Lê Thị Ngọc Thanh (Bí thư Quận đoàn 12, đại biểu HĐND TP.HCM):
Có nhiều cách để thấu cảm giá trị của độc lập
Chúng tôi, những thế hệ sinh ra trong hòa bình, không có chút trải nghiệm thực tế nào về hai cuộc kháng chiến. Những trải nghiệm về khó khăn trong đời sống cũng không nhiều nhặn, làm sao có thể hiểu hết. Những hạn chế về trải nghiệm của chúng tôi là có. Nhưng chúng tôi cũng có một lợi thế với các thế hệ trước là có nhiều cách để thấu cảm giá trị của độc lập, hiểu về ngày độc lập, về nền độc lập từ nhiều hướng, theo nhiều cách. Và vẫn cảm thấu được vẹn nguyên giá trị.
Lê Thị Ngọc Thanh. |
Cùng một hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu đi tìm đường cứu nước năm 21 tuổi, các thế hệ cha anh của tôi có thể học ở đó sự táo bạo cho con đường kháng chiến, cứu cả một dân tộc khỏi ách nô lệ. Còn chúng tôi có thể học ở người thanh niên 21 tuổi ấy thái độ quên đi sự vị kỷ của mình vì những người xung quanh, học được niềm tin về sự thành công nếu có chí lớn, biết tin vào bản thân mình, dân tộc mình.
Nói đến đây tôi nghĩ ngay đến những ví dụ nhỏ khác, trong những ngày tháng 8 mới vừa qua. Đó là khi tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh vào đến bán kết Giải cầu lông vô địch thế giới, kỳ thủ Lê Quang Liêm là người Việt Nam đầu tiên vào đến vòng 4 World Cup cờ vua thế giới và đội tuyển Olympic toán học quốc gia cũng lần đầu tiên đoạt ba huy chương vàng tại kỳ thi toán quốc tế... Đó đều là những mốc son đáng tự hào và đừng nghĩ rằng những người trẻ chúng tôi vô tâm trước những sự kiện ấy. Con số truy cập áp đảo trong những bản tin về các sự kiện ấy, rồi những trang Facebook, những diễn đàn sôi nổi bàn tán là minh chứng. Trên cả nhu cầu về thông tin, sự quan tâm về những sự kiện ấy không ai định nghĩa, không tự nói lên nhưng đó chính là sự bày tỏ cho lòng tự hào về đất nước, một cách “hưởng thụ” và trân quý giá trị của cuộc sống độc lập.
Không được phép quên, không được phép thiếu hiểu biết về quá khứ, nhưng rõ ràng chúng tôi cũng có thể (và có trách nhiệm) tự mình tìm đến những giá trị mới, những giá trị được thừa hưởng từ ngày độc lập, của một nền độc lập bằng cách mà chúng tôi suy nghĩ, cảm nhận. Và tôi nghĩ điều đó sẽ làm tăng thêm sự phong phú giá trị của một nền độc lập được khai sinh từ 68 năm trước.
Trần Thị Hồng Hạnh (sinh viên Trường đại học KHXH&NV TP.HCM):
Mỗi người trẻ là một viên gạch nhỏ
Lúc nhỏ, mỗi lần tới ngày Quốc khánh tôi cảm thấy vui lắm, đơn giản vì ngày đó người lớn được nghỉ làm, sẽ đưa mình đi chơi. Khi lớn lên, tôi biết được để có một ngày gọi là Quốc khánh, rất nhiều người đã phải hi sinh cuộc sống, hi sinh tuổi xuân. Cái ngày đánh dấu việc đất nước mình, dân tộc mình được có tên trên bản đồ thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập sẽ luôn là một ngày đặc biệt, thiêng liêng trong tâm thức mỗi con người Việt Nam.
Trần Thị Hồng Hạnh. |
Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, không đủ trải nghiệm để chúng tôi nhìn nhận sâu sắc sự thay đổi của đất nước, của thành phố, nhưng tôi có thể cảm nhận, chứng kiến rõ từng ngày sự thay da đổi thịt của ấp, của xã Hiệp Phước, của huyện Nhà Bè mà tôi đang sống.
Ngày trước chúng tôi đi học phải lội bộ, phải băng qua những con đường lầy lội bùn sình. Bây giờ đường đi là đường rải đá, đường tráng nhựa. Ngay cả đường bờ đê đầy ổ gà, ổ trâu cũng được nâng cao, giặm vá cho bằng. Ngày trước học trò Hiệp Phước đi học bằng xe đạp đã là sang. Bây giờ có xe đưa rước từ cổng nhà tới tận trường.
Hồi xưa, sinh viên đại học hằng ngày muốn vào trung tâm TP.HCM học phải đón mấy chuyến xe. Từ ngày TP.HCM triển khai nhiều tuyến xe buýt xuống tận những xã xa, chúng tôi đi học đỡ cực hơn nhiều. Con nít vùng sâu, nhà nghèo mơ gì đến chuyện được ba mẹ dẫn đi coi phim ở rạp. Vậy mà giờ đây tụi nhỏ được coi cả phim 3D nhờ TP.HCM đầu tư xây rạp chiếu phim 3D miễn phí ở Nhà thiếu nhi Nhà Bè. Người nghèo được vay vốn, học trò nghèo được cấp học bổng. Bản thân tôi cũng từng được nhận học bổng của hội phụ nữ xã. Cuộc sống ở những xã vùng sâu như ở Nhà Bè đã khá hơn trước nhiều. Và tôi tin không chỉ một mình Nhà Bè mà cả TP.HCM, cả đất nước, chỗ nào cũng sẽ có không ít những đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Học xong đại học, tôi quyết định trở về làm việc tại xã. Nhiều người cũng hỏi sao tôi không chọn những cơ hội nghề nghiệp ở nơi tốt hơn, nhưng tôi nghĩ rằng mỗi người trẻ nên là một viên gạch nhỏ để góp phần xây dựng quê hương - nhất là khi quê hương mình đâu đó vẫn còn khó khăn, vẫn còn lạc hậu.
Nguyễn Đỗ Dũng (chuyên gia quy hoạch):Cốt lõi của chúng ta là gì?
Bạn kỷ niệm điều gì trong ngày Quốc khánh? Sau 68 năm thăng trầm, mối dây nào còn liên hệ giữa bạn, tôi và thế hệ của ngày 2-9-1945? Liệu chúng ta có còn chia sẻ cùng một hệ giá trị, cùng những mơ ước và cùng những nỗi niềm về tình yêu cuộc sống, gia đình và đất nước?
Với tôi, ngày Quốc khánh là dịp để nghĩ về chính mình với tư cách thành viên của một dân tộc: chúng ta là ai và giá trị cốt lõi của chúng ta là gì? Một dân tộc được hình thành nên bởi huyết thống, dựng nên đất nước bằng lao động và đấu tranh nhưng chỉ có thể chinh phục thế giới bằng phẩm giá của mình.
Nguyễn Đỗ Dũng. |
Tôi đã hỏi mình những câu hỏi ấy hơn mười năm trước khi lần đầu bước chân ra khỏi dải đất hình chữ S, đối diện với một thế giới hoàn toàn lạ lẫm. Tâm lý và biểu hiện của một người đến từ một đất nước còn lạc hậu làm tôi suy nghĩ từ những việc nhỏ như: thói quen nói to nơi công cộng, nỗi lo bị mất đồ đạc ở nơi đông người và sự thiếu tự tin khi gặp cơ quan công quyền. Tâm lý và những thói quen đó còn thách thức cả những niềm tin trong tôi về sự lựa chọn tin tưởng hay nghi ngờ vào sự lương thiện của con người.
Ngay trong lòng quê hương mình cũng như mỗi khi bước chân ra ngoài thế giới, tôi thường tự hỏi về bản sắc của mình trong nỗ lực cá nhân để trở thành một người Việt Nam tử tế. Tôi cũng tìm thấy khó khăn này trong không ít những người trẻ cùng thế hệ của tôi khi họ muốn hòa nhập vào thế giới với tư cách của những con người có cội rễ. Họ sẽ phải tự hỏi chính mình: Trở thành một người Việt Nam trong thế giới này có ý nghĩa như thế nào? Phẩm giá dân tộc nào làm tôi tự hào khi tôi đứng cạnh những dân tộc khác?
Khi nhìn vào những người đồng bào gần gũi nhất: ông bà và cha mẹ của tôi, những con người đã nỗ lực không ngừng nghỉ cho tình yêu và lý tưởng của họ, tôi luôn có thể tự hào mà nói rằng phẩm giá của dân tộc tôi là đức hi sinh và sự bền bỉ trong cuộc sống. Nhưng liệu đây có tiếp tục là những giá trị cốt lõi của toàn dân tộc và sẽ được truyền tiếp qua thế hệ chúng tôi? Tìm kiếm lời giải cho câu hỏi này lại càng khó khăn trong bối cảnh xã hội có nhiều xáo trộn về mặt giá trị.
Tôi lần giở lịch sử để tìm câu trả lời cho phẩm giá của dân tộc. Trong lời tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam hiện đại 68 năm trước, Hồ Chủ tịch nhắc đến hai giá trị quan trọng: lòng nhân đạo và sự gan góc chiến đấu cho lẽ phải - những phẩm giá để dân tộc Việt Nam có một chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Tôi vẫn nghĩ đây là những phẩm giá quan trọng nhất để mỗi con người cũng như mỗi dân tộc có được sự tôn trọng của cộng đồng. Trong nội tại xã hội Việt Nam đương đại, đó sẽ là lòng nhân ái giữa người với người và sự dũng cảm để dám đứng về phía lẽ phải và đối mặt với chính mình: một thể chế đang hoàn thiện, một xã hội còn nhiều bất cập và một nền kinh tế kém phát triển.
Một chính thể ở tuổi gần 70 không khác một người trẻ ở tuổi 30 như tôi: đã qua những năm tháng nông nổi và giờ là lúc phải hiểu rõ được những giá trị của bản thân để tự mình quyết định tương lai của mình. Tôi tin rằng những giá trị mà tôi tìm kiếm, những giá trị có thể làm tôi tự hào về dân tộc tôi không có gì hơn ngoài những phẩm chất đã nằm sâu thẳm trong ADN của chúng ta: đức hi sinh, sự bền bỉ, lòng nhân ái và sự dũng cảm.