Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giờ nghỉ trưa xa xỉ của dân văn phòng

Mạnh Cường (24 tuổi) không thể ngủ trưa tại văn phòng. Anh cho rằng công ty mình không phải địa điểm lý tưởng để nghỉ ngơi giờ trưa.

ngu trua cong so anh 1

Giờ nghỉ trưa tại các công ty Việt Nam dao động từ 1 tiếng đến 1,5 tiếng. Trong thời gian này, hầu hết người lao động tự sắp xếp để ăn trưa và giải trí theo ý muốn.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều sử dụng quỹ thời gian này cho việc nghỉ ngơi. Nhiều người có thói quen tiếp tục làm việc, hàn huyên với đồng nghiệp, xử lý việc cá nhân.

Zing trò chuyện cùng 6 bạn trẻ làm việc trong những lĩnh vực khác nhau để lắng nghe chia sẻ của mỗi người về sự lựa chọn đối với giờ nghỉ trưa.

Giờ trưa không chỉ để ngủ

Thu Trang (23 tuổi, chuyên viên phát triển kinh doanh): Giờ trưa, tôi tranh thủ ăn uống và nói chuyện với đồng nghiệp. Một số ngày, tôi vận động nhẹ nhàng như giãn lưng, xoay khớp... Giờ nghỉ trưa chỉ một tiếng, tôi không nghĩ mình có thể làm gì nhiều. Sang buổi chiều, nếu buồn ngủ, tôi uống thêm cà phê hoặc nước tăng lực để tỉnh táo.

ngu trua cong so anh 2

Sau nhiều năm đi làm, Mạnh Cường hầu như không ngủ trưa tại văn phòng. Ảnh: NVCC.

Thành Nam (25 tuổi, chuyên viên quản trị web): Tôi tận dụng thời gian nghỉ trưa để đọc sách, nghe podcast, xem video… Đối với tôi, đây là khoảng thời gian khá yên tĩnh, dễ tập trung để học kiến thức mới.

Thức xuyên trưa không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và công việc của tôi, vì đây là lối sống tôi đã duy trì trong nhiều năm nay.

Quốc Hùng (24 tuổi, họa viên kiến trúc): Gần đây, tôi được cấp trên phân công làm việc với một đối tác quan trọng. Vì đặc thù chuyên môn, tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa để tự học thêm những kiến thức mới về công nghệ, phần mềm, đáp ứng việc hợp tác hai bên.

Ngoài công việc tại công ty, tôi còn đi dạy thêm vào buổi tối. Giờ trưa là thời gian rảnh duy nhất trong ngày.

Mạnh Cường (24 tuổi, nhân viên marketing): Chỉ có khoảng một tiếng nghỉ trưa, tôi tranh thủ ra ngoài ăn uống thay đổi không khí, đọc báo hoặc tán gẫu với đồng nghiệp. Tôi gần như không ngủ trưa ở công ty bao giờ. Quỹ thời gian buổi trưa ít ỏi, ngủ ngắn và nông còn làm tôi mệt hơn vào buổi chiều.

ngu trua cong so anh 3

Phương Khanh duy trì thói quen không ngủ trưa nhiều năm qua. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, không ngủ trưa làm tôi bị rối loạn giấc ngủ. Tan sở về nhà lúc 19h, việc đầu tiên tôi làm là chợp mắt một tiếng vì quá mệt. Sau đó, ban đêm tôi lại khó ngủ, thường chỉ ngủ sau 1h-2h sáng.

Thanh Nga (25 tuổi, nhân viên tư vấn bất động sản): Đặc thù nghề nghiệp làm tư vấn bất động sản, tôi không thể ngủ trưa do phải gặp gỡ khách hàng. Giờ trưa là thời điểm họ rảnh rỗi, liên hệ cho tôi để hỏi thông tin các dự án. Tất nhiên, không ngủ trưa làm tôi rất mệt và nhanh mất sức vào buổi chiều.

Phương Khanh (25 tuổi, chuyên viên PR): Công ty cũ của tôi không có văn hoá ngủ trưa, mọi người đều dành thời gian làm việc riêng hoặc trò chuyện. Giờ đây, qua công ty mới, tôi vẫn giữ thói quen này.

Hiện tại, tôi vẫn chưa thấy mình gặp vấn đề gì vì thiếu ngủ trưa. Trừ một số hôm mất ngủ cả trưa lẫn tối, tôi phải uống khá nhiều cà phê và trà để giữ mình tỉnh táo trong giờ làm việc.

Nhiều văn phòng không lý tưởng để nghỉ trưa

Thu Trang: Công ty tôi không có không gian và cơ sở vật chất phục vụ riêng cho việc ngủ trưa của nhân viên. Những ai muốn chợp mắt sẽ ngủ gục trên bàn hoặc co chân trên ghế. Chúng tôi cũng không được mang theo chăn mền đến văn phòng vì quy định không cho phép.

Ngoài ra, giờ nghỉ trưa rất ngắn, chỉ một tiếng đồng hồ. Muốn chợp mắt 15-30 phút, tôi phải ăn trưa nhanh hơn hoặc không ăn mới đủ thời gian.

Thành Nam: Công ty tôi có phòng riêng dành cho nhân viên nghỉ trưa, nhưng mọi người chủ yếu ngủ trên ghế hoặc gục xuống bàn. Có vẻ ít ai cảm thấy thoải mái khi sử dụng phòng ngủ của tập thể.

