Zing tổng hợp bài đăng trên Sixth Tone, Straits Times, ABC News về xu hướng lựa chọn lối sống độc thân của giới trẻ nhiều nước châu Á.
Một quán mì mới mở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) không có sự xuất hiện của những chiếc bàn lớn cho khách đi theo nhóm.
Thực khách ngồi dọc theo những chiếc bàn dài bằng kim loại, mỗi chỗ ngồi được bao bọc trong một buồng riêng. Các nhân viên tránh tiếp xúc với khách hàng hết mức có thể, dùng một tấm bảng để trượt đồ ăn đến các bàn.
Quán ăn này trông có vẻ như được thiết kế cho thời kỳ hậu Covid-19, nhưng thực ra là đang khai thác một lối sống mới trong giới trẻ. Đó là việc ngày càng nhiều thanh niên đi ăn một mình.
Ăn tối bên ngoài một mình từng là điều hiếm thấy ở Trung Quốc, nơi có truyền thống nhiều người cùng chia sẻ thức ăn, ngồi quây quần bên một chiếc bàn tròn. Nhưng những hình ảnh này đang ngày càng ít đi khi thế hệ trẻ theo đuổi lối sống độc thân.
Không chỉ ở đất nước tỷ dân, thế hệ 8X, 9X hay thậm chí 10X tại nhiều nước châu Á ngày nay coi việc sống thoải mái một mình là mục tiêu hướng tới. Từng bị coi là điều đáng xấu hổ, thua kém, độc thân bây giờ lại trở thành biểu tượng của sự tự do, phóng khoáng trong thời đại mới.
Xu hướng mới
Trước đây, nhiều sinh viên Trung Quốc thường ổn định cuộc sống ngay sau khi tốt nghiệp đại học, quay lại sống với gia đình cho đến khi kết hôn.
Tuy nhiên giờ đây, giới trẻ ngày càng trì hoãn việc kết hôn cho đến tuổi 30 và xây dựng cuộc sống của riêng mình ở các thành phố lớn, nơi họ vùi đầu vào những công việc cường độ cao mà ít có thời gian giao lưu.
Theo số liệu của chính phủ công bố vào năm ngoái, số lượng người độc thân ở Trung Quốc đã vượt qua con số 200 triệu. Tổng số người sống một mình dự kiến sẽ đạt 90 triệu người vào năm 2021.
Tương tự, đi cùng tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm, số lượng hộ gia đình một người ngày càng tăng ở Hàn Quốc. Tính đến năm 2016, khoảng 5,4 triệu người Hàn Quốc sống một mình, tăng gấp đôi con số 2,2 triệu người vào năm 2000.
Theo Straits Times, lối sống độc thân cũng ngày càng phổ biến với cả nam và nữ trong độ tuổi 25-29 ở Singapore khi tỷ lệ căn hộ có một người ở được ghi nhận tăng qua các năm.
Tại Nhật Bản, hơn 1/3 số hộ gia đình hiện nay là người độc thân. Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia cho rằng những người sống một mình sẽ chiếm gần 40% tổng số hộ gia đình Nhật Bản vào năm 2040, theo HawaiiPublicRadio.
Người trẻ nhiều nước châu Á thích sống một mình. |
Xu hướng ăn một mình cũng đang lan rộng trên mạng. Du Yusang là một trong số ngày càng nhiều ngôi sao trên mạng xã hội chia sẻ video đi ăn một mình trên nền tảng phát trực tuyến nổi tiếng Bilibili.
Mỗi cuối tuần, cô gái 23 tuổi tự nấu những bữa ăn thịnh soạn và đăng lên trang cá nhân cho 68.000 người theo dõi. Các vlog này là cách để cô cho người hâm mộ thấy rằng mọi người hoàn toàn có thể sống tốt khi ở một mình.
“Tôi tình cờ xem được một số video dạng 'ăn tối một mình' khi trải qua khoảng thời gian khó khăn trong năm cuối đại học và những video đó đã an ủi tôi rất nhiều. Bây giờ, tôi muốn gửi thông điệp tương tự: ‘Ngay cả khi bạn ở một mình, cuộc sống vẫn sẽ rất tuyệt vời với những bữa ăn ngon’”, Du nói.
Vlogger Du Yusang có nhiều người theo dõi nhờ các clip chia sẻ cuộc sống một mình. |
Bên cạnh việc tự quay phim nấu và ăn những phần mì ramen Nhật Bản hoặc cơm trộn của Hàn Quốc, Du còn chia sẻ các video cô vẽ tranh, đọc sách và xem TV.
Kể từ tháng 1/2019, cô đã sản xuất khoảng 50 vlog, trong đó video nổi tiếng nhất hút hơn 120.000 lượt xem và bình luận.
Nội dung các vlog này chủ yếu nhắm đến đối tượng là những người trẻ sống một mình hoặc sắp ra ở riêng. Theo Du, một nửa số người hâm mộ của cô ở độ tuổi từ 17 đến 25 và họ thường xuyên nhắn tin hỏi ý kiến cô về việc sống một mình.
“Một số sinh viên nói rằng họ mong muốn có một cuộc sống riêng yên bình sau khi tốt nghiệp. Có người thì hỏi tôi nơi mua đồ dùng nhà bếp dành cho một người”, nữ vlogger chia sẻ.
Nhà bếp của Du có đầy đủ các thiết bị được thiết kế để chế biến phần ăn đơn lẻ, bao gồm chảo nhỏ, nồi hấp, lò nướng, nồi cơm điện, máy làm sữa đậu nành và thậm chí cả một bộ nồi lẩu nhỏ. Theo cô, ngày càng nhiều công ty tung ra các bộ sưu tập đồ gia dụng dành cho một người.
