong xóm, điểm trường được xây cao hơn nên bà con xin tá túc tránh lũ”, nói rồi anh chỉ vào ngấn nước còn in trên vách tường của trường như để minh chứng lời mình. Vì quỹ đất hẹp nên điểm trường Cồn Chim, ngoài là nơi để dạy dỗ còn là địa điểm vui chơi của trẻ em trong xóm.

lop hoc o Con Chim anh 3
Điểm trường Cồn Chim.

Thầy Phó Hữu Hiếu - phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Phước Sơn - cho biết việc dạy học ở đảo Cồn Chim gặp nhiều khó khăn cả về trang thiết bị vật chất lẫn vấn đề đi lại.

Nhà trường chủ trương phân bổ những giáo viên có sức khỏe tốt ra công tác ngoài “ốc đảo”. Các giáo viên luân phiên ra đảo dạy theo từng năm.

Trước đây, các em ở Cồn Chim muốn học vi tính phải đi đò qua điểm trường chính. Thấy các em nhỏ khó khăn trong vấn đề đi lại nên nhà trường chủ trương mang máy vi tính trang bị cho điểm trường Cồn Chim, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc dạy và học.

Ông Phạm Minh Tâm - phó chủ tịch xã Phước Sơn - cho biết để tạo điều kiện cho công tác dạy học tại Cồn Chim, giáo viên và cán bộ qua lại điểm trường Cồn Chim được miễn tiền đò, UBND xã sẵn sàng hỗ trợ thêm chi phí cho các chủ đò.

Đồng hành cũng những chuyến đò qua lại đôi bờ chở mầm chữ gieo trên miền “ốc đảo” là sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành giáo dục huyện Tuy Phước.

Ông Vương Tử Nghị - phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước - chia sẻ phía Phòng đào tạo luôn cố gắng hoàn thiện cơ sở vật chất trang thiết bị để phục vụ chuyện dạy và học ở điểm trường Cồn Chim.

Năm 2014, điểm trường Cồn Chim đã được xây dựng lại với 2 phòng học mới và nhà vệ sinh, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác dạy và học.

Cồn Chim thuộc thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 15 km, hiện có hơn 250 hộ dân sinh sống. Nơi đây là “ốc đảo” nằm lọt thỏm giữa đầm Thị Nại. Bao năm nay người dân Cồn Chim vẫn sống trong cảnh đò ngang cách trở, nhất là vào mùa mưa lũ, nơi này gần như bị cô lập, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.

Xem xét lại hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tạm giữ hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để xem xét lại cùng một số hồ sơ được công nhận giáo sư, phó giáo sư khác.

http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gieo-chu-noi-oc-dao-con-chim-3916867-b.html

Theo Vân Phi / Giáo Dục & Thời Đại

Bạn có thể quan tâm