Tuy nhiên, vì không có thói quen ngủ trưa, tôi thấy việc này không ảnh hưởng đến mình.

Quốc Hùng: Công ty tôi khá ồn vào khung giờ trưa. Nhưng nếu sau này, khi cơ thể có dấu hiệu tiêu cực, tôi sẽ cố thu xếp để ngủ trưa tại văn phòng.

ngu trua cong so anh 4

Quốc Hùng tận dụng thời gian nghỉ trưa để nâng cao chuyên môn. Ảnh: NVCC

Mạnh Cường: Công ty tôi cho phép mọi người ngủ trưa tại văn phòng nhưng đèn bật rất sáng, tiếng nói chuyện lại ồn ào. Ai muốn ngủ đều nằm gục xuống bàn, rất ảnh hưởng đến cột sống.

Tôi hy vọng công ty có thể tạo ra không gian nghỉ ngơi riêng dành cho nhân viên với khoảng thời gian nghỉ trưa kéo dài đến 2 tiếng.

Thanh Nga: Tại công ty tôi, mọi người thường ngủ gục xuống bàn, cũng có một vài bạn ngả lưng trên ghế. Nhiều người mong chờ công ty bố trí vị trí ngủ phù hợp hơn cho nhân sự.

Vào những ngày không có lịch gặp khách hàng vào giờ trưa, tôi dự định chợp mắt một lúc tại công sở. Nhưng việc này không hề dễ dàng vì tôi khó ngủ trong môi trường lạ.

Phương Khanh: Công ty tôi có pantry riêng biệt phục vụ việc ăn uống, trò chuyện. Vì vậy, những người ở lại văn phòng khá thoải mái để ngủ trưa. Trong một tiếng nghỉ trưa, rèm cửa sẽ được thả xuống và tiếng ồn được hạn chế.

Nhưng tôi không có dự định tập thói quen ngủ trưa vì còn nhiều vấn đề cá nhân phải giải quyết. Tuy vậy, nếu cơ thể lên tiếng, tôi sẽ cân nhắc phương án ngủ hoặc thiền vào giờ trưa để lấy lại sức.

Đầu tư cho giấc ngủ trưa

Trao đổi với Zing, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), cho biết vấn đề nghỉ trưa tại các công ty Việt Nam là một bài toán không đơn giản.

Để hỗ trợ nhân viên có giờ nghỉ trưa lành mạnh, phù hợp, doanh nghiệp cần cân bằng 2 yếu tố không gian và thời gian.

"Thể trạng và tập quán của người Việt Nam đòi hỏi việc nghỉ ngơi hợp lý, trong đó có giấc ngủ trưa. Nếu duy trì cường độ làm việc cao, cơ thể chúng ta sẽ bị quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc. Ngoài giờ nghỉ trưa, doanh nghiệp cũng nên tạo ra những khoảng thời gian thư giãn ngắn, kéo dài 10-15 phút, để nhân viên vận động, giải trí trong giờ làm việc", ông nói.

ngu trua cong so anh 5

Nhiều dân công sở chọn hàn huyên, vui chơi với đồng nghiệp vào giờ trưa. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, PGS Lộc cũng cho rằng giờ nghỉ trưa lành mạnh chính là chế độ phúc lợi được đánh giá cao của công ty dành cho nhân sự, giúp nhân viên gắn bó bền vững với tập thể.

"Trong thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, công ty cần bố trí không gian phù hợp về ánh sáng, âm thanh, giúp nhân viên nghỉ ngơi hiệu quả. Công ty cũng có thể trang bị các hạng mục như ghế ngả lưng, giường gấp... bởi việc ngủ gục trên bàn hoặc nằm đất kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ", ông nói.

Trên thế giới, vấn đề ngủ trưa nơi công sở cũng rất được quan tâm. Nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu không chỉ khuyến khích mà còn tạo điều kiện để nhân viên có những giờ ngủ trưa chất lượng.

Theo đó, Google trang bị những buồng ngủ mang tên EnergyPod giúp nhân viên có những giấc ngủ ngắn phục hồi thể lực. Với thiết kế giường không trọng lực, buồng ngủ giúp điều chỉnh tư thế nằm tốt cho việc thúc đẩy lưu thông máu. Ngoài ra, hệ thống ánh sáng, âm nhạc và chế độ rung nhẹ thư giãn giúp các kỹ sư có giấc ngủ trưa 20 phút hoàn hảo.

Trong khi đó, Facebook bố trí những "hộp ngủ trưa" để khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi. Hộp ngủ có cửa trượt để giảm thiểu tiếng ồn và nệm giúp ngủ ngon giấc. Ngoài ra, công ty cũng bố trí thêm các ghế dài phục vụ những nhân viên chỉ cần ngả lưng thư giãn.

Tương tự, để phục vụ cho việc nghỉ ngơi của nhân viên, trụ sở chính của Uber tại San Francisco (Mỹ), Ấn Độ và Philippines cũng thiết kế không gian ngủ trưa riêng biệt. Họ cho rằng giấc ngủ trưa dù ngắn vẫn có thể thúc đẩy tối đa năng suất làm việc của nhân viên.

Bữa trưa đắt đỏ của dân văn phòng ở Phú Mỹ Hưng, Sala

Nhân viên văn phòng làm việc ở các khu đô thị biệt lập như Sala hay Phú Mỹ Hưng có ít lựa chọn và phải chi 50.000-65.000 đồng cho một bữa trưa.

Mỹ Trinh - Phương Huy

Bạn có thể quan tâm