Nhóm khách hàng tiềm năng
Quán mì 23 Seats ở Bắc Kinh là một trong số nhiều cơ sở kinh doanh phục vụ đối tượng khách đến một mình.
Sun Yun (33 tuổi), đồng sở hữu 23 Seats, cho biết phong cách bày trí của quán nhằm thu hút những người chỉ đơn giản muốn thưởng thức một bữa ăn ngon mà không cảm thấy lo lắng về việc thiếu vắng người đồng hành.
“Chúng tôi có thể bố trí chỗ ngồi cho nhiều kiểu khách hàng như các quán khác nhưng cuối cùng vẫn quyết định theo concept này. Chúng tôi muốn tạo ra một không gian nơi những thực khách đi một mình sẽ không cảm thấy khó chịu khi bước vào”, Sun nói.
Haidilao, chuỗi cửa hàng lẩu nổi tiếng, cũng bắt đầu đặt những chú gấu bông khổng lồ trên ghế trống để giữ chân những thực khách cô đơn, trong khi các nhà hàng khác tạo ra các khẩu phần ăn nhỏ cho một người.
23 Seats chỉ phục vụ những thực khách ngồi ăn một mình. |
Kể từ khi mở cửa vào năm ngoái, 23 Seats đã phát triển mạnh, hiện là một trong những nhà hàng được đánh giá cao ở Trung Quốc trên ứng dụng review quán ăn.
Little Bear Electric Appliances, công ty sản xuất thiết bị của Trung Quốc, là một trong những thương hiệu cũng đang dấn thân vào thị trường mới này. Theo Deng Caike, giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển của Little Bear, hiện một nửa trong số 40 danh mục sản phẩm của công ty hướng đến nhóm người dùng sống một mình.
Nhóm của Deng đã phát hiện ra nhiều nồi cơm điện thường có dung tích lên đến 5 lít, vượt xa nhu cầu của khách hàng trẻ tuổi. Kể từ đó, nhóm đã tung ra mẫu nồi mới có dung tích chỉ bằng một nửa và thiết kế dễ thương thu hút người dùng.
Nhu cầu về các sản phẩm ăn uống một mình cũng đang tăng lên nhanh chóng ở Trung Quốc. Theo dữ liệu do tập đoàn thương mại điện tử Alibaba công bố, người tiêu dùng đã mua 2,3 triệu thiết bị điện mini trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân năm ngoái. Doanh số bán chai rượu vang nhỏ loại 200 ml và túi gạo nặng 500 gram cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yuan Yibo, nhà phân tích tại công ty đầu tư Mude Capital, cho biết nhiều ngành công nghiệp khác cũng đang hưởng lợi từ việc số người trẻ chọn sống độc thân ngày càng tăng. Giao đồ ăn, cho thuê bất động sản, thú cưng và chơi game là các dịch vụ đang ăn nên làm ra nhất.
Nhiều công ty gia dụng ra mắt sản phẩm cho nhóm khách hàng độc thân. |
Tại Nhật Bản, hầu hết quán cà phê đều có bàn ghế cho khách đến một mình.
Công ty robot Yukai Engineering cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng cô đơn của giới trẻ nước này, đã cho ra mắt hàng chục mẫu robot độc đáo để bầu bạn với con người, đặc biệt là người sống một mình.
Tại xứ anh đào, nhiều dịch vụ khác cũng được mở ra để phục vụ những người trẻ cô đơn hoặc chưa sẵn sàng để tìm kiếm một mối quan hệ, ví dụ như trả 4.000 yen nếu muốn ôm một người trong 20 phút hay 4.500 yen để đi dạo hoặc ngồi tâm sự với người lạ trong một giờ.
Hài lòng khi "một mình"
Yitian (30 tuổi, Thượng Hải) ước tính bản thân chi khoảng 6.000 nhân dân tệ (870 USD) mỗi tháng chưa kể các khoản chi phí cộng thêm.
“Khuyết điểm duy nhất của việc sống một mình là phải trả thêm tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, nhưng tôi thấy cũng đáng giá”, cô nói.
Yitian trước đây sống với bố mẹ nhưng quyết định chuyển ra ngoài sau nhiều lần bất đồng quan điểm. Trong khi cô thích ngủ nướng và uống rượu thâu đêm với bạn bè, bố mẹ cô lại muốn con gái ổn định cuộc sống và nhanh kiếm chồng.
“Tôi hoàn toàn mệt mỏi với những lời than vãn của bố mẹ. Bây giờ, sẽ không ai quát tháo nếu tôi về nhà sau nửa đêm nữa”, cô nói.
Dù có nhiều chi phí không thể san sẻ khi sống một mình, Yitian vẫn chấp nhận và hài lòng với cuộc sống hiện có. |
Theo Yitian, cha mẹ cô từng phản đối việc con gái sống một mình vì sợ nguy hiểm. Nhưng sau nhiều tuần phong tỏa do dịch Covid-19 vào đầu năm nay, gia đình cãi vã gần như liên tục, bố mẹ cô cũng thay đổi ý định.
“Họ đồng ý rằng tôi không còn là một đứa trẻ nữa và tôi có thể chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định của riêng mình, bao gồm cả việc chưa kết hôn và sống một mình”, Yitian nói.
Sau khi dọn ra ở riêng, hầu hết bạn bè đều chúc mừng cô vì quyết định sống tự do. Chỉ có số ít bình luận tiêu cực từ người mà thậm chí cô không quen.
“Uống rượu muộn và sống một mình? Nghe như điều mấy đứa con gái hư hỏng hay làm vậy”.
Cô trả lời: “Năm 2020 rồi. Đã đến lúc chấm dứt những định kiến ác ý đối với người độc thân được rồi đó